Từ vụ Big C: Cần xây dựng môi trường pháp lý để cạnh tranh lành mạnh
VOV.VN - Từ vụ việc Big C, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần điều chỉnh chặt chẽ hơn về chính sách để doanh nghiệp Việt Nam không bị thua trên sân nhà.
Đánh giá về động thái của Big C sau vụ việc tạm dừng thu mua sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp tại Việt Nam mới đây, các chuyên gia kinh tế cho rằng, vụ việc đang đặt ra vấn đề Big C có vi phạm luật pháp của Việt Nam hay không?
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, trong Luật Cạnh tranh có quy định, doanh nghiệp bán lẻ không được từ chối đối với đơn vị cung ứng nếu không có lý do chính đáng. Theo đó, nếu không có lý do chính đáng mà tạm ngừng nhập hàng thì sẽ vi phạm Luật Cạnh tranh.
Trước đó, ngay từ thời điểm Central Group mua lại hệ thống Big C năm 2016, Big C đã tỏ rõ quan điểm của mình là luôn ưu tiên hàng Việt Nam, nhưng sau một thời gian hoạt động thì lời tuyên bố này đã trở thành vô nghĩa. Vì vậy, cần làm rõ hành động này của Big C mang mục đích gì, từ đó mới có giải pháp điều chỉnh.
Các cơ quan chức năng cần vào cuộc và có biện pháp quyết liệt, ứng xử một cách kịp thời, nghiêm minh theo đúng pháp luật, để không còn tiếp diễn các vụ việc tương tự trong thời gian tới ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong nước.
“Ở trường hợp này nhà bán lẻ Big C mới tuyên bố tạm dừng nhập hàng, nhưng nếu họ quyết định không có lý do chính đáng thì họ đã vi phạm Luật Cạnh tranh. Tạm ngưng để ra điều kiện với các nhà cung ứng, có thể chiết khấu nâng lên để doanh nghiệp có lợi hơn… Nếu việc tạm ngưng nhập hàng may mặc của Việt Nam mà không có lý do chính đáng là vi phạm Luật và cần phải xử lý rất nghiêm minh theo quy định của nhà nước. Đồng thời, với hành vi này, ngoài việc xử lý của nhà nước thì người tiêu dùng Việt Nam cũng sẽ có những cách ứng phó như tẩy chay hàng hóa của Big C”, ông Ngô Trí Long nói.
Để đứng vững trên sân nhà, các doanh nghiệp Việt buộc phải tự hoàn thiện mình, đưa ra nhiều sản phẩm có chất lượng. |
Đồng tình với quan điểm này, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, cần phải sửa Luật Cạnh tranh theo hướng chặt chẽ hơn để doanh nghiệp nước ngoài không lợi dụng kẽ hở để lách luật, tránh tiền lệ một loạt chuỗi siêu thị của nhà đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc như Lotte, Aone rất có thể một ngày nào đó, các siêu thị này sẽ hành động tương tự như Big C. Riêng đối với lĩnh vực may mặc của Việt Nam ngoài sự hỗ của Chính phủ thì ngành dệt may phải tự đổi mới về chất lượng, uy tín, thương hiệu, giá thành… để nâng cao sức cạnh tranh.
“Hiện nay, ngành dệt may đang yếu về vấn đề nguyên phụ liệu, năng suất trong ngành dệt may, việc thiết kế gia công... giá trị xuất khẩu chưa bền vững. Cần quan tâm hơn đến thị trường xuất khẩu và phải chú ý đến thị trường trong nước với 95 triệu dân, cải tiến mẫu mã, có trách nhiệm với người tiêu dùng khi xảy ra lỗi. Chúng ta phải tự xây dựng các tập đoàn bán lẻ Việt Nam, phải nhân rộng các mô hình làm chính đáng như Vingroup, Hapro, Saigon Co.op Mart... để có thể đủ sức dẫn dắt thị trường bán lẻ Việt Nam, kết nối với sản xuất thành một chuỗi để phục vụ người tiêu dùng Việt Nam với chất lượng hàng hóa cao và giá cả hợp lý”, ông Vũ Vinh Phú cho hay.
Trước sức ép từ nhiều phía, Big C đã mở lại đơn hàng cho một số doanh nghiệp dệt may Việt Nam, nếu không có sự phản ứng của các doanh nghiệp, các cơ quan truyền thông thì Big C sẽ gạt doanh nghiệp Việt Nam khỏi hệ thống phân phối.
Bà Dương Thị Thùy Hương, Phó giám đốc Công ty Thiên Bằng- doanh nghiệp hoạt động trong ngành may mặc cho rằng, đây quả thực là một cú sốc với doanh nghiệp Việt Nam và người tiêu dùng Việt. Đồng thời cũng sẽ là bài học cho nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khi phải phụ thuộc vào các doanh nghiệp khác để phân phối.
“Vụ việc của Big C sẽ là bài học cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và cho các doanh nghiệp may mặc nói riêng. Doanh nghiệp cần chủ động trong việc nhập máy móc, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường, chủ động trong tìm kiếm các khách hàng để tránh việc phụ thuộc vào một doanh nghiệp như Big C. Bởi những doanh nghiệp phụ thuộc vào Big C khi tạm dừng nhập hàng đột xuất sẽ gây ra hậu quả rất nặng nề”, bà Dương Thị Thùy Hương nói.
Việt Nam đã tham gia sâu rộng vào tiến trình hội nhập kinh tế thế giới với việc tham gia và cam kết thực thi nhiều Hiệp định Thương mại tự do, chắc chắn sẽ phải cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài tràn vào Việt Nam. Bởi một thị trường 95 triệu dân với mức thuế quan nhiều mặt hàng về 0% chắc chắn có sức hấp dẫn với doanh nghiệp nước ngoài… Do đó, để đứng vững trong xu thế mới, các doanh nghiệp Việt buộc phải tự hoàn thiện mình, đưa ra những sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá thành phải chăng… để đứng vững trên thị trường cả trong nước và xuất khẩu./.
Phong trào kêu gọi tẩy chay Big C nếu Big C tẩy chay hàng Việt