Từng bước "xanh hóa" sản xuất tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp
VOV.VN - Trước những tác động của biến đổi khí hậu, môi trường, các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt, chuyển đổi xanh đang là xu hướng tất yếu của sự phát triển. Trong các doanh nghiệp, việc từng bước ‟xanh hoá" sản xuất, nhà máy xanh, công nghệ xanh, nguyên liệu sạch, năng lượng xanh… đã và đang trở thành xu thế tất yếu và tạo ra lợi thế cạnh tranh.
>> Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam: Đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh
>> Từng bước "xanh hóa" sản xuất tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp
>> Thiếu khoảng 500.000 nhân lực CNTT phục vụ phát triển kinh tế số, kinh tế xanh
Sáng nay (17/4), tại Hà Nội, Báo Điện tử VOV tổ chức “Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam: Đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh”. Diễn đàn được tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL) và Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo).
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ cho rằng, kinh tế xanh, tăng trưởng xanh là chiến lược để phát triển bền vững thông qua kết hợp giữa tiến bộ công nghệ, đổi mới sáng tạo xanh tại doanh nghiệp và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Thực tế đã chứng minh, tăng trưởng xanh giúp đạt được mục tiêu kép về phát triển kinh tế và hạn chế tác hại đến môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững.
Kinh tế xanh bao gồm phát thải carbon thấp, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo đảm công bằng xã hội. Xét theo lĩnh vực, kinh tế xanh được xuất phát từ việc tăng cường đầu tư cho các lĩnh vực giúp bảo vệ và phát triển vốn tự nhiên của Trái đất, hạn chế suy giảm tính đa dạng của hệ sinh thái và các rủi ro về môi trường, bao gồm: Năng lượng tái tạo, giao thông phát thải carbon thấp, xây dựng nhà hiệu quả năng lượng, các công nghệ sạch, hệ thống quản lý chất thải tiên tiến, hệ thống cung cấp nước sạch tiên tiến, và nông - lâm - ngư nghiệp bền vững. Đặc biệt, việc đầu tư này cần được hỗ trợ bởi các cải cách về chính sách và những nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng của thị trường.
Nhận thức được tầm quan trọng của tăng trưởng xanh tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Việt Nam đã có chủ trương, định hướng về thúc đẩy quá trình chuyển dịch để hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định chủ trương “phát triển nhanh và bền vững đất nước” và phát triển kinh tế xanh.
Trong những năm qua, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, kế hoạch hành động và chỉ đạo điều hành về phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững, bảo vệ môi trường, như: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Các quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, về Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2012 - 2020, Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, và Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2023...
“Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” đặt ra mục tiêu tổng quát là tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Theo Tổng giám đốc VOV trước những tác động của biến đổi khí hậu, môi trường, các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt, chuyển đổi xanh đang là xu hướng tất yếu của sự phát triển. Trong các doanh nghiệp, việc từng bước ‟xanh hoá" sản xuất, nhà máy xanh, công nghệ xanh, nguyên liệu sạch, năng lượng xanh… đã và đang trở thành xu thế tất yếu và tạo ra lợi thế cạnh tranh. Vì thế, việc chuyển đổi không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để xây dựng được chiến lược phát triển doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất.
“Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế xanh, Nhà nước đã có nhiều biện pháp khuyến khích doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp cận và áp dụng mô hình nông nghiệp xanh, phát triển công nghiệp xanh, đầu tư vào năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính... Nhiều doanh nghiệp trong nước đã chủ động đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình theo chiều sâu, gắn với phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.
Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới gắn với các mục tiêu phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045... Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (giai đoạn 2021 - 2030) đã đề ra định hướng lớn là phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả Cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số.
Nhằm khẳng định định hướng của Đảng, Nhà nước, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, hôm nay, Báo Điện tử VOV, Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức Chương trình “Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam: Đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh” với mong muốn Diễn đàn là nơi thảo luận bàn giải pháp tháo gỡ thách thức khó khăn, vướng mắc; đồng thời gợi mở, đề xuất những cơ hội, chính sách mới trong phát triển kinh tế xanh bền vững tại Việt Nam”, Tổng giám đốc VOV nói.
Tham luận tại diễn đàn, đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” cũng đặt ra mục tiêu tổng quát là tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Chiến lược đặt ra mục tiêu xanh hóa các ngành kinh tế, trong đó nhấn mạnh việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Theo đó, mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP, phấn đấu đến năm 2030, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014; đến năm 2050, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 30% so với năm 2014.
"Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng, xem chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững là những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tích cực đồng hành và hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế để thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, tăng cường tăng trưởng xanh, cùng thúc đẩy mạnh mẽ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm mang lại hòa bình, thịnh vượng chung cho các dân tộc trên thế giới.
Là một trong 6 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang tiên phong trong việc thực hiện các cam kết “xanh”, được cộng đồng quốc tế đánh giá như là hình mẫu về một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn nhưng đã có những đóng góp đi đầu cho “ngôi nhà chung” an toàn của nhân loại. Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050", bà Tạ Thị Yên cho biết.
Theo Đại biểu Tạ Thị Yên, phát triển bền vững, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh đang là đang là xu hướng chuyển dịch tất yếu của thế giới, là mô hình hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn.
Tuy nhiên, thế giới đang có nhiều thay đổi và diễn biến phức tạp và đối mặt với nhiều nguy cơ về nạn đói, bất bình đẳng, ô nhiễm môi trường, thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp… gây ra không ít khó khăn, thách thức trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trên phương diện toàn cầu. Ở trong nước, chính sách của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi xanh đã rất rõ ràng, lộ trình bài bản và quyết tâm mạnh mẽ.
Đại biểu Tạ Thị Yên cũng cho rằng, cần thừa nhận rằng các yếu tố như thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng khốc liệt, phức tạp và khó lường, thiếu hụt về tài nguyên, nguồn lực, tài chính, nhân lực và trình độ phát triển khoa học và công nghệ còn thấp; sự phát triển của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế có nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19… cũng là thách thức không nhỏ trong trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Việc nhìn nhận biết rõ được những khó khăn nêu trên vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội trong việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đối với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư.
Đại biểu Quốc hội cũng đề ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế xanh như cần hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ cho quá trình xây dựng kinh tế xanh, chuyển đổi xanh. Đây chính là yếu tố quan trọng, tiên phong quyết định hướng đi “xanh” của nền kinh tế làm cơ sở để xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư hoặc triển khai các chương trình, dự án xanh.
Tiếp tục nâng cao và thống nhất nhận thức và tạo được sự đồng thuận, đồng lòng từ Chính phủ đến doanh nghiệp và người dân nhằm giải quyết các thách thức về môi trường như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, phá rừng, khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên…
Tập trung khai thác và phát triển hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo, thúc đẩy các hoạt động sử dụng năng lượng bền vững thay thế cho nguồn năng lượng ảnh hưởng đến môi trường. Đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn, tập trung thiết kế ra các sản phẩm tái sử dụng được, sửa chữa, tái sản xuất và tái chế để giảm thiểu phát sinh chất thải dễ gây ra ô nhiễm cho môi trường.
Đặc biệt, cần tăng cường hợp tác quốc tế ở cấp độ song phương và đa phương, lan tỏa thông điệp về một Việt Nam quyết tâm chuyển đổi xanh, học hỏi công nghệ, là đối tác tích cực của cộng đồng quốc tế chung tay giải quyết bài toán chung của toàn cầu.