Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Nội: Chậm tiến độ do thu hồi mặt bằng

Theo Ban quản lý dự án nếu các điều kiện đảm bảo, trong quý II năm 2015 dự án được đưa vào khai thác sử dụng.

Những cột trụ của tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở Thủ đô

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến  Cát Linh – Hà Đông, được Bộ Giao thông Vận tải  quyết định phê duyệt đầu tư xây dựng ngày 10/8/2008 và chính thức được khởi công ngày 10/10/2011. Chủ đầu tư dự án là Cục đường sắt giao Ban quản lý dự án Đường sắt làm đại diện chủ đầu tư.

Theo Ban quản lý dự án nếu các điều kiện về nguồn vốn, giải phóng mặt bằng, thoả thuận quy hoạch tổng mặt bằng và cấp phép thi công đảm bảo theo yêu cầu thì công tác xây lắp và cung cấp thiết bị dự kiến có thể hoàn thành vào cuối năm 2014, chạy thử toàn tuyến vào năm 2015 và trong quý II năm 2015 dự án được đưa vào khai thác sử dụng.

Theo thiết kế toàn tuyến sẽ xây dựng 13,05 km đường sắt trên cao với 12 nhà ga, từ Cát Linh đến bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông), với đường sắt đôi khổ 1,435 m, tốc độ chạy tàu tối đa 80 km/h, thời gian chạy từ ga đầu đến ga cuối hoặc ngược lại là 23,63 phút. Tàu có thể vận chuyển tối đa 57.000 người/h tương đương 1.020.000 người/ngày.

Đây là dự án được đầu tư từ nguồn vốn vay Trung Quốc và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, với tổng mức đầu tư 533 triệu USD ( 8.770 tỷ đồng). Dự án được thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC nên nhà thầu EPC được chỉ định là Công ty hữu hạn tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc- Ông Trần Văn Lục Giám đốc BQL dự án Đường sắt cho biết.

Theo hợp đồng EPC được ký kết có giá trị 351 triệu USD, thực hiện trong 48 tháng với điều kiện có  mặt bằng sạch 100% ngay từ khi bắt đầu triển khai thi công. Tư vấn giám sát thi công và lắp đặt thiết bị là Công ty TNHH giám sát xây dựng Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh. Tư vấn thẩm tra thiết kế kỹ thuật và dự toán công trình là Tổng công ty tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) và các nhà thầu phụ Việt Nam tham gia thi công.

Ông Lục đánh giá công nghệ đường sắt đô thị không phải là mới với nhà thầu phía Trung Quốc và nhà thầu này đang hợp tác với hãng Siemens (Đức) hỗ trợ về công nghệ.

Trao đồi về tiến độ thực hiện dự án, ông Trần Văn Lục cho hay đến nay đã tiếp nhận toàn bộ diện tích mặt bằng 23 ha khu Depot và đang triển khai GPMB 6,8 ha đường dẫn vào khu Depot; Hoàn thành di dời 5/13,05km chính tuyến, bao gồm các đoạn tuyến Hào Nam – Hoàng Cầu; Cầu Mới –vành đai 3; khu vực nút giao thông vành đai 3; khu vực cầu sông Nhuệ và đoạn tuyến La Khê – Ba La. “Tuy nhiên, tiến độ GPMB đang bị chậm”, ông  Lục cho biết.

Theo kế hoạch, đường dẫn vào Depot phải hoàn thành trong tháng 6/2012. Để kịp tiến độ yêu cầu thì khu vực này phải hoàn thành GPMB trong tháng 8 năm nay, riêng việc di dời nghĩa trang thôn Vân Nội theo tập tục việc bốc mộ thường vào tháng cuối năm nên phải đợi tới tháng 11/2012. Đến nay số lượng nhà phục vụ tái định cư chưa có chính thức nhưng với việc xây nhà ga 3 tầng thay cho 2 tầng trước đây theo đề nghị của nhà thầu nên số lượng nhà tái định cư sẽ không nhiều như trước (dự kiến quận Đống Đa 100 nhà tái định cư và Thanh Xuân 50 nhà.

“Chúng tôi đề nghị UBND các quận Đống Đa và Thanh Xuân tích cực chuẩn bị đủ quỹ nhà tái định cư. Sở Xây dựng và BQL dự án xây dựng nhà tái định cư đảm bảo di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật như đã thống nhất, để sau khi dự án có ranh giới chiếm dụng đất được phê duyệt thì công tác GPMB được tiến hành thuận lợi kịp yêu cầu", ông Lục nói.

Ông Lục cũng cho biết, về phía nhà đầu tư, "Chúng tôi đã hoàn thành 90% công tác khảo sát địa chất và toàn bộ địa hình và đang hoàn thiện để được chính thức phê duyệt điều chỉnh, bổ sung cục bộ chỉ giới đường đỏ chính tuyến, quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc 11 nhà ga, trừ ga Cát Linh dự kiến sẽ được xây dựng thành tổ hợp văn phòng kết hợp nhà ga. Cùng với đó, 116 trụ cầu và thiết kế bản vẽ thi công 73 trụ đã được cơ quan chức năng phê duyệt. Chúng tôi đang khẩn trưởng hoàn thiện phương án hồ sơ thiết kế kỹ thuật xử lý nền đất yếu khu Depot. Tuy nhiên, việc hoàn tất các thủ tục  tham khảo ý kiến cộng đồng để sớm phê duyệt điều chỉnh cục bộ chỉ giới đường đỏ chính tuyến và các quy hoạch tổng mặt bằng ga La Thành, Thái Hà, Láng đang gặp khó khăn cần được chính quyền địa phương và cơ quan quy hoạch quan tâm hỗ trợ”-.

Bên cạnh đó, các nhà thầu đã hoàn thành 42 trụ cầu và đang thi công 31 trụ khác trên các các đoạn tuyến Hào Nam- Hoàng Cầu, La Khê- Ba La và khu vực giáp vành đai III. Bắt đầu triển khai thi công cầu song Nhuệ và 29 trụ cầu đoạn Cầu Mới- Vành đai 3; San lấp xong mặt bằng bước 1 và chuẩn bị thi công xử lý nền đất yếu trong khu vực Depot. Ước tính khối lượng thực hiện đạt 682 tỷ đồng, bằng 8% khối lượng dự án. Tổng số tiền đã giải ngân đạt 1.248 tỷ đồng, bằng 15% giá trị dự án, trong đó vốn ODA 884 tỷ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ 266 tỷ đồng và vốn ngân sách nhà nước 98 tỷ đồng.

Theo kế hoạch đến hết 2012, dự án sẽ cơ bản hoàn thành công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật trên toàn tuyến, hoàn thành GPMB đường dẫn vào Depot và 30% công tác GPMB  qua các khu dân cư ( quận Đống Đa và Thanh Xuân. Cơ bản hoàn thành công tác lập thiết kế kỹ thuật và dự toán cho toàn dự án. Hoàn thành 150 trụ cầu trên tuyến và xử lý xong nền đất yếu khu vực Depot. Hoàn thành công tác chuẩn bị nhân lực cho đào tạo nhân lực quản lý, vận hành dự án sau khi đưa vào khai thác sử dụng.

Tuy nhiên, để bảo đảm tiến độ thi công dự án sớm hoàn thành đưa vào khai thác, ông Lục cho biết Thành phố và Sở GTVT cần có phương án phân luồng giao thông hợp lý trên trục Nguyễn Trãi- QL 6 để nhà thầu có thể mở được nhiều mũi thi công cùng lúc trên tuyến từ tháng 8/2012, đồng thời đẩy nhanh tiến độ cấp phép thi công; Xem xét cho phép GPMB mở rộng QL 6 đồng thời với dự án Cát Linh – Hà Đông trên đoạn Ba La – Văn Khê để tránh phải GPMB 2 lần, đồng thời để có mặt bằng thi công các trụ cầu đường sắt trên cao từ quý IV/2012./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên