Tuyến Metro số 1 chậm vốn cho thấy “trục trặc” của nền kinh tế
VOV.VN - Đại biểu Quốc hội cho rằng, việc chậm rót vốn cho tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) là một biểu hiện cho thấy sự “trục trặc” của nền kinh tế.
Cần giải toả “ách tắc” của tuyến Metro số 1
Thảo luận ở tổ về tình hình phát triển kinh tế xã hội ngày 24/10, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới dự án Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên ở TP HCM.
Dự án Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên ở TP HCM đội vốn lên tới 30.000 tỷ đồng (Ảnh: KT) |
Dẫn chứng dự án tuyến Metro số 1, ông Tuấn nhấn mạnh, việc chậm rót vốn cho dự án này có thể ảnh hưởng đến thu hút đầu tư, môi trường kinh doanh và là "trục trặc" của nền kinh tế.
Cũng đề cập tới dự án Metro số 1, đại biểu Phạm Phú Quốc, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP HCM nêu vướng mắc trong chậm rót vốn cho dự án là do chưa có Nghị quyết của Quốc hội về thay đổi tổng vốn đầu tư, từ 17.000 tỷ đồng ban đầu lên 47.000 tỷ đồng.
Theo ông Quốc, việc phê duyệt tổng mức đầu tư cho dự án này nằm ở vấn đề thủ tục hành chính, còn chuyện dự án sau nâng cấp công nghệ, vốn tăng lên là điều bình thường và đã được 2 đơn vị tư vấn độc lập của Singapore thẩm định.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) cũng bày tỏ bức xúc về dự án metro Bến Thành - Suối Tiên, và coi đây là một ví dụ cho thấy các bộ ngành chưa có sự phối hợp tốt trong chuẩn bị nguồn vốn và phân bổ vốn đầu tư.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân |
Ông Ngân cho biết sẽ phát biểu và chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về dự án này.
Cần cơ chế riêng, đặc thù
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 24/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, để quyết bài toán tăng vốn cho dự án tuyến Metro số 1, cần phải thống nhất được cơ chế cấp phát và vay lại, nghĩa là Chính phủ cấp bao nhiêu và thành phố bao nhiêu cho số vốn 30.000 tỷ tăng thêm của dự án này.
Dự án lúc đầu có tổng vốn là 17.000 tỷ đồng, nhưng sau điều chỉnh lên đến 47.000 tỷ đồng. Trong khi đó, theo quy định, dự án vượt trên 35.000 tỷ đồng thì phải báo cáo Quốc hội. Phải thống nhất được những vấn đề nêu trên thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới có thể đưa dự án vào kế hoạch giải ngân vốn trung hạn và bố trí vốn giải ngân, ông Dũng giải thích.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng |
Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc tăng vốn cho dự án metro tuyến Bến Thành-Suối Tiên lên tới 30.000 tỷ đồng cần phải có cơ chế riêng, đặc thù thay vì theo Nghị định cấp phát cho vay lại mới của Bộ Tài chính. Ngoài ra, việc tăng vốn cho dự án cũng sẽ còn phải phụ thuộc vào phía các bộ, ngành liên quan.
Ông Dũng cũng cho hay, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ động đưa ra cách tháo gỡ cho dự án trọng điểm này. “Tinh thần là làm nhanh hết cỡ, nhưng trước hết phải thống nhất lại cách hiểu, thống nhất quy trình: ai phê duyệt, xác định mức tăng có hợp lý hay không? Tăng 30.000 tỷ đồng không phải là số tiền nhỏ", Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Theo Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM Phan Nguyễn Như Khuê, tuyến Metro số 1 chậm sẽ ảnh hưởng tới chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, ODA vào quốc gia, chứ không riêng TP HCM.
Ông Khuê cho biết, để giải quyết khó khăn tạm thời về vốn cho dự án, hiện TP HCM đã tạm ứng hơn 1.000 tỷ đồng chi trả cho các nhà thầu. Trong tuần này, tuyến đường bắt đầu đặt thử những mét đường ray đầu tiên, đảm bảo lộ trình không bị tắc nghẽn./.
Dự án Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) có tổng vốn 2,49 tỷ USD (hơn 47.000 tỷ đồng) được khởi công tháng 8/2012.
Dài gần 20 km, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương). Có 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga).
Ban đầu công trình dự kiến đưa vào khai thác năm 2018, song do gặp vướng mắc nên dự kiến lại vào năm 2020.