Tuyên Quang: Sống giữa rừng vàng nhưng vẫn đói

VOV.VN - Huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang có diện tích rừng tự nhiên che phủ lớn nhất cả nước, nhưng giữa rừng vàng, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn.

Năm 2013, gia đình ông Nông Văn Học (ở thôn Nà Lầu, xã Thượng Lâm được UBND huyện Lâm Bình) giao quản lý trên 30 hecta rừng, với đơn giá 400.000 đồng/hecta/năm. Kể từ khi khu rừng được cho các gia đình quản lý, việc khai thác lâm sản trái phép không còn nữa, rừng đã được giữ. Cả đời cùng với rừng, nhưng cuộc sống của người dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Ông Nông Văn Học cho biết, mức khoán bảo vệ rừng đã tăng 400.000 đồng/hecta/năm nhưng các hộ phải chăn thả thêm gia súc để tăng thu nhập. Thực tế có trường hợp người được nhận trông coi rừng lẽ ra phải là tai mắt cho các cấp chính quyền trong bảo vệ rừng, nhưng vì túng quẫn lại bao che, hỗ trợ cho các đối tượng lâm tặc.

Ông Nông Văn Học, thôn Nà Lầu , xã Thượng Lâm

“Nếu giao sớm thì còn hay nữa, rừng từ khi được giao bảo vệ tốt. Nếu được giao tự chủ thì còn quy củ hơn nữa, vì bấy giờ các hộ sẽ có trách nhiệm lớn vì mình bảo vệ, mình được dùng, nhà nước giao cho sản xuất mình được hưởng”, ông Học nói.

Được biết, diện tích đất rừng tại xã Thượng Lâm chiếm tới trên 2/3 đất tự nhiên, chủ yếu là rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Thời gian qua, việc giao đất, giao rừng đã góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ rừng. Tuy nhiên, việc quy hoạch, xác định ranh giới đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất trước kia chưa chính xác, nhiều vị trí không còn phù hợp với phát triển kinh tế địa phương. Nhiều nơi đất rừng phòng hộ nằm xen kẽ với đất ở, đất sản xuất của người dân, có khu vực chỉ là những tán rừng bụi nhưng người dân vẫn không được làm gì, vì nằm trong ranh giới rừng phòng hộ.

“Xã Thượng lâm cũng đang quan tâm phát triển du lịch. Trong phát triển hạ tầng, muốn làm bến, bãi phục vụ du lịch lại liên quan đến rừng phòng hộ nên vướng. Cũng mong sao thời gian tới được chuyển đổi để phát triển kinh tế du lịch”, ông Quan Văn Sỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Lâm cho biết.

Việc giao khoán bảo vệ rừng được UBND huyện Lâm Bình triển khai thực hiện khá hiệu quả, đạt tỷ lệ trên 80%. Nghị định 75 của CP quy định kinh phí hỗ trợ khoán bảo vệ rừng là 400.000 đồng/hecta/năm, các hộ nhận khoán bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung được hưởng kinh phí khoán bảo vệ rừng còn được hỗ trợ trồng rừng bổ sung tối đa 1,6 triệu đồng/hecta/ năm, trong 3 năm đầu tiên. Tuy nhiên, trên thực tế kinh phí hỗ trợ còn quá thấp, đời sống người dân vẫn khó khăn.

Làm đường phát triển du lịch còn khó khăn

Theo mong muốn của các hộ dân được giao khoán bảo vệ rừng ở Lâm Bình, để phát triển bền vững, vừa giữ được rừng, vừa xóa đói giảm nghèo thì người dân phải được thực sự làm chủ trên những cánh rừng được giao khoán.

“Theo kiến nghị của nhân dân, phát triển kinh tế từ rừng đảm bảo bài toán vừa giữ rừng thật tốt, nhưng vẫn phải đảm bảo đời sống của người dân. Nếu giữ rừng tốt mà đời sống bà con còn nghèo còn khó khăn thì mục tiêu của chúng ta vẫn chưa đạt, chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân”, ông Nguyễn Văn Hiền, Phó chủ tịch UBND huyện Lâm Bình cho biết.

Muốn thu hút sự tham gia bảo vệ rừng của người dân, các cơ quan hữu quan đã xây dựng nhiều chế độ chính sách hỗ trợ, quy chế bảo vệ rừng, nhưng đến nay chưa đưa ra được thể chế về quyền tài sản, để thúc đẩy việc thực hiện quy chế. Để quản lý và bảo vệ rừng, phát triển kinh tế rừng, thực tiễn cho thấy cần thiết phải có chủ rừng thực sự.

Hiện tỉnh Tuyên Quang đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, giao đất rừng sản xuất cho hơn 40.000 hộ dân (các chủ rừng), nhưng tài sản trên đất chưa được giao cho các hộ dân. Rừng tự nhiên chưa được giao cho các hộ dân, cộng đồng dân cư quản lý vì chưa được kiểm đếm tài sản trên đất là cây rừng. Điều này cũng đang nảy sinh khó khăn, vướng mắc cho các chủ rừng, cũng như các cấp chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế rừng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên