Tỷ lệ nợ công, nợ xấu cần phải được công khai minh bạch
VOV.VN - Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần đánh giá thực chất nền kinh tế theo thông lệ quốc tế, công khai, minh bạch các chỉ số về nợ công, nợ xấu.
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, nợ công hàng năm tăng hiện nay khoảng 61,3% GDP, nợ Chính phủ 48,9%, nợ nước ngoài của quốc gia 41,5% tuy là còn nằm trong giới hạn an toàn, nhưng cử tri vẫn quan tâm con số thật cũng như hiệu quả đầu tư từ nợ công. Trong khi đó, đề xuất của Chính phủ phát hành trái phiếu quốc tế để đảo nợ, nếu đầu tư không hiệu quả thì nguồn nợ sẽ ngày càng lớn, khó có thể phát triển kinh tế bền vững.
Nhìn thẳng vào thực tế là tiến trình tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị) nhận thấy, tiến trình này vẫn còn khoảng cách khá xa với đích cần đến. Trong đó, tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, các vấn đề then chốt như đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp vẫn còn khá ngổn ngang.
Đặc biệt, trong tái cơ cấu đầu tư công, Đại biểu Hà Sỹ Đồng nhận định, thành tích lớn nhất nước ta đạt được đó là mới chỉ dừng lại ở thiết lập một khuôn khổ thể chế mới cho hoạt động đầu tư trong tương lai. Trong khi đó, còn nhiều những hệ lụy đang tồn tại, hiệu quả đầu tư thấp, nợ đọng xây dựng cơ bản còn cao, vốn ứng trước cho những công trình dở dang nhưng chưa có nguồn, chất lượng của các dự án có nguồn đầu tư lớn chưa đạt yêu cầu đề ra vẫn chưa khắc phục, xử lý triệt để.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, trước mắt và lâu dài, sự ổn định kinh tế vĩ mô còn nằm ở việc Quốc hội ứng xử như thế nào trước một thực trạng đáng lo ngại, đó là vấn đề thâm hụt ngân sách và áp lực nợ công ngày càng nặng nề hơn. Mặc dù Chính phủ đã rất nỗ lực tận thu, tiết kiệm chi, thu gọn phạm vi đầu tư công và tăng cường kỷ luật tài chính, sức ép đáo nợ đến hạn rất lớn, trong khi nguồn vốn huy động để cân đối ngân sách đang bế tắc.
“Mặc dù tư tưởng và quan điểm trong Nghị quyết 78 của Quốc hội rất đúng đắn, rất chiến lược, nhưng tiếc là bị vấp trong triển khai thực hiện, nay khả năng tài trợ thâm hụt ngân sách để cơ cấu lại nợ nguồn lực trong nước có lẽ đã tới hạn. Đề xuất của Chính phủ xin được phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế để đáo nợ vốn vay trong nước cũng đang vấp phải các quy định luật pháp hiện hành và chịu áp lực phản biện rất mạnh”, Đại biểu Hà Sỹ Đồng phân tích.
Nhận định về nợ công, Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng) làm phép so sánh, nếu nợ công năm 2011 chỉ chiếm 46% GDP nhưng đến hết 2015 dự báo sẽ là 61,3%, trong lúc tốc độ tăng trưởng kinh tế 5 năm bình quân theo báo cáo Văn kiện đại hội Đảng cỡ khoảng 5,9%.
Trong khi đó, nếu so với Indonesia, nợ công năm 2011 là 26,09% GDP, đến năm 2014 vẫn giữ ở 26,11%, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP của Indonesia là 4,5%, tuy nhiên quy mô của nền kinh tế Indonesia lớn gấp hơn 5 lần quy mô nền kinh tế Việt Nam. Nếu so sánh chỉ lấy con số tỷ lệ phần trăm thì Việt Nam dễ bằng lòng với tốc độ tăng trưởng khá, nhưng nếu so với cả quy mô GDP thì khoảng cách tụt hậu của Việt Nam, của nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng giãn ra so với các nước trong khu vực.
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên nhận định, đối với tốp 4 của các nước ASEAN, Việt Nam cũng rất khó để vượt lên ngang bằng, chưa tính đến chuyện vượt cao hơn. Trong khi chỉ số ICOR của Việt Nam năm 2011 là 5,3 và đến năm 2014 là 5,18, như vậy trong vòng 4 năm thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, chúng ta giảm được 0,12% và vẫn tiếp tục đứng ở thứ 12 trong số những nước có khả năng dễ vỡ nợ công nhất.
“Trong 3 lĩnh vực tái cơ cấu thì tái cơ cấu đầu tư công đến nay kết quả không mấy khả quan. Do đó chúng ta phải nhìn rõ trách nhiệm và phải thống nhất những vấn đề tồn tại của nội bộ nền kinh tế từ đó có một giải pháp riết ráo trong các năm 2016 – 2020”, Đại biểu Nguyễn Đức Kiên chỉ rõ.
Để kinh tế phát triển bền vững, giảm áp lực nợ công, Đại biểu Trần Xuân Vinh (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) đề xuất, Chính phủ cần tập trung các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng lao động, tăng hiệu quả phân bổ các nguồn lực trong nền kinh tế.
Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ cần xem xét, nghiên cứu, đánh giá thực chất hơn, đảm bảo theo thông lệ quốc tế, công khai, minh bạch các chỉ số về nợ công, nợ xấu và chỉ số TFP, làm cơ sở đề ra các giải pháp khắc phục. Bởi GDP tăng nhưng hiệu quả kinh tế thấp đó là chỉ số tăng chỉ trên danh nghĩa, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn cho nền kinh tế.
Về đầu tư công và nợ công, Đại biểu Trần Xuân Vinh cho rằng, việc đầu tư trung hạn góp phần khắc phục tình trạng bố trí vốn phân tán dàn trải, hiệu quả được nâng lên. Tuy nhiên, Luật đầu tư công, Luật sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước vào đầu tư và các văn bản dưới luật vẫn còn thiếu và chưa có cơ chế đủ mạnh để kiểm tra, giám sát chế tài, xử lý các vấn đề phát sinh ở nhiều dự án trì hoãn triển khai tiến độ thực hiện nhằm điều chỉnh tăng vốn đầu tư.
Theo Đại biểu Trần Xuân Vinh, xu hướng đầu tư công có quy mô ngày càng lớn là có thật, kể cả nguy cơ thất thoát vốn nhà nước thông qua việc thoái vốn, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước là những nguyên nhân làm hạn chế hiệu quả đầu tư, tăng nợ công tăng bội chi ngân sách.
Tuy đầu tư công trực tiếp từ Ngân sách Nhà nước giảm từ 35,5% năm 2010, xuống còn 30% năm 2015, xong lại mở rộng quy mô phát hành trái phiếu Chính phủ, kể cả việc phát hành trái phiếu để đảo nợ. Việc phát hành trái phiếu để đảo nợ, sắp xếp cơ cấu khoản nợ đến hạn là cần thiết, tuy nhiên vẫn ảnh hưởng hệ lụy của nhiều năm trước để lại, đó là việc sử dụng vốn kém hiệu quả, thiếu khoa học, thậm chí không tránh khỏi việc tham nhũng, lãng phí.
Đại biểu Trần Xuân Vinh đề nghị Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả đầu tư công, rà soát điều chỉnh quy hoạch tổng thể ngành, lĩnh vực, vùng và liên vùng tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng đầu tư trong quá trình tái cơ cấu, chống thất thoát lãng phí, đa dạng hóa hình thức đầu tư trên cơ sở đảm bảo minh bạch, công khai hóa tránh đầu tư mang tính căn cứ trong địa giới hành chính.
Chính phủ cũng cần nâng cao hiệu quả sử dụng kết cấu hạ tầng dùng chung mang tính liên vùng, đồng thời tách bạch giữa sở hữu và quản lý tài sản tại các doanh nghiệp nhà nước, tiếp tục xử lý dứt điểm nợ chéo, sở hữu chéo giữa các doanh nghiệp, các tập đoàn nhà nước, phân bổ lại nguồn lực, chi tiêu công từ lĩnh vực thiếu hiệu quả sang lĩnh vực hiệu quả hơn theo hướng chuyển giao cho khu vực nhà nước thực hiện nhằm giảm thiểu chi phí xã hội, góp phần sử dụng vốn nhà nước một cách hiệu quả.
Đồng thời, Đại biểu Trần Xuân Vinh cũng cho rằng, Chính phủ cũng cần tăng cường các giải pháp, cơ chế giám sát theo thông lệ quốc tế đối với hệ thống tài chính, ngân hàng, góp phần làm lành mạnh hệ thống hóa tài chính, tài khóa của đất nước./.