Tỷ trọng vốn/GDP năm 2012 thấp kỷ lục
(VOV)-Điều này cho thấy hiệu quả đầu tư phần nào được cải thiện, tăng trưởng GDP vào vốn giảm hơn.
Báo cáo nghiên cứu về những nét lớn của kinh tế Việt Nam năm 2012 của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia (Bộ KHĐT) công bố tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2012 và triển vọng phát triển năm 2013”, sáng 7/12, cho biết: tốc độ tăng trưởng GDP tăng theo từng quý trong năm 2012 nhưng tốc độ tăng cả năm vẫn ở mức thấp.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP trong quý I và II/2012 đạt mức thấp (so với thực hiện cùng kỳ các năm trước đó) nhưng sau đó đã tăng hơn vào quý III và quý IV (5,4 và 6,5%).
Việc tốc độ tăng GDP sau mỗi quý trong năm 2012 là không theo thông lệ của tăng trưởng quý (tăng trưởng theo quý thường cao ở quý I và quý III, giảm ở quý II và quý IV). Trong những năm gần đây, diễn biến tương tự chỉ xảy ra một lần trong năm 2009, khi nền kinh tế thực hiện gói kích thích cứu nền kinh tế khỏi ảnh hưởng tiêu cực do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu (2008). Trong điều kiện nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn, khởi đầu không được thuận lợi như năm 2012, các mức tăng trưởng quý đạt được là một cố gắng của nền kinh tế nhờ những nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường 6 tháng cuối năm.
Thạc sĩ Phó Thị Kim Chi, Ban Phân tích và Dự báo, Trung tâm NCEIF, đánh giá: nhờ nỗ lực tăng trưởng hai cuối quý cuối năm, tăng trưởng cả năm không giảm sâu về tốc độ. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2012 vẫn giảm năm thứ 2 liên tiếp, xuống mức 5,2%. Tính từ khoảng 20 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng chỉ cao hơn năm 1999 và 2009 , là hai năm nền kinh tế phải chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của kinh tế thế giới do tác động các cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á (1997) và toàn cầu (2008).
Theo bà Chi, mặc dù tăng trưởng kinh tế không phải là ưu tiên số 1 trong mục tiêu phát triển KT-XH Việt Nam 2012, nhưng mức tăng trưởng 5,2% là một mức thấp so với mục tiêu đề ra (6%); với mục tiêu trung hạn (6-6,5% trong kế hoạch 5 năm 2011-2015). Việc suy giảm tốc độ tăng trưởng của Việt Nam theo xu hướng chung của tăng trưởng thế giới nhưng ngược với xu hướng tăng trưởng các nước xung quanh.
Nghiên cứu của Trung tâm NCEIF còn chỉ ra rằng, nền kinh tế Việt Nam phát triển nhờ một số động lực chính là vốn, lao động, chi tiêu, tiêu dùng, tăng trưởng khu vực công nghiệp, xây dựng... Nhưng mấy năm gần đây, đặc biệt là năm 2012, các động lực này sa sút đáng kể. Đơn cử, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2012 giảm, ước tính chỉ đạt 870.000 tỷ đồng, bằng 99,1% năm 2011.
Hơn nữa, năm 2012 sẽ là năm có tỷ trọng vốn/GDP thấp kỷ lục (29,5%), thấp nhất kể từ năm 1995 trở lại đây. Điều này cho thấy hiệu quả đầu tư phần nào được cải thiện, tăng trưởng GDP vào vốn giảm hơn. Tuy vậy, hiệu quả đầu tư sẽ được cải thiện hơn nữa nếu với tỷ lệ vốn đầu tư/GDP tương tự nhưng đem lại mức tăng trưởng cao hơn như trong giai đoạn nền kinh tế Việt Nam 1995-1996, tỷ trọng vốn/GDP cũng thấp chỉ khoảng trên dưới 30% nhưng tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn này lại đạt mức 9,5-9,6%.
Tốc độ tăng tiêu dùng cuối cùng giảm mạnh trong năm 2011 (từ mức 10,2% xuống còn 4,7%) và tiếp tục giảm hơn trong năm 2012 làm tăng trưởng kinh tế 2012 khó đạt cao. Đồng thời, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tháng 10/2012 so với cùng kỳ ở mức thấp. Chỉ số hàng tồn vẫn ở mức khá cao (tương đương 20,3% so với cùng kỳ năm). Chỉ số tiêu thụ sản phẩm cũng không có nhiều cải thiện. Khó khăn kinh tế chung đã làm đại đa số dân cư cắt giảm chi tiêu.
Sự suy giảm nữa còn thể hiện ở khu vực công nghiệp xây dựng. Mặc dù vẫn đóng góp cao vào tăng trưởng kinh tế (38,9% trung bình 2011-2012). Nhưng tốc độ tăng trưởng khu vực này thấp hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, vừa làm khu vực này mất tính ‘đầu tầu’ dẫn dắt tăng trưởng chung, vừa là yếu tố quan trọng làm kìm hãm tốc độ tăng trưởng./.