Ứng dụng chuyển đổi số, nhiều nông dân Quảng Nam mở rộng được thị trường

VOV.VN - Tại tỉnh Quảng Nam, hiện các hộ dân chủ động tiếp cận công nghệ trong sản xuất nông nghiệp chưa nhiều. Tuy nhiên, không ít hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nỗ lực liên kết sản xuất, định danh vùng trồng, quản lý cây trồng, con vật nuôi thông qua hình thức số hóa.

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất để tăng năng suất, tạo sản phẩm chất lượng cao, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế. Tỉnh này đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp và hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp chuyển dần sang phát triển kinh tế nông nghiệp công nghệ cao.

Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp khu vực trung du, miền núi, Quảng Nam đã ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại trên địa bàn giai đoạn 2021-2025. Từ các gói hỗ trợ vay vốn lãi suất ưu đãi, nhiều nông dân đã khôi phục và phát triển các mô hình kinh tế vườn, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất.

Năm 2021, gia đình ông Võ Kim Xuân ở xã Tiên Mỹ, huyện miền núi Tiên Phước mạnh dạn vay gần 200 triệu đồng để đầu tư cải tạo vườn đồi, lắp đặt camera giám sát và hệ thống tưới nước tự động.

Ông Xuân cho biết, nhờ ứng dụng công nghệ mới mà mô hình trồng cây măng cụt của gia đình ông vẫn phát triển tốt trong mùa khô hạn, khắc phục bất cập trong phương pháp sản xuất truyền thống.

“Nếu tưới thủ công thì vườn này tôi phải tưới hơn ba ngày, rất là khổ. Hệ thống tự động này mình có thể ngồi tại nhà điều khiển qua điện thoại di động là có thể tưới được, tôi thấy rất tốt và phù hợp với người dân sản xuất" - ông Xuân chia sẻ.

Đầu tháng 8 vừa qua, lần đầu tiên tỉnh Quảng Nam tổ chức Phiên chợ sâm Ngọc Linh trên không gian mạng, đây là bước khởi đầu trên lộ trình chuyển đổi số nhằm đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá thương hiệu quốc gia sâm Ngọc Linh trên thế giới. Khác với trước đây, lễ hội lần này thu hút 60 doanh nghiệp tham gia triển lãm hình ảnh, video về sâm Ngọc Linh. Khách hàng được trải nghiệm thực tế các gian hàng qua hình ảnh 2D, 3D; giới thiệu các hoạt động giao thương, kết nối cung- cầu.

Chị Trần Thị Ý Phi, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My có hơn 10 năm kinh doanh các mặt hàng có nguồn gốc sâm Ngọc Linh cho biết, dịch Covid-19 làm đứt gãy hoạt động giao dịch, mua bán trong một thời gian dài, nhưng đã giúp nông dân và các hộ kinh doanh sâm Ngọc Linh thấy rõ vai trò của việc ứng dụng công nghệ thông tin.

Theo chị Phi: “Tôi thấy bán hàng qua không gian mạng hết sức mới mẻ, người bán và người mua sẽ dần trao đổi qua không gian mạng. Những khách phương xa không thể đến phiên chợ thì có thể mua bán, trao đổi qua mạng và điều này rất thông dụng, hay, giúp việc mua bán không bị gián đoạn".

Tại tỉnh Quảng Nam, hiện các hộ dân chủ động tiếp cận công nghệ trong sản xuất nông nghiệp chưa nhiều. Tuy nhiên, không ít hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nỗ lực liên kết sản xuất, định danh vùng trồng, quản lý cây trồng, con vật nuôi thông qua hình thức số hóa.

Ông Trương Xuân Tý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam cho biết, địa phương đang từng bước xây dựng nền tảng dữ liệu số, truy xuất nguồn gốc nông sản, xây dựng sàn thương mại điện tử nông nghiệp và tối ưu hóa chuỗi cung ứng cho các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân.

“Khi các sản phẩm được được lên sàn giao dịch điện tử thì sẽ mở rộng được thị trường tiêu thụ, thương hiệu của sản phẩm dần dần được khẳng định. Đây là một tín hiệu tốt mà trong quá trình chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp sở đang thực hiện. Hiện nay, gần như 100% dịch vụ công trên lĩnh vực nông nghiệp đã được đưa lên mức độ 4 và gần 50% thực hiện trực tuyến mức độ 4" - ông Trường nêu rõ.

Tỉnh Quảng Nam đang bước đầu tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số, phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong những năm đến. Hiện nay, tỉnh này có 517 hợp tác xã và 1 liên hiệp hợp tác xã (HTX) hoạt động, hầu hết là lĩnh vực nông nghiệp.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, hoạt động của các hợp tác xã vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Vì vậy, chuyển đối số sẽ là giải pháp để tháo gỡ các lực cản, kích thích sự phát triển.

Theo ông Thanh: “Trong bối cảnh cả nước đang thực hiện chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số thì việc chuyển đổi số của các HTX đóng vai trò rất quan trọng. Điều này vừa đem lại sự tiếp cận thị trường, tiếp cận khoa học công nghệ và tính liên kết với các thành phần kinh tế khác của hợp tác xã, sẽ mở ra cơ hội phát triển lớn cho các HTX trong tương lai. Bên cạnh đó cũng là thách thức và thời cơ của các HTX mà chúng ta phải nhận diện để tham gia một cách chủ động và tích cực trong quá trình chuyển đổi số"./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên