Ứng dụng khoa học công nghệ thúc đẩy phát triển nông nghiệp thích ứng
VOV.VN - Sáng nay (28/11) tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Nhóm tư vấn nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (CGIAR) tổ chức Diễn đàn trực tuyến "Tăng cường áp dụng khoa học công nghệ và đổi mới để thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, giảm phát thải, ứng phó với Biến đổi khí hậu”.
Trong bối cảnh toàn cầu có nhiều thay đổi, biến động khó lường do dịch bệnh, xung đột, thiên tai và các hiện tượng thiên nhiên bất thường của biến đổi khí hậu, mặc dù tăng trưởng nhanh, nhưng lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung đang phải đối mặt với nhiều thách thức.
Các tham luận tại Diễn đàn cùng chia sẻ các nghiên cứu đổi mới trong các lĩnh vực như: canh tác lúa, rau quả, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nhằm thúc đẩy, phát triển nông nghiệp bền vững, giảm phát thải, thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu có thể được áp dụng và nhân rộng tại Việt Nam.
Cam kết hỗ trợ Việt Nam giải quyết các thách thức mang tính chiến lược trong ngành nông nghiệp để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, đại diện Nhóm Quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu, ông Stephan Weise, Giám đốc Khu vực Châu Á, Liên Minh Đa dạng Sinh học và Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế cho rằng, những ứng dụng khoa học công nghệ và các chương trình đổi mới mà Nhóm nghiên cứu phối hợp cùng các đối tác triển khai tại Việt Nam sẽ góp phần quan trọng trong chuyển đổi hệ thống sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam theo hướng xanh và bền vững hơn.
“Diễn đàn cung cấp cơ hội để có thể trao đổi các thông tin cũng như tăng cường tính bền vững về mặt môi trường với một ngành nông nghiệp phát thải thấp cũng như là làm sao để có thể giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Chúng ta đang cố gắng làm sao để áp dụng khoa học và những thành tựu khoa học công nghệ vào trong ngành nông nghiệp cũng như là làm sao để có thể đảm bảo an sinh an ninh lương thực” - ông Stephan Weise nói.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, thể hiện trách nhiệm với lượng phát thải khí nhà kính, Bộ đã và đang triển khai nhiều giải pháp và hành động cụ thể để thực cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; cam kết về “Giảm phát thải khí methan toàn cầu” và “Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất”. Biến thách thức thành cơ hội, ngành nông nghiệp Việt Nam đưa ra những định hướng về chiến lược, chính sách và giải pháp để nông nghiệp tiếp tục là “trụ đỡ” của nền kinh tế.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến mong muốn: “Chúng tôi mong muốn nhận được sự đồng hành của các đối tác trong nước và quốc tế, các khu vực doanh nghiệp, tư nhân và sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, sự ủng hộ và tham gia của người dân địa phương trên tiến trình này. Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khẳng định “nội lực” là quyết định “ngoại lực” là quan trọng và đột phá phải vận dụng 2 nguồn lực này để tái cơ cấu nông nghiệp và thay đổi mô hình tăng trưởng”./.