Vẫn “nóng” chuyện đất đai ở Đồng Nai
VOV.VN - Gần đây, Đồng Nai nổi lên nhiều vấn đề “nóng” liên quan đến dân sinh. Đáng chú ý là tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai.
Có sự buông lỏng quản lý
Hiện tại, cơn sốt đất ở Đồng Nai đang có dấu hiệu chững lại, không còn cảnh mua đi bán lại nhộn nhịp như xưa. Tình trạng phân lô, bán nền trái phép trên đất nông nghiệp cũng đã “nguội” bớt do chính quyền mạnh tay hơn, nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra liên tục đã khiến những giao dịch trái phép không còn dám công khai như trước đây.
Trong suốt hơn 1 năm qua, tình hình đất đai ở Đồng Nai khá “nóng”, xảy ra tình trạng các chủ đầu tư, công ty môi giới bất động sản, kể cả các cá nhân tiến hành phân lô, bán nền, việc đầu tư xây dựng hạ tầng dự án và các thủ tục pháp lý chưa được hoàn chỉnh theo quy định, thậm chí phân lô bán nền trái phép trên đất nông nghiệp. Đây đều là các hành vi vi phạm pháp luật và vi phạm một cách công khai.
Dù là những giao dịch trái pháp luật nhưng cũng khiến giá đất ở Đồng Nai tăng “phi mã”, đã có lúc đất nông nghiệp ở TP. Biên Hòa bị đẩy lên 20-50 tỷ đồng/ha, tại các huyện cũng có nơi bị giới đầu cơ đẩy lên 10-15 tỷ đồng/ha.
Đồng Nai vẫn "nóng" chuyện phân lô, bán nền trái phép trên đất nông nghiệp. |
Nguyên nhân là do nhu cầu về đất đai, nhà ở của người dân tăng đột biến bởi tốc độ tăng dân số cơ học của Đồng Nai quá cao, có những nơi “sốt đất” là do “ăn theo” dự án, đặc biệt là khu vực xung quanh dự án Sân bay quốc tế Long Thành hay các dự án hạ tầng giao thông, khu dân cư được triển khai trên địa bàn, kéo giá đất và nhu cầu đầu tư vùng xung quanh các dự án tăng cao.
Mặc dù vậy, ông Đặng Minh Đức, Giám đốc sở Tài nguyên-Môi trường Đồng Nai khẳng định, những sai phạm về đất đai ở tỉnh này không thể không nhắc đến sự buông lỏng quản lý của chính quyền các địa phương: “Luật đất đai quy định rất rõ chủ tịch UBND xã chịu trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn, xử lý. Đề nghị xử lý đối với trường hợp chuyển nhượng trái phép, chuyển mục đích trái phép, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Tất cả bắt đầu từ cấp xã. Từ đó tới nay, mặc dù ủy ban tỉnh đã chỉ đạo rất nhiều nhưng tôi chưa nhận được văn bản hay báo cáo ở huyện, phòng tài nguyên đưa lên phản ánh chỗ này có phân lô hay chỗ kia có bán nền”.
Quy định là như vậy, thế nhưng ở Đồng Nai còn có trường hợp chủ đầu tư đến tổ chức sự kiện, dựng rạp, cắm biển tư vấn, rao bán đất mà chính quyền địa phương không hề biết. Hoặc có tình trạng phân lô bán nền trái phép trên đất nông nghiệp nhưng địa phương lại cho phép kéo điện, nước, làm đường và kết nối hạ tầng.
Sẽ xử lý nghiêm
Ở Đồng Nai hiện còn có trình trạng đăng ký dự án để lấy đất nhưng không triển khai dự án mà để một thời gian dài cho giá đất tăng lên rồi chuyển nhượng để kiếm lời. Ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho biết, sẽ chỉ đạo xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai để lập lại kỷ cương, không làm ảnh hưởng xấu tới phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
“Dự án treo mãi là không được. Cần rà soát lại, nếu treo lâu quá, không có năng lực thì thu hồi dự án. Không chấp nhận việc khi có quy hoạch, dân chấp hành theo quy hoạch, giới thiệu cho chủ dự án, để găm lại rồi vài năm sau bán lại để kiếm lời”.
Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai cũng nhấn mạnh, không thể để tình trạng phân lô bán nền tràn lan gây nên những hệ lụy không tốt, phá vỡ quy hoạch. Việc lợi dụng cải tạo đất nông nghiệp để lấy đất đem bán làm vật liệu san lấp mặt bằng cần phải xử lý nghiêm, vì xin cải tạo đất nông nghiệp là phải làm cho đất tốt hơn chứ không phải lấy đất bán, để lại mặt bằng chỉ còn lại đất xấu, không thể canh tác được, làm ảnh hưởng môi trường và cảnh quan.
Hiện, ngành chức năng tỉnh Đồng Nai đang phối hợp tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Đặc biệt đã lập tổ công tác làm việc với 5 địa phương “nóng” vi phạm pháp luật về đất đai để rà soát và tiến hành phân loại, tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh chỉ đạo xử lý từng trường hợp cụ thể./.
Quốc hội yêu cầu xử lý nghiêm vi phạm đất đai, gây bức xúc trong dân