Xây dựng cảng biển Trần Đề giải quyết điểm nghẽn vận tải vùng ĐBSCL

VOV.VN - Một trong những nguyên nhân được các chuyên gia, nhà quản lý chỉ ra là hạ tầng giao thông vận tải thiếu đồng bộ, đặc biệt là khu vực chưa có cảng biển đầu mối, tất cả hàng hoá xuất, nhập khẩu phải thông qua các cảng biển ở vùng Đông Nam bộ.

Vì vậy, việc đầu tư xây dựng cảng biển Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng được cho là cấp thiết, để sớm tháo gỡ điểm nghẽn, đưa vùng đất “Chín Rồng” cất cánh, tiệm cận với các vùng kinh tế trong nước và khu vực.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết, ĐBSCL là vựa thuỷ sản, vựa lúa gạo và vựa trái cây của Việt Nam. Trung bình mỗi năm, mấy chục triệu tấn hàng hoá của 3 sản phẩm chủ lực trong khu vực được xuất khẩu bằng đường biển cung cấp cho nhiều quốc gia trên thế giới.

Tuy vậy, số lượng hàng hoá này đa số phải trung chuyển xếp hàng tại các cảng ở TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai… điều này làm phát sinh thêm nhiều chi phí, dẫn đến sức cạnh tranh hàng hoá của ĐBSCL không cao. Riêng đối với doanh nghiệp của ông, mỗi năm lượng gạo xuất khỏi kho khoảng 200.000 tấn, tốn một khoản chi phí rất lớn cho khâu vận tải. Vì vậy, ông cho rằng, Cảng biển Trần Đề khi được xây dựng và đưa vào khai thác sẽ là mấu chốt của việc giảm chi phí cho doanh nghiệp và sự phát triển của người dân vùng ĐBSCL.

“Bây giờ nếu chúng ta có cảng Trần Đề thì riêng cước phí vận chuyển chúng ta đã giảm được 40%, đây là cước phí của 7 triệu tấn gạo thôi. Còn ở ĐBSCL còn 2 vựa lớn nữa, đó là thuỷ sản, rau, củ, trái cây. Hai vựa này không khác gì gạo, nó cũng phải lên tới mấy trục triệu tấn/năm. Chúng ta thấy cước phí vận chuyển là, chỉ tính riêng trung chuyển thôi thì nó đã lên tới 40%, thuỷ sản, trái cây, có khi đi bằng container lạnh nữa thì lại càng tiết giảm. Chính vì thế, tôi thấy việc xây dựng cảng Trần Đề là hết sức cần thiết” - ông Phạm Thái Bình nói.

Ông Hồ Quốc Lực, Giám đốc Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta, tỉnh Sóc Trăng, doanh nghiệp chuyên chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu, đồng nhận định, cảng biển Trần Để sẽ hỗ trợ hoạt động cho doanh nghiệp nhiều mặt, như: giảm chi phí, rủi ro, tăng độ tin cậy với đối tác trong giao nhận hàng hoá và xa hơn nữa là sẽ thúc đẩy phát triển về kinh tế xã hội của cả vùng.

“Lô hàng được tập trung vận chuyển từ Sóc Trăng lên 2 cảng gồm: cảng Cát Lái và cảng Cái Mép để xuất khẩu. Chúng ta biết, cung đường này khá dài, mật độ lưu thông rất là cao, do vậy, nó tiềm ẩn rất là nhiều rủi ro, có thể hàng hoá giao không đúng hạn. Ngoài chi phí cao thì đối với lãnh đạo doanh nghiệp cũng bị áp lực. Nếu giả sử có cảng thì chúng ta thấy rằng, lợi thế rất là nhiều cho các doanh nghiệp có hàng xuất khẩu ở ĐBSCL, tiết giảm chi phí” - ông Hồ Quốc Lực nói.

Việc xây dựng một Cảng nước biển nước sâu để xuất khẩu trực tiếp nông sản của ĐBSCL đi các nước trên thế giới luôn là niềm mơ ước của công ty, doanh nghiệp và các địa phương trong khu vực. Cảng biển được đánh giá là một mắt xích vô cùng quan trọng trong chuỗi logistics và cần thiết để phát triển kinh tế biển.

Ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Đảng uỷ khối các cơ quan Trung ương, nguyên bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng, cho biết, dù có nhiều tiềm năng, thế mạnh, nhưng ĐBSCL hiện nay chỉ chiếm tỷ lệ GDP chưa đầy 10% của cả nước, đây rõ ràng là sự bất cập đối với một vùng đất được xem là trù phú và được thiên nhiên ưu đãi. Điều này chứng tỏ, ĐBSCL đang nghèo hơn so với cả nước, nghèo so với tiềm năng thế mạnh của vùng.

“Để làm một cảng cửa ngõ cho ĐBSCL thì không có điểm nào tốt bằng Trần Đề, Sóc Trăng. Và cũng khẳng định lại nếu không có cảng này thì ĐBSCL sẽ mãi mãi nghèo, sự bức xúc xã hội, sự mất cân đối xã hội do thiếu việc làm, hàng triệu lao động của vùng này phải đi Bình Dương, Đồng Nai, phải đi làm thuê ở các vùng khác và nó dẫn đến là bất ổn xã hội. Do đó, phải nói là Đảng, Nhà nước cũng đã nhìn thấy chỗ này, và cũng khẳng định là, phải xây dựng một cảng cho vùng ĐBSCL, đó chính là cảng Trần Đề. Tôi có thể nói là vị trí địa lý cũng như là vai trò lịch sử của cảng Trần Đề là việc tất yếu, nếu mà chúng ta đầu tư sớm thì mang lại hiệu quả rất là cao” - ông Thể Nguyễn Văn nói.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu, thông tin, hiện nay, hơn 70% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của ĐBSCL phải vận chuyển bằng đường bộ lên cụm cảng TP. Hồ Chí Minh, làm tăng chi phí vận chuyển, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng chất lượng hàng hóa; đồng thời tạo áp lực lên giao thông đường bộ.

Trong thời gian vừa qua, ĐBSCL đã được trung ương rất quan tâm phát triển và đã ban hành nhiều chủ trương chính sách lớn. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13 và Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 78 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL xác định rõ đến năm 2030 phát triển cảng Trần Đề thành cảng đặc biệt và cửa ngõ Vùng. Kết hợp việc quy hoạch, triển khai đầu tư hệ thống cao tốc trục dọc, trục ngang đồng bộ với hệ thống cảng, kỳ vọng sẽ giải quyết “điểm nghẽn” bấy lâu nay cho khu vực.

“Triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; tỉnh Sóc Trăng đã và đang tích cực phối hợp với Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thành, trình phê duyệt các quy hoạch cụ thể hóa để kêu gọi đầu tư Cảng biển Trần Đề. Đồng thời tổ chức định hướng quy hoạch phát triển các công trình giao thông, các khu chức năng (công nghiệp, thương mại, dịch vụ, logistics) kết nối và phát huy hiệu quả đồng bộ với các dự án giao thông trọng điểm, đặc biệt là Dự án đường bộ Cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng và Cảng biển Trần Đề” - ông Trần Văn Lâu nói.

Đại diện Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng công trình hàng hải, nhận định, sự hình thành Cảng biển Trần Đề sẽ tác động đến sự dịch chuyển khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu trực tiếp của 8/13 tỉnh Vùng ĐBSCL gồm Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, An Giang và Trà Vinh. Ngoài ra, hấp dẫn hàng hóa từ các bến cảng khu vực ĐBSCL sang bến cảng Trần Đề.

Tác động tích cực đến việc thúc đẩy tiến trình lấp đầy các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hiện hữu và triển vọng mở rộng thêm các khu công nghiệp, gia tăng hàng hóa nông sản xuất nhập khẩu trực tiếp của Vùng ĐBSCL. Cảng này, cũng thu hút hàng hóa trung chuyển cho Campuchia theo tuyến sông Mekong…

Ông Lê Tấn Đạt, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng công trình hàng hải, nhận định: “Tóm lại các kết quả nghiên cứu cho thấy để tháo gỡ nút thắt trong hoạt động vận tải hàng hoá xuất nhập khẩu mà trọng tâm là giảm dần chi phí logistics của vùng ĐBSCL tiệm cận với các vùng kinh tế trọng điểm trong nước và khu vực, việc đầu tư bến cảng Trần Đề cho tàu biển trọng tải lớn vượt qua khả năng nâng cấp cải tạo cửa sông để làm hàng xuất nhập khẩu trực tiếp cho toàn vùng ĐBSCL là cần thiết”.

Quy mô cảng biển Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng được hoạch định trong các quy hoạch đã tính toán phù hợp với vai trò chức năng là cảng cửa ngõ làm hàng xuất nhập khẩu trực tiếp vùng ĐBSCL, tiếp chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu cho Campuchia và các nước tiểu vùng sông Mê Kông theo các tuyến đường thuỷ nội địa và kết hợp trung chuyển than nhập khẩu cho các trung tâm điện lực ĐBSCL. Đây là dự án ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội, an ninh Quốc phòng toàn vùng ĐBSCL. Từ đó, sớm tháo gỡ điểm nghẽn, đưa vùng đất “Chín Rồng” cất cánh, đưa vùng tiệm cận với các vùng kinh tế trong nước và khu vực.

Theo phương án quy hoạch, cảng biển Trần Đề nằm ở ngoài khơi luồng Trần Đề, nối đất liền bằng cầu vượt biển dài khoảng 18 km. Cảng có tổng diện tích quy hoạch khoảng 5.400 ha, phần diện tích quy hoạch bến cảng ngoài khơi là 1.400 ha, phần diện tích quy hoạch khu dịch vụ hậu cần cảng, logistics, cảng trung chuyển hàng hóa phía bờ khoảng 4.000 ha.

Cảng có thể tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu container có tải trọng 100.000 DWT, tương lai là 200.000 DWT; tàu hàng rời cảng đến 160.000 DWT. Công suất thiết kế khoảng 80 – 100 triệu tấn/năm (giai đoạn 2030 từ 30 - 35 triệu tấn/năm). Kết nối giao thông với đường bộ QL1, QL91, QL91B và QL60, cùng các tuyến đường thủy chính từ cửa sông Hậu đến Campuchia và các hành lang vận tải kết nối từ các tỉnh ĐBSCL về sông Hậu ra cửa Trần Đề đảm bảo cho hoạt động đầu tư, khai thác cảng Trần Đề.

Ngoài ra, các tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng (CT34) và cầu Đại Ngãi nối Trà Vinh – Sóc Trăng, mở rộng QL91B đang chuẩn bị đầu tư, đảm bảo kết nối cảng Trần Đề với các tỉnh. Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu 52,6km; luồng Định An – Sông Hậu 182,3km; luồng Trần Đề 68,9km.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

TP.HCM vận hành thử nghiệm hệ thống thu phí sử dụng cảng biển
TP.HCM vận hành thử nghiệm hệ thống thu phí sử dụng cảng biển

VOV.VN - Ngày 16/2, TP.HCM chính thức vận hành thử nghiệm hệ thống thu phí tại cảng biển trước khi đưa vào vận hành chính thức hệ thống này vào ngày 1/4 tới.

TP.HCM vận hành thử nghiệm hệ thống thu phí sử dụng cảng biển

TP.HCM vận hành thử nghiệm hệ thống thu phí sử dụng cảng biển

VOV.VN - Ngày 16/2, TP.HCM chính thức vận hành thử nghiệm hệ thống thu phí tại cảng biển trước khi đưa vào vận hành chính thức hệ thống này vào ngày 1/4 tới.

Khởi công xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên
Khởi công xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên

VOV.VN - Sáng 22/1, UBND tỉnh Điện Biên và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đã tổ chức Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành dự và phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ.

Khởi công xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên

Khởi công xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên

VOV.VN - Sáng 22/1, UBND tỉnh Điện Biên và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đã tổ chức Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành dự và phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ.

Đề nghị xây dựng cảng trung chuyển biển nước sâu tại Hòn Khoai
Đề nghị xây dựng cảng trung chuyển biển nước sâu tại Hòn Khoai

Dự kiến, cảng có khả năng đón tàu qui mô có trọng tải 250.000 tấn ra vào cảng.

Đề nghị xây dựng cảng trung chuyển biển nước sâu tại Hòn Khoai

Đề nghị xây dựng cảng trung chuyển biển nước sâu tại Hòn Khoai

Dự kiến, cảng có khả năng đón tàu qui mô có trọng tải 250.000 tấn ra vào cảng.