Vàng lao dốc: Ai khóc, ai cười?
(VOV)-Giá trị 6 phiên đấu thầu của NHNN tăng đột biến, giá vàng lao dốc, các DN bỗng “vác” niềm vui bong bóng, nhưng mức lỗ vẫn là ẩn số...
Mấy hôm nay, hẳn là dư luận được phen trầm trồ thán phục Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nối tiếp vận may sau 6 phiên đấu thầu bán thành công cả trăm nghìn lượng vàng miếng, tức thì giá vàng thế giới và trong nước đồng loạt lao dốc. Tất nhiên, cũng có cả sự “thương thay” các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp (gọi tắt là DN) kinh doanh vàng sau cuộc đua giành mua hàng ngàn lượng với giá tưởng rất... hời.
NHNN bán được 158.200 lượng vàng, DN lỗ bao nhiêu?
Sau cú đột ngột lao dốc của giá vàng hôm thứ Bẩy, ngày 13/4, con số 158.200 lượng vàng mà NHNN đã đấu thầu bán ra thành công bỗng trở thành điểm nhấn cho thị trường kim loại quý này. Bởi trong quãng thời gian này, nó không chỉ là một điểm nhấn trên thị trường vàng khi nằm trên ranh giới sự may-rủi được ngăn cách bởi... vàng, mà còn ẩn chứa nhiều toan tính không dễ lý giải.
Nhớ lại 6 phiên đấu thầu vàng miếng vừa qua, NHNN cho biết đã chào bán 196.000 lượng, bán được là 158.200 lượng, tương đương trên 6 tấn vàng. Qua các phiên đấu thầu, đã có 76 lượt DN trúng thầu.
So với giá thế giới, vàng SJC vẫn cao ngất ngưởng (Ảnh: T.Thắng/Tuổi trẻ) |
Trong các phiên đấu thầu, đáng chú ý là về giá chào bán. Tại phiên đầu tiên, ngày 28/3, NHNN chỉ bán được 2.000/26.000 lượng chào bán, với giá trúng thầu 43,81 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng SJC trên thị trường cùng thời điểm trên 100.000 đồng/lượng.
Sau phiên này, có nhiều ý kiến từ các doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng, một phần “ế” vàng vì giá khởi điểm cao, cũng phần vì các DN chưa thật sự mặn mà với hoạt động này. Có ý kiến chỉ rõ rằng, NHNN cần chia sẻ lợi ích, các đầu mối cũng cần chia sẻ lợi ích và trách nhiệm, vì mục tiêu chung. Và NHNN nên xem xét mức giá chào bán thấp hơn giá thị trường một mức vừa phải; các DN trúng thầu khi bán ra cũng xem xét có chênh lệch vừa phải. Như vậy, qua các phiên, nhu cầu của thị trường dần được đáp ứng, giá trong nước sẽ từng bước về gần hơn giá thế giới.
Sau những phản ứng của dư luận, từ phiên 2 trở đi, giá chào bán đã điều chỉnh rõ nét, lượng vàng đấu thầu thành công cao, lượng bán ra tăng đột biến. NHNN liên tiếp bung hàng, với mức giá trúng thầu các phiên dao động trong khoảng từ 42,97 đến 43,35 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, với giá trúng thầu này, khi giá vàng giảm về 42,2 triệu đồng/lượng ngày 13/4, các DN đã lỗ trung bình 1 triệu đồng/lượng.
Sau các phiên đấu thầu, NHNN dẫn số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp về tình hình sử dụng vàng miếng mua từ NHNN cho biết, lượng vàng miếng trúng thầu của các đơn vị đã được sử dụng để bán ra thị trường và một phần vàng đã được dùng để tất toán số dư vàng huy động của một số tổ chức tín dụng, góp phần giảm áp lực mua vàng trên thị trường của các tổ chức tín dụng.
NHNN cũng đánh giá, các phiên đấu thầu cho thấy quy trình đấu thầu bán vàng miếng đã được vận hành thông suốt, hoạt động đấu thầu diễn ra một cách công khai, minh bạch, phù hợp với các quy định hiện hành.
Rõ ràng, cuộc chơi này đã sòng phẳng, có kẻ bán, người mua công khai. Thậm chí, mua bằng hình thức đấu thầu, chẳng còn gì để mà kêu ca giá cao hay thấp. Có chăng, dư vị của nó giờ đây đơn giản chỉ là NHNN đã gặp may, DN gặp rủi. Bởi với con số 158.200 lượng vàng đó, nếu NHNN không bán ra, hẳn là không có khoản lãi 158.200 lượng x 1.000.000 đồng/lượng.
Tất nhiên, khi NHNN lãi bằng ấy tiền, hẳn là số lỗ dù ít hay nhiều sẽ thuộc về DN. Kết quả này chỉ là một lẽ đương nhiên của thị trường. Song sự thật của món lỗ này, mới chỉ trong các phép tính, còn thực tế, vẫn còn là ẩn số!
Ai khóc, ai cười?
Qua các phiên đấu thầu vàng vừa nêu, soi kỹ hơn vào sự thắng – thua của các bên lại thấy, NHNN đã cùng lúc đạt đa lợi ích. Lợi ích thứ nhất là chủ trương thực hiện đấu thầu vàng miếng của NHNN đã được thực hiện thành công, với lượng vàng bán ra đẹp như mơ! Nhẩm tính giữa giá bán và giá vàng giảm sau khi bán, NHNN được món lãi “khủng”. Đi liền với nó, NHNN còn đạt được mục đích như đã tuyên bố, kết quả đấu thầu “góp phần giảm áp lực mua vàng trên thị trường của các tổ chức tín dụng.”...
Vì thế mà NHNN tiếp tục phát đi thông điệp “trong thời gian tới, với vai trò là người mua, bán cuối cùng trên thị trường, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi, phân tích diễn biến thị trường, liên tục tổ chức các phiên đấu thầu với khối lượng đủ lớn để bình ổn thị trường vàng”.
Chứng tỏ, cho dù giá vàng trong nước giảm sâu hay nông, đó chỉ là phản ứng của thị trường với giá thế giới. Đấu thầu vẫn tiếp tục là một giải pháp quan trọng trong quản lý thị trường vàng. Do đó, nếu nhìn từ góc độ người chiến thắng, chí ít là gặp may, NHNN “cười” là đương nhiên, không ai chê trách!
Có điều, nhìn đến khối DN đã “ẵm” lượng lớn vàng từ các phiên đấu thầu, lại thấy, nếu nhân trên giấy thì đúng là đáng để chia sẻ với các DN về khoản lỗ “kếch xù” chỉ sau một đêm.
Giấc mơ “mua rẻ, bán đắt” nếu có của các DN khi tham gia tranh thầu đã là bong bóng trôi sông. Song, trên báo Tuổi trẻ, ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc kinh doanh Công ty PNJ, cho biết giao dịch trên thị trường chỉ theo chiều mua, người nắm giữ vàng không ai chịu bán ra. Đó là lý do sau khi xuống mức 42 triệu đồng/lượng, giá vàng lại “ngóc đầu”. Đến cuối ngày, giá vàng miếng bán ra tại Công ty SJC lên mức 42,2 triệu đồng/lượng, còn tại PNJ giá bán lên đến 42,26 triệu đồng/lượng. Công ty Bảo Tín Minh Châu, DOJI cũng đồng loạt tăng giá bán ra.
Như thế, nói các DN đã lỗ “khủng” mới chỉ là “nói vậy thì biết vậy”, đoán vậy thì tin vậy”... Còn thực tế, số vàng đã bán ra bao nhiêu, còn giữ bao nhiêu, bao nhiêu đã tất toán... chỉ các chủ nhân của nó mới biết. Trong khi đó, mục tiêu kéo giá vàng trong nước sát giá vàng thế giới vẫn còn như một “giấc mơ xa”, vì khi giá thế giới và giá trong nước cùng lao dốc, giá vàng SJC vẫn cao hơn vàng thế giới tới 5 triệu đồng/lượng. Hơn thế, bản thân trong cùng một thị trường, các thương hiệu khác nhau vẫn chênh giá nhau khá lớn, cho dù cùng chỉ số vàng, chỉ khác thương hiệu.
Vậy thì cái sự kẻ khóc, người cười ở đây, chỉ người trong cuộc mới thực sự thấu hiểu. Hàng triệu dân đã, đang và sẽ mua – bán vàng vẫn cứ tiếp tục phập phồng, bởi đâu phải lúc nào họ cũng thích mua là được, thích bán là xong!./.