Vàng và USD là nơi trú ẩn thời lạm phát

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đại Lai, người dân găm giữ vàng và USD để bảo vệ tài sản của mình và đầu cơ để trục lợi, kiếm lời.

Liên tiếp trong những ngày qua, giá vàng và USD trên thị trường tự do tăng cao so với giá niêm yết tại các ngân hàng. Việc tăng giá này mang lại lợi ích cục bộ cho một số người mua đi - bán lại, nhưng lại tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đại Lai sẽ phân tích sâu hơn về vấn đề này qua trả lời phỏng vấn của VOV.

PV: Thời gian qua sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ nhưng giá vàng và USD vẫn tăng liên tục. Theo ông, vì sao lại có hiện tượng này?

Ông Nguyễn Đại Lai: Về nghĩa đen là do chúng ta không sản xuất được vàng mà vàng nhập vào chúng ta phải trả bằng USD. Vì thế, khi USD mất giá thì đương nhiên vàng tính bằng tiền Việt phải lên. Còn phía nghĩa bóng là do sức mua đối ngoại của đồng tiền giảm tới gần 10% thì đương nhiên tạo hiệu ứng lan tỏa sang sức mua đối nội của đồng tiền Việt Nam, tạo kỳ vọng gây ra lạm phát. Lạm phát cộng với việc phá giá tiền đồng Việt Nam và sức mua đối ngoại, đối nội yếu thì đương nhiên cả vàng và USD đều tăng giá.

PV: Trên thực tế, đến thời điểm này Ngân hàng Nhà nước vẫn khẳng định có đủ nguồn cung ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu thanh khoản USD. Các Ngân hàng thương mại cũng vẫn có những cam kết đảm bảo nguồn cung về loại tiền tệ này. Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao giá USD vẫn tăng, thưa ông?

Ông Nguyễn Đại Lai: Bản chất của việc giá USD tăng cao trong thời gian qua là do cầu ngoại tệ lớn; ngoại thương thâm hụt dẫn đến tình trạng thiếu USD. Mà thiếu USD không phải là do chúng ta có ít hay có nhiều USD, lỗi chính là do nước ta không sản xuất ra tiền, mà chúng ta phải sản xuất ra hàng hoá, nguồn hàng chính là vật đảm bảo cho việc ngoại tệ vào nhiều hay vào ít, vì Ngân hàng Nhà nước có phát hành được USD đâu.

PV: Theo các Doanh nghiệp kinh doanh vàng thì hiện nay lượng vàng dân tích trữ có thể đã lên tới vài trăm tấn. Vậy theo ông vì sao vẫn có hiện tượng găm giữ USD và vàng ở một bộ phận người dân?

Ông Nguyễn Đại Lai: Hiện tượng đó rất dễ giải thích vì trong kỳ vọng của lạm phát 2 tài sản vàng và USD có hiệu ứng tâm lý là nơi trú ẩn của lạm phát. Việc người dân găm giữ 2 loại tài sản này là đúng thôi. Vì họ găm giữ để bảo vệ tài sản của họ và họ đầu cơ để trục lợi, kiếm lời. Đó cũng là động lực của các nhà đầu cơ vàng và USD.

PV: Theo ông, để thị trường vàng và USD ổn định trong thời gian tới thì cần những biện pháp gì?

Ông Nguyễn Đại Lai: Dứt khoát chúng ta phải chống bằng được tình trạng đô la hóa nền kinh tế, quản lý chặt chẽ một đầu mối và cân đối được nguồn ngoại tệ nhập, tính khả thi của nguồn ngoại tệ nhập. Nói chung, tất cả các hoạt động liên quan đến nền kinh tế ngoại tệ phải kiểm soát chặt chẽ tổng cung và tổng cầu bằng các biện pháp hành chính và pháp luật.

PV: Xin cảm ơn ông!/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên