Vào TPP: Doanh nghiệp phải đối mặt với thách thức gì?
VOV.VN - Thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp khi vào TPP là chưa đủ khả năng cạnh tranh, chưa chủ động, sẵn sàng hội nhập trên sân chơi toàn cầu.
Các đại biểu tại cuộc tọa đàm do VCCI và WB tổ chức tại Hà Nội sáng 15/3 về các cơ hội, thách thức và nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp Việt khi tham gia Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) cho rằng, sức ép đối với doanh nghiệp trong nước quá lớn bởi hầu hết đều ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Vì thế, doanh nghiệp Việt sẽ đuối sức khi cạnh tranh trên sân chơi quốc tế.
Bà Anabel Gonzales, Giám đốc cao cấp Ban Cạnh tranh và Thương mại – Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, ngoài những cơ hội lớn như tăng cường thu hút đầu tư, mở rộng thị trường và nâng cao tính minh bạch, nhiều doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với các thách thức đáng kể, trong đó có năng suất lao động, phát triển bền vững và việc tuân thủ các quy định quốc tế khi Việt Nam tham gia Hiệp định TPP. TPP: Những vấn đề và thách thức đặt ra với Việt Nam
Đại diện của WB cũng nhấn mạnh, sức ép cạnh tranh đối với doanh nghiệp Việt là rất lớn. Nếu không tăng cường năng lực, khả năng quản trị và đào tạo nhân công thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước khó có thể trụ vững trên “sân nhà” và yếu thế khi vươn ra thị trường thế giới. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam có thể phải đối mặt với nguy cơ gia tăng về các vụ kiện như phá giá, trợ giá, hay quyền sở hữu trí tuệ…
Quy mô doanh nghiệp nhỏ và… siêu nhỏ
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng Thư ký của VCCI nhận định, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt còn hạn chế bởi có đến 96% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hầu hết ở quy mô gia đình. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp nội địa chỉ tận dụng đương khoảng 30% các ưu đãi thuế quan mà các hiệp định thương mại (FTAs) mang lại.
Theo ông Vinh, hiện chưa có đánh giá cụ thể về số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ nắm bắt được thông tin và có kế hoạch mở rộng thị trường, chủ động hội nhập khi Việt Nam tham gia TPP.
Cả doanh nghiệp nhà nước lẫn doanh nghiệp tư nhân chưa nhận thức đầy đủ, nghiên cứu sâu và đưa ra các chiến lược hành động cụ thể đề tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức mà TPP mang đến. Đây chính là yếu tố cấu thành cho sự phát triển tương lai của doanh nghiệp Việt, ông Vinh lưu ý.
Phó Tổng Thư ký của VCCI cũng bày tỏ băn khoăn trước khả năng đáp ứng quy tắc xuất xứ của doanh nghiệp nội. Ông cho rằng, cung cấp thượng nguồn kém khiến nhiều đơn vị sản xuất trong nước phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu vào nước ngoài.
Đơn cử trường hợp của doanh nghiệp dệt may, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp dệt may trong nước khó có thể tận dụng được các ưu đãi thuế quan khi chưa đáp ứng được quy tắc xuất xứ của sản phẩm. Hiện hầu hết nguồn nguyên liệu đầu vào của ngành dệt may được nhập khẩu từ các nước ngoài TPP, chủ yếu từ Trung Quốc. Các thành viên TPP mới chỉ cung cấp khoảng 5% nguyên liệu đầu vào cho dệt may Việt Nam.
Doanh nghiệp dệt may cần đáp ứng tốt quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan từ TPP. (Ảnh minh họa: Internet) |
Các đơn vị sản xuất nguyên liệu dệt may trong nước vẫn xuất khẩu với số lượng tương đương số lượng nguyên liệu nhập khẩu, nhưng hàng nội địa không đáp ứng được nhu cầu sản xuất dành cho xuất khẩu nên các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu vẫn phải nhập nguyên liệu đầu vào từ các nước khác, ông Giang cho hay.
Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan đánh giá, mức độ phát triển của doanh nghiệp Việt Nam còn thấp, chưa đáp ứng được năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Lực lượng lao động chưa ổn định, trong khi số lượng doanh nghiệp liên tục trồi sụt.
Bà Lan cho rằng tinh thần kinh doanh ở Việt Nam chưa cao, trình độ quản lý doanh nghiệp thấp, đa số dừng lại ở quy mô gia đình. Một số doanh nghiệp do không đứng vững trên thị trường nên đã bị phá sản, trong khi đó các doanh nghiệp “ăn ra làm nên” thì lại bán cổ phần cho nước ngoài.
Chính vì quy mô nhỏ nên nhiều doanh nghiệp trong nước chưa tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tỷ lệ xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 16,8% trong tổng số doanh nghiệp, chủ yếu trong lĩnh vực nông sản. Còn doanh thu xuất khẩu từ hàng chế tác chủ yếu do đóng góp của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), bà Lan cho hay.
“Bẫy” giá trị gia tăng thấp
Ông Phạm Minh Đức, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới phân tích: với 12 nước thành viên, trong đó có những nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ và Nhật Bản, TPP có quy mô kinh tế tương đương 28.000 tỷ USD, chiếm khoảng 36% tổng GDP toàn cầu, đóng góp hơn ¼ thương mại toàn cầu. TPP bao trùm không chỉ các vấn đề liên quan đến thương mại và đầu tư mà còn các vấn đề thể chế xuyên suốt, và có thể trở thành mô hình quản trị thương mại toàn cầu thế kỷ 21.
Tuy nhiên, Việt Nam tham gia vào phần giá trị thấp của chuỗi giá trị toàn cầu: 70% số doanh nghiệp gia công cắt may, 90% là các doanh nghiệp hợp đồng, ông Đức lưu ý. Đồng thời, ông cũng đặt ra câu hỏi liệu Việt Nam có thể tận dụng cơ hội của các FTA, trong đó có TPP, hay không để thoát khỏi “bẫy” giá trị gia tăng thấp.
Quy tắc xuất xứ tạo cơ hội tái cấu trúc ngành theo hướng tăng cường kết nối thượng nguồn cung ứng và thúc đẩy giá trị gia tăng của sản xuất. Trên thực tế, Việt Nam phải nhập trên 50% nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc – quốc gia không nằm trong khối các nước tham gia TPP.
Ngoài ra, ông Đức cũng lưu ý tới các vấn đề khác khi thực thi TPP, trong đó có vấn đề lao động và môi trường. Ông cho rằng, việc đáp ứng các tiêu chuẩn về lao động và môi trường và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp có thể làm tăng chi phí sản xuất trong ngắn hạn. Đây có thể là bất lợi ban đầu làm giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam khi gia nhập sân chơi quốc tế./. Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng vào cơ hội từ Hiệp định TPP