VEC bị tố không minh bạch khi tổ chức đấu thầu gói ETC4?
VOV.VN-Báo điện tử VOV nhận được phản ánh của doanh nghiệp về việc VEC không minh bạch trong đánh giá hồ sơ dự thầu gói thầu ETC4 – Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Tại Văn bản số 2138/VEC-ĐT về danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và mời mở Đề xuất tài chính gói thầu ETC4, Tổng Công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC cho biết, ngày 20/9/2019, VEC đã có quyết định phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật cho gói thầu nói trên là Liên danh Công ty cổ phần đầu tư phát triển công nghệ điện tử viễn thông – Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Viễn thông Việt Vương.
Ngay sau khi văn bản 2183 được ban hành, các đơn vị tham gia đấu thầu gói thầu ETC4 đều có phản ứng về quyết định của VEC.
Trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ luôn trong tình trạng quá tải. |
Cụ thể, việc VEC thông báo danh sách nhà thầu đáp ứng kỹ thuật và mời mở đề xuất tài chính gói thầu ETC4 là chưa tuân thủ đúng quy định của Thông tư 23/2015/TT-BKHĐT, cụ thể tại khoản 4 - Điều 5 của thông tư quy định: “trường hợp gói thầu áp dụng phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ, bên mời thầu phải gửi thông báo bằng văn bản về kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật đến các nhà thầu tham dự thầu. Trong văn bản thông báo phải nêu rõ tên nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, lý do các nhà thầu không đáp ứng về kỹ thuật, thời gian, địa điểm mở hồ sơ đề xuất về tài chính. Các nhà thầu không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật có thể cử đại diện tham dự lễ mở hồ sơ đề xuất về tài chính”).
Trong tổng số 05 nhà thầu tham gia nộp hồ sơ dự thầu, có 04 nhà thầu không được đánh giá đáp ứng (bị loại) bước đánh giá kỹ thuật (bước 1) đều là những nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực tham dự thầu tại gói thầu ETC4. Các nhà thầu này đặt nghi vấn: “Phải chăng việc loại toàn bộ 4 nhà thầu có năng lực kinh nghiệm lâu năm ở bước 1 (năng lực kinh nghiệm và kỹ thuật) là khó hiểu và làm mất đi tính cạnh tranh về tài chính khi mà bước 2 chỉ còn 01 nhà thầu đạt yêu cầu.
Việc chỉ có duy nhất 01 nhà thầu lọt qua bước 1 để tham gia mở hồ sơ đề xuất tài chính (bước 2), mà bên mời thầu lại không thông báo các nhà thầu không đạt bước 1 có thể tham dự mở hồ sơ đề xuất tài chính (bước 2) đã làm mất đi tính công khai, minh bạch trong công tác đấu thầu theo quy định của nhà nước.
Các nhà thầu bị loại ở bước 1 đều có văn bản kiến nghị Bên mời thầu làm rõ lý do bị loại và đề nghị bên mời thầu thay đổi thời gian mở hồ sơ đề xuất tài chính đã ấn định tại văn bản 2138/VEC-ĐT để đảm bảo tính chính xác trong việc đánh giá minh bạch khi mở hồ sơ tài chính.
VEC nói gì?
Trong văn bản số 2213 ngày 30/9/2019 trả lời báo Điện tử VOV, VEC khẳng định đã thực hiện qui trình tổ chức lựa chọn nhà thầu cho phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ theo đúng qui định của Luật Đấu thầu 2013 và Nghị định 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 63) về qui định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.
Hiện nay, VEC đang khẩn trương thực hiện hạng mục thu phí không dừng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để hoàn thành hạng mục này trước ngày 31/12/2019. Nếu không thể hoàn thành đúng thời hạn thì có thể VEC phải dừng hoạt động thu phí, ảnh hưởng rất lớn tới nguồn thu ngân sách và phương án tài chính dự án. Trong khi thời gian thực hiện gói thầu trên là 3 tháng nhưng quỹ thời gian từ giờ tới 31/12/2019 cũng chỉ còn 3 tháng nên VEC đều phải thực hiện ngay các thủ tục để mở tài chính sau khi đã hoàn thành bước đánh giá kỹ thuật.
VEC đã phát hành hỏa tốc văn bản vào ngày 20/9/2019 về việc danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và mời mở Đề xuất tài chính gửi tới 5 nhà thầu đã nộp hồ sơ dự thầu gói thầu ETC4. Nội dung văn bản này, VEC đã ghi rất rõ tên nhà thầu qua kỹ thuật, thời gian và địa điểm cụ thể của buổi mở Đề xuất tài chính theo đúng qui định của Nghị định 63.
Sau khi nhận được văn bản của VEC, các nhà thầu không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật đã có văn bản hỏi về lý do không đáp ứng và VEC đã trả lời đầy đủ, chi tiết các lý do mà các nhà thầu không đáp ứng yêu cầu trước thời điểm mở Đề xuất tài chính. Điều này cũng thể hiện VEC đã tuân thủ cả quy định của Thông tư 23 của Bộ KHĐT.
Về việc loại 4 nhà đầu tư có kinh nghiệm để chọn 1 liên danh “mới toanh”, được VEC lý giải là: VEC rất trân trọng và tạo mọi điều kiện như nhau với các doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực tương tự phạm vi công việc của gói thấu để tham dự gói thầu ETC4. Tuy nhiên, giữa việc có năng lực và kinh nghiệm lâu năm không đồng nghĩa với việc nhà thầu sẽ đáp ứng được toàn bộ yêu cầu của Hồ sơ mời thầu. Thực tế, các yêu cầu đưa ra trong HSMT cũng không làm khó các nhà thầu vì trong thời gian được phép làm rõ HSMT cũng như gửi các kiến nghị liên quan việc điều chỉnh HSMT do các tiêu chí làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu.
Ngoài khẳng định tính khách quan, công văn của VEC còn cho biết, sau khi mở đề xuất tài chính thì giá của nhà thầu vượt qua bước kỹ thuật thấp hơn so với dự toán được duyệt hơn 22% thể hiện tính cạnh tranh của gói thầu này.
Vé sử dụng khi qua trạm Pháp Vân - Cầu Giẽ khi thì thẻ từ, khi thì vé giấy. |
Những băn khoăn về trả lời của VEC!
Đối với một gói thầu có giá lên tới gần 40 tỷ VNĐ, yêu cầu kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự có giá trị rất lớn. Theo quy định pháp luật đấu thầu, thông thường hợp đồng kinh nghiệm phải có giá trị tương ứng 70% - 80% giá gói thầu đang xét.
Trong cùng khoảng thời gian diễn ra đấu thầu ETC4, một gói thầu có tính chất tương tự khác (gói thầu này bao gồm thêm phần thiết kế thi công) và quy mô lớn hơn rất nhiều (theo tìm hiểu, giá gói thầu vào khoảng 150 tỷ VND) cũng được mời thầu - Gói thầu EX-13A: Thiết kế, cung cấp và lắp đặt hệ thống thu phí điện tử tự động không dừng thuộc Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng do TCT Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam mời thầu. Qua theo dõi tìm hiểu, nhà thầu được VEC đánh giá không đáp ứng gói thầu ETC4, đã trúng thầu gói thầu này.
Thứ hai, theo VEC: “thực tế sau khi mở đề xuất tài chính thì giá của nhà thầu vượt qua bước kỹ thuật thấp hơn so với dự toán duyệt hơn 22% thể hiện tính cạnh tranh của gói thầu”. Vậy “hơn 22%” là cụ thể bao nhiêu %, trong khi mọi con số đến thời điểm này đều có con số cụ thể (dự toán duyệt rõ; giá đề xuất tài chính đã cụ thể). Vậy tại sao VEC lại chỉ trả lời con số là hơn, phải chăng để còn một hướng mở để nâng cái “hơn” đó khi các cơ quan có thẩm quyền làm rõ nhằm định hướng việc nhà thầu trúng thầu đang có “giá chào thấp hơn nhiều”.
Và việc “thấp hơn dự toán duyệt hơn 22%” như VEC viết chỉ là “thấp hơn dự toán duyệt” chứ chưa phải là “thấp nhất”. Do vậy chắc chắn chưa thể khẳng định đã đảm bảo “tính cạnh tranh về tài chính”, bởi không ai dám chắc phần đề xuất tài chính của 4 nhà thầu bị loại kia đều cao hơn đề xuất tài chính của nhà thầu đã trúng?!
VOV.VN tiếp tục thông tin về vấn đề này./.