Vì đâu người Việt quay lưng với hàng Made in Vietnam?
VOV.VN - Hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ của Khaisilk, Seven.AM hay Asanzo đã khiến những thương hiệu lớn này bỗng chốc bị sụp đổ, NTD Việt Nam thất vọng.
Giờ đây, người tiêu dùng không còn nhắc đến những tên tuổi nói trên. Điều này tiếp tục minh chứng, khi doanh nghiệp (DN) làm ăn gian dối đồng nghĩa với việc họ đã tự ký cho mình “án tử”.
Nhiều người tiêu dùng cho biết, tiêu chí lựa chọn sản phẩm hàng hóa của họ hiện nay là hướng đến các sản phẩm có thương hiệu, dán mác của các DN trong nước sản xuất. Theo chia sẻ của chị Dương Lan Anh, một chủ shop thời trang (phố Chùa Bộc, Đống Đa, Hà Nội), gần đây, người tiêu dùng tìm mua nhiều hơn các sản phẩm quần áo “Made in Vietnam”. “Những hãng may mặc có thương hiệu như May 10, An Phước, Formart, Ivy… là lựa chọn của nhiều tín đồ thời trang”, chị Lan Anh cho biết.
Có lẽ đây là một tin rất vui cho cộng đồng DN Việt, cũng là thành quả tất yếu có được sau gần 10 năm Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đi vào thực tiễn. Tuy nhiên, khi hàng Việt ngày càng được người Việt tin dùng hơn lại xuất hiện tình trạng hàng hóa “Made in Vietnam” bị giả mạo xuất xứ, nhãn mác.
Seven.AM chỉ là một trong nhiều thương hiệu đã tự mình “gục ngã”. |
Một hành vi gian lận với động cơ vụ lợi, những DN đã gây tổn thương nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng. Không những ảnh hưởng đến người tiêu dùng và thị trường trong nước, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, các hành vi gian lận thương mại, giả mạo xuất xứ như các DN đã thực hiện sẽ khiến cho thị trường quốc tế hoàn toàn mất thiện cảm đối với hàng hóa của Việt Nam.
Gian dối đồng nghĩa với “án tử”
Mặc dù cho rằng hành vi nhập hàng từ nước ngoài, cắt mác, gắn tem thương hiệu trong nước… là thủ đoạn không mới nhưng rất khó kiểm soát, song TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nhận thấy một điều đáng buồn, đó là nhiều DN nổi tiếng khi đã xây dựng được thương hiệu, tạo được niềm tin, chữ tín trong lòng người tiêu dùng nhưng lại không biết bảo vệ thương hiệu đó, lại sẵn sàng tự hủy bỏ chỉ vì lòng tham, vì cái lợi trước mắt.
“Trong bối cảnh nền kinh tế đang hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay, tư duy này không nên và không được phép tồn tại nếu DN muốn tiến sâu và tiến xa vào hội nhập”, TS. Võ Trí Thành nói.
Nhận định về thực trạng gian lận xuất xứ xảy ra thời gian qua và ngày càng có xu hướng gia tăng, PGS.TS. Nguyễn Quốc Thịnh, Trưởng Ban cố vấn, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, khi lực lượng quản lý kiểm tra, giám sát không xuể, bản thân người tiêu dùng càng cần phải đồng lòng, đoàn kết để bảo vệ quyền lợi của chính mình.
“Chúng ta đã chứng kiến những Khaisilk, Seven.AM bị sụp đổ thương hiệu, một phần là do người tiêu dùng đã phản ứng và quay lưng, không tiếp tay cho các hành vi gian lận thương mại. Chính người tiêu dùng khi loại bỏ tư duy ham đồ rẻ cũng sẽ góp phần loại khỏi môi trường kinh doanh những DN làm ăn bất chính”, PGS.TS. Nguyễn Quốc Thịnh lưu ý.
Vị chuyên gia cũng chỉ rõ, sai lầm lớn nhất đưa các DN nói trên đến thảm cảnh hiện nay chính là họ đã thực hiện các hành vi gian lận thương mại nhằm che mắt người tiêu dùng. Có thể hành vi đó qua mắt người tiêu dùng được hôm nay nhưng không thể qua được những ngày sau đó.
“Không có sự gian dối nào có thể tồn tại được, sớm muộn cũng sẽ bị lật tẩy và trung thực chính là yếu tố giúp DN phát triển bền vững. Bởi trong kinh doanh, thương hiệu và chữ tín luôn là tài sản lớn nhất của mỗi DN. Song như cách mà Seven.AM, Khaisilk hay một số DN khác đã và đang làm là cách họ ký vào “án tử” nhanh nhất”, GS. TS Nguyễn Quốc Thịnh khẳng định.
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay, DN muốn tồn tại và phát triển bền vững chỉ có một con đường duy nhất là kinh doanh có đạo đức, có văn hóa, xây dựng và bảo vệ được chữ tín, luôn tôn trọng quyền lợi của người tiêu dùng. Chỉ khi làm được như vậy, DN Việt Nam mới có thể phát triển bền vững và tiến xa trên con đường hội nhập./.
Nhiều doanh nghiệp coi gian lận xuất xứ là cơ hội “béo cò”