Vi phạm trần lãi suất lại bắt đầu rộ lên

Thống đốc Nguyễn Văn Bình phủ nhận thông tin khó vay vốn trên hệ thống liên ngân hàng.

Ngày 12/1, Thống đốc Nguyễn Văn Bình thừa nhận: “Chúng tôi cũng nhận thấy và theo nhiều thông tin phản ánh, việc vi phạm trần lãi suất lại bắt đầu rộ lên”.

Từ thực tế này, người đứng đầu ngành ngân hàng cho rằng, công tác thanh tra giám sát, xử lý của NHNN trong năm 2012 phải quyết liệt hơn nữa. “Chúng tôi đã xây dựng chương trình thanh tra của NHNN, trong đó, một trong những nội dung hết sức quan trọng ngoài việc đảm bảo an toàn hệ thống tổ chức tín dụng còn có nội dung rất quan trọng là chống cạnh tranh không lành mạnh trong hệ thống ngân hàng, đặc biệt là cạnh tranh bằng lãi suất” – ông Bình nói.

Trước đó, tại phiên chất vấn tại Quốc hội, cũng như hội  nghị ngành ngân hàng ngày 7/9/2011, lãnh đạo NHNN cũng thừa nhận các hành vi vi phạm trần lãi suất đã diễn ra hết sức phổ biến; thừa nhận sự yếu kém trong công tác thanh tra giám sát và xử lý của NHNN.

Sau ngày 7/9/2011, NHNN đã xử lý quyết liệt hơn với nhiều giải pháp khác nhau, cũng đã xử lý một số trường hợp.

Thống đốc cũng khẳng định, có thông tin khó vay vốn trên hệ thống liên ngân hàng là không chính xác, chỉ là tin đồn. Hiện, 90% hệ thống liên ngân hàng cho vay bình thường, chỉ khoảng 10% các  tổ chức tín dụng khó khăn hoặc có hiện tượng hoạt động không lành mạnh thì khó vay.

“Hiện có khoảng 10% các tổ chức tín dụng -  10% tính theo thị phần ngân hàng, đang có những khó khăn về tình hình tài chính, khó vay trên thị trường liên ngân hàng. Do đó, khi cho vay các ngân hàng khác đòi hỏi phải có thế chấp. Tình hình này đòi hỏi NHNN phải xử lý các tổ chức không lành mạnh đó để trả lại sự lành mạnh cho thị trường. Đây là hiện tượng hết sức bình thường trong hoạt động ngân hàng” – Thống đốc Bình nói.

Về vấn đề tái cấu trúc ngân hàng, theo Thống đốc, không phải do hệ thống ngân hàng của chúng ta yếu kém đến mức độ không tái cấu trúc nó thì nó đổ vỡ ngay lập tức. Việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng hiện nay xuất phát từ nhu cầu của đất nước trong bối cảnh thay đổi lại mô hình phát triển kinh tế.

Như vậy, nhu cầu tái cấu trúc hệ thống ngân hàng trước tiên xuất phát từ nhu cầu tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng chuyển từ kinh tế phát triển theo chiều rộng sang kinh tế phát triển có chiều sâu, theo hướng từ số lượng sang chất lượng. Cũng nhân cơ hội này, chúng ta giải quyết những yếu kém đang tồn tại trong hệ thống ngân hàng.

Thống đốc cũng mạnh mẽ khẳng định: Trên toàn hệ thống, tôi xin nói là không có lợi ích nhóm, còn dưới góc độ một vài ngân hàng thì có. Bởi hiện nay, chúng ta có một số tổ chức tín dụng yếu, quy mô nhỏ, tình hình tài chính không lành mạnh. Các tổ chức đó phục vụ lợi ích một số cổ đông chiếm tỷ trọng chi phối đối với tổ chức đó. Lợi ích nhóm ở đây là lợi ích của các cổ đông lớn của ngân hàng đó mà đúng ra, ngân hàng phải phục vụ lợi ích đại chúng”.

Cuối cùng, Thống đốc khẳng định: “Nợ xấu của ngân hàng so với trước kia có tăng lên nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát và ở mức an toàn”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên