Vì sao Bà Rịa – Vũng Tàu dẫn đầu cả nước về thu hút FDI?

VOV.VN - Trong những tháng đầu năm 2024, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 18 dự án FDI đăng ký mới, với tổng mức đầu tư đăng ký đạt 1,521 tỷ USD, tăng gấp 42 lần so với cùng kỳ, 9 dự án điều chỉnh tăng vốn đạt 120,8 triệu USD. Với con số trên, lần đầu tiên Bà Rịa – Vũng Tàu vươn lên dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với nhiều ngành nghề, lĩnh vực.

Đất lành chim đậu

Là khu công nghiệp (KCN) chuyên sâu duy nhất tại Việt Nam, năm 2018 KCN Phú Mỹ 3 (xã Phước Hoà, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) được thành lập dựa trên thoả thuận hợp tác giữa 2 Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản.

Đến nay, Phú Mỹ 3 đã thu hút 44 nhà đầu tư ở các lĩnh vực công nghiệp nặng, hoá chất, hạ nguồn hoá dầu… đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và một số quốc gia EU với tổng vốn 3 tỷ USD, tương đương 58.000 tỷ đồng.

Ông Kazama Toshio, thành viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng giám đốc Phú Mỹ 3 cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2024, Phú Mỹ 3 đã thu hút 6 nhà đầu tư FDI với tổng vốn 500 triệu USD. Đến nay, đã có 2 nhà đầu tư được cấp phép, 4 nhà đầu tư đang hoàn thiện thủ tục cấp phép.

Ông Kazama Toshio cho biết thêm, Bà Rịa – Vũng Tàu sở hữu cụm cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải, cảng duy nhất có những chuyến tàu trực tiếp đi EU và Mỹ… có tài nguyên dồi dào, nguồn điện, nước ổn định, sạch và khí tự nhiên phong phú là điều kiện rất thuận lợi cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, với hệ thống giao thông đường bộ, đường biển và sắp tới là đường hàng không (sân bay Long Thành)… chắc chắn Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư FDI hơn.

“Hệ thống giao thông của Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện, đặc biệt đối với Bà Rịa – Vũng Tàu thì các dự án như: cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu; Bến Lức – Long Thành, cầu Phước An (nối Bà Rịa – Vũng Tàu với Đồng Nai) cũng đang dần hoàn hiện và dự kiến sẽ đưa vào khai thác vào cuối năm 2025 sẽ giúp Phú Mỹ 3 không chỉ kết nối với khu vực TP.HCM mà còn kết nối với đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Nai, Bình Dương nhanh hơn và thuận tiện hơn”, ông Kazama Toshio đánh giá.

Không chỉ có hệ thống hạ tầng giao thông phát triển, vị trí địa lý thuận lợi…, nhiều nhà đầu tư FDI quyết định đầu tư tại Bà Rịa – Vũng Tàu vì môi trường đầu tư thuận lợi, chính quyền luôn chia sẻ, đồng hành cùng các nhà đầu tư.

Theo ông Chansak Chirawatpongsa, Giám đốc Công ty TNHH Hóa Dầu Long Sơn (LSP), dự án có diện tích 460 ha tại xã Long Sơn, TP Vũng Tàu, được xây dựng từ tháng 2/2018. Đến tháng 12/2023, LSP chạy thử nghiệm toàn bộ dự án, tháng 2/2024 dự án được nhà nước Việt Nam nghiệm thu. Dự kiến toàn bộ tổ hợp sẽ được vận hành với công suất tối đa trong năm 2024.

Ông Chansak cho biết, đây là tổ hợp hoá đầu tiên và lớn nhất của Thái Lan tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 14 tỷ USD, chiếm 1/3 tổng vốn của Thái Lan đầu tư tại Việt Nam. Từ khi bắt đầu đến giai đoạn hiện nay, LSP luôn nhận được sự hỗ trợ về thủ tục hành chính, đất đai, chính sách thuế.

“Bà Rịa – Vũng Tàu có đội ngũ cán bộ có năng lực thuộc các sở, ngành, họ sẵn sàng hỗ trợ mọi thủ tục cho các nhà đầu tư FDI, trong đó có LSP. Họ luôn đồng hành, thấu hiểu nhà đầu tư. Chính quyền Bà Rịa – Vũng Tàu cũng có những tư vấn kịp thời để LSP phát triển dự án”, ông Chansak nói.

Đất đai, hạ tầng là then chốt

Xác định đất đai là khâu quan trọng, ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khẩn trương tạo quỹ đất sạch, minh bạch cung cấp thông tin, thủ tục hành chính… để các nhà đầu tư tiếp cận và quyết định đầu tư.

Sở đã phối hợp cùng các địa phương nhằm hỗ trợ, hướng dẫn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch giao chủ đầu tư hạ tầng các KCN, từ đó bàn giao cho nhà đầu tư thứ cấp.

Theo ông Lê Anh Tú, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, khi giải quyết thủ tục đầu tư liên quan đến đất đai, môi trường, Sở luôn xem hồ sơ mà các KCN lấy ý kiến là “luồng đỏ” để xử lý sớm nhất, nhanh nhất.

“Khi các doanh nghiệp thứ cấp đã ký hợp đồng thuê đất và triển khai dự án, Sở khẩn trương chỉ đạo cho Văn phòng đăng ký đai thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong thời gian nhanh nhất và có thể rút ngắn so với quy định, để tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp FDI có quỹ đất triển khai ngay, đưa dự án vào hoạt động, đảm bảo đúng tiến độ”, ông Lê Anh Tú cho hay.

Ông Nguyễn Văn Thắm, Chủ tịch UBND thị xã Phú Mỹ cho biết, trong thu hút đầu tư FDI, hạ tầng là vấn đề mà các doanh nghiệp quan tâm, đi đến quyết định đầu tư. Do đó, ngoài tăng tốc hoàn thiện mạng lưới giao thông nội tỉnh, từ nhiều năm nay, tỉnh cũng xác định giao thông kết nối liên tỉnh, liên vùng là vấn đề sống còn trong trong thu hút đầu tư.

Đón đầu xu thế chung, năm 2023 tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đồng loạt khởi công 3 dự án lớn (qua thị xã Phú Mỹ) mang tính liên kết vùng là: cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An và cải tạo, mở rộng đường ven biển Vũng Tàu-Bình Thuận (đường 994).

Ông Thắm cho biết thêm, dự án đường Vành Đai 4 TP.HCM đoạn qua Bà Rịa-Vũng Tàu đang được đẩy nhanh. Ðây là các dự án sẽ thực hiện sứ mệnh giảm tải cho QL 51 (đoạn qua thị xã Phú Mỹ), kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Long Thành về TP.HCM và các địa phương khác: “Để phục vụ cho cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, tỉnh đang triển khai tuyến 991B kết nối  đường 992 và đấu nối vào cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu. Tỉnh đang xây dựng kế hoạch đầu tư Vành đai 4 (TP.HCM) để kết nối với Đồng Nai và đấu nối vào cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu. Với hệ thống hạ tầng kết nối trên sẽ là một trong những điều kiện để nhà đầu tư yên tâm khi đầu tư”.

Chính quyền trăn trở, đồng hành cùng doanh nghiệp

Sau khi Bà Rịa – Vũng Tàu công bố quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2050 vào tháng 12/2023 với “Bốn trụ cột kinh tế”; “Ba trục động lực” cùng với các khâu đột phá, địa phương xem đây là cơ sở, tiền đề để thu hút đầu tư trong nước cũng như nước ngoài.

Sau quy hoạch, Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục xây dựng các đề án để thực hiện Chương trình hành động số 24/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trên cơ sở đó, Bà Rịa – Vũng Tàu đã lập danh mục đầu tư công, đầu tư ngoài ngân sách và giới thiệu địa điểm đầu tư các lĩnh vực như: công nghiệp, cảng biển, logistics, đô thị, dịch vụ du lịch…

Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, tỉnh rất chú trọng cải cách hành chính, chuyển đổi số, phấn đấu đạt mục tiêu chính quyền số, kinh tế số và xã hội số theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. Từ quyết tâm cải cách hành chính, các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã tăng lên, các chỉ số khác cũng vượt lên top đầu.

“Trong thu hút đầu tư, Bà Rịa - Vũng Tàu luôn xác định quan điểm xuyên suốt từ các kỳ Đại hội Đảng trước, thu hút có chọn lọc, lựa chọn những dự án có quy mô lớn, có công nghệ hiện đại, kỹ thuật cao, thân thiện với môi trường và không thâm dụng lao động. Trăn trở để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, Đảng bộ, chính quyền xác định luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong và ngoài nước để đảm bảo nhà đầu tư đạt hiệu quả tốt nhất”, ông Lê Ngọc Linh khẳng định.

Việc dẫn đầu cả nước trong thu hút vốn FDI từ những tháng đầu năm 2024 cho thấy, các giải pháp về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, đẩy nhanh các dự án hạ tầng giao thông kết nối… đã giúp Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư FDI. Với mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc, công nghệ tiên tiến, trong tương lai tỉnh sẽ trở thành một trong những khu vực động lực phát triển quan trọng của Vùng Đông Nam Bộ, là trung tâm kinh tế biển quốc gia và đến năm 2030 cơ bản đủ tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bắc Ninh đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn FDI trong 5 tháng đầu năm
Bắc Ninh đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn FDI trong 5 tháng đầu năm

VOV.VN - Trong 5 tháng đầu năm 2024, tỉnh Bắc Ninh đứng thứ 03 cả nước về thu hút đầu tư FDI, sau Bà Rịa - Vũng Tàu và Hà Nội.

Bắc Ninh đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn FDI trong 5 tháng đầu năm

Bắc Ninh đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn FDI trong 5 tháng đầu năm

VOV.VN - Trong 5 tháng đầu năm 2024, tỉnh Bắc Ninh đứng thứ 03 cả nước về thu hút đầu tư FDI, sau Bà Rịa - Vũng Tàu và Hà Nội.

Gỡ vướng để doanh nghiệp FDI thuận lợi đầu tư
Gỡ vướng để doanh nghiệp FDI thuận lợi đầu tư

VOV.VN - Thời gian qua, Chính phủ và các địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp FDI đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp FDI mong muốn chính quyền địa phương chủ động đồng hành cùng doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Gỡ vướng để doanh nghiệp FDI thuận lợi đầu tư

Gỡ vướng để doanh nghiệp FDI thuận lợi đầu tư

VOV.VN - Thời gian qua, Chính phủ và các địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp FDI đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp FDI mong muốn chính quyền địa phương chủ động đồng hành cùng doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Thu hút FDI có chọn lọc, không để doanh nghiệp nước ngoài tận dụng lợi ích
Thu hút FDI có chọn lọc, không để doanh nghiệp nước ngoài tận dụng lợi ích

VOV.VN - Trong thu hút FDI, cần xem xét các khoản thuế ưu đãi đầu tư đối với các DN thành lập mới thuê địa điểm tại Việt Nam, tránh việc hy sinh quyền lợi quốc gia để doanh nghiệp nước ngoài hưởng lợi.

Thu hút FDI có chọn lọc, không để doanh nghiệp nước ngoài tận dụng lợi ích

Thu hút FDI có chọn lọc, không để doanh nghiệp nước ngoài tận dụng lợi ích

VOV.VN - Trong thu hút FDI, cần xem xét các khoản thuế ưu đãi đầu tư đối với các DN thành lập mới thuê địa điểm tại Việt Nam, tránh việc hy sinh quyền lợi quốc gia để doanh nghiệp nước ngoài hưởng lợi.