Công bố kết quả kiểm tra giá nhập khẩu xăng dầu

Vì sao doanh nghiệp xăng dầu lỗ?

Bộ Tài chính cũng chỉ ra một số vi phạm của doanh nghiệp và nguyên nhân khiến doanh nghiệp bị lỗ như: Tỷ giá, đầu tư ra khỏi doanh nghiệp, chi phí thù lao đại lý quá cao…

Đã có đại biểu Quốc hội nêu ý kiến, doanh nghiệp xăng dầu lúc thì bảo lỗ, lúc thì bảo lãi. Vậy sự thật doanh nghiệp lỗ hay lãi? Thông tin này đã được làm rõ tại buổi họp báo Công bố kết quả kiểm tra giá nhập khẩu xăng dầu, do Bộ Tài chính tổ chức tại Hà Nội ngày hôm qua (19/12). Bộ Tài chính cũng chỉ ra một số vi phạm của doanh nghiệp và nguyên nhân khiến doanh nghiệp bị lỗ như: Tỷ giá, đầu tư ra khỏi doanh nghiệp, chi phí thù lao đại lý quá cao…

Chi phí thù lao quá cao

Chủ trì cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định, kết quả kiểm tra tại 4 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu là: Tổng Công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng Công ty dầu Việt Nam (PVOil), Công ty TNHH một thành viên dầu khí TP. Hồ Chí Minh, Công ty TNHH một thành viên thương mại dầu khí Đồng Tháp cho thấy, thù lao đại lý quá cao, vượt mức chi phí kinh doanh xăng dầu định mức quy định là một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp này lỗ. Trên thực tế, Thông tư 36 của Bộ Công thương không quy định chi phí thù lao đại lý. Hiện, chi phí thù lao đại lý là thỏa thuận giữa các doanh nghiệp và Tổng đại lý/đại lý. Còn Thông tư 234 quy định, định mức chi phí kinh doanh xăng dầu là 600 đồng/lít và 400 đồng/kg đối với dầu mazut để tính giá cơ sở đã bao gồm cả thù lao đại lý. Quy định là vậy, song kết quả kiểm tra cho thấy, chi phí kinh doanh thực tế của doanh nghiệp đều vượt mức quy định. Thậm chí, thù lao đại lý vượt cả mức 600 đồng/lít. Trong báo cáo cho thấy, có những thời điểm thù lao đại lý chỉ là 100 đồng/lít, song có lúc vượt lên 600 đồng/lít, thậm chí lên tới 1.000 đồng/lít. Đây là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp xăng dầu lỗ.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Mai cho rằng, việc điều chỉnh giảm giá bán lẻ xăng, dầu tại thời điểm 26/8/2011 của liên Bộ Tài chính - Công thương là có căn cứ hợp lý: Căn cứ vào giá vốn hàng nhập tính đến 26/8, nếu DN thực hiện theo mức chi phí kinh doanh để tính giá cơ sở thì hoạt động kinh doanh xăng dầu đều có lãi (trừ Công ty TMDK Đồng Tháp vì giá vốn hàng nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm quá cao). Tại thời điểm 26/8, kết quả kinh doanh xăng dầu nội địa của các DN từ 1/7 - 26/8 về cơ bản không lỗ lớn hoặc có lãi. Ví dụ, Petrolimex báo cáo ước lãi 130 tỷ đồng; Sài Gòn Petro báo cáo lỗ 44,6 tỷ đồng nhưng nếu thực hiện chi phí theo chi phí kinh doanh định mức để tính giá cơ sở thì có lãi 48 tỷ đồng…

Theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, qua kết quả kiểm tra này, cần phải có quy định khống chế chi phí kinh doanh và thù lao đại lý. “Nếu không có quy định khống chế thù lao đại lý, khi đi vào thực hiện, nó sẽ tăng chi phí kinh doanh, tăng thù lao đại lý, từ đó gây ra việc cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp, đại lý. Việc hưởng lợi sẽ rơi vào một số nhóm người…” - Thứ trưởng Vũ Thị Mai khẳng định.

Theo thứ trưởng Vũ Thị Mai cũng cho rằng, qua lần kiểm tra này, Bộ Tài chính thấy rằng, cần phải có quy định chi phí kinh doanh tính cho từng vùng. Đối với vùng xa, vùng sâu, chi phí phải khác ở vùng đồng bằng. Việc này sẽ cần khảo sát cụ thể để có sự công bằng, doanh nghiệp kinh doanh có lãi hợp lý và đảm bảo lợi ích của người dân…

Điều khiến dư luận băn khoăn, ai sẽ phải gánh phần chênh lệch khi chi thù lao đại lý vượt cả chi phí kinh doanh xăng dầu định mức? Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục quản lý giá, khẳng định, người tiêu dùng không phải chịu. Nhà nước sẽ không cấp bù mà doanh nghiệp phải tự trang trải. Ông Thỏa khẳng định, trong giá cơ sở để điều hành, Bộ Tài chính và Bộ Công thương chỉ tính chi phí định mức là 600 đồng/lít, không có chuyện tính thành 700 hoặc 800 đồng/lít.

Đầu tư ngoài doanh nghiệp

Một vấn đề nữa được Bộ Tài chính chỉ ra, mặc dù năng lực tài chính của doanh nghiệp còn hạn chế và vẫn còn thiếu vốn kinh doanh xăng dầu nhưng cả bốn đơn vị đều có vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp tương đối lớn vào các lĩnh vực: Tài chính, ngân hàng, bất động sản. Chính vì vậy, trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần có kế hoạch và lộ trình thực hiện thoái vốn đầu tư tại các lĩnh vực có mức độ rủi ro cao và không thuộc ngành nghề sản xuất kinh doanh chính để tập trung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh chính theo chỉ đạo của Chính phủ. Củng cố quan điểm này, ông Lê Hoàng Hải, Cục phó Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, trong quá trình kiểm tra, đoàn nhận thấy ở một số lĩnh vực doanh nghiệp đầu tư ra ngoài doanh nghiệp là không hiệu quả, tỷ suất lợi nhuận không bù đắp được cho lãi suất vay ngân hàng.

Bên cạnh đó, kết luận kiểm tra cũng chỉ ra những vi phạm của doanh nghiệp trong công tác quản trị như: Việc trích lập quỹ Khoa học công nghệ không đủ điều kiện, các khoản chi phí không liên quan kinh doanh xăng dầu; ủng hộ từ thiện, xây nhà tình nghĩa, chênh lệch tỷ giá mua condensate không có chứng từ…/.

Tổ kiểm tra tại Petrolimex đưa ra kết luận: “Việc Bộ Công Thương bãi bỏ quy định về mức thù lao, giao cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối thỏa thuận với đại lý tạo nên sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp và đại lý trên cùng một địa bàn, đẩy mức thù lao lên cao, gây khó khăn cho ngay ngay chính bản thân các doanh nghiệp đầu mối, tạo ra sự phức tạp, lộn xộn của thị trường bán lẻ xăng dầu”.
 

Việc trích thù lao cao trong nhiều thời điểm cho thấy doanh nghiệp chưa chịu chia sẻ khó khăn cùng người dân và Nhà nước. Theo Thông tư 36 của Bộ Công Thương thì không còn quy định chi phí thù lao đại lý nữa, mà chi phí này là thỏa thuận giữa doanh nghiệp và đại lý, tổng đại lý. Nhưng theo Thông tư 234 có quy định định mức chi phí kinh doanh để tính giá cơ sở và định mức này đã bao gồm thù lao đại lý trong đó, là 600 đồng/lít đối với mặt hàng xăng, dầu.

Vũ Thị Mai -Thứ trưởng Bộ Tài chính

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên