Giá dầu trên thế giới đã giảm xuống còn 75,93 USD/thùng, nhiều người hy vọng giá xăng trong nước sẽ giảm theo. Tuy nhiên…
Vì thuế, vì hàng tồn kho?
Ngày 15/10, tại New Yord, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 11/2008 giảm 2,70 USD, xuống còn 75,93 USD/thùng, sau khi đã có một phiên giao dịch giảm xuống còn 74,97 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ tháng 9/2007. Việc giảm giá này tạo ra hy vọng về việc giảm giá xăng lần thứ 4 sẽ diễn ra trong thời gian tới.
Đề cập tới việc có thể giảm giá xăng, ông Vũ Ngọc Hải, Chủ tịch HĐQT TCty Xăng dầu Việt Nam cho hay, dù thực hiện cơ chế bù lỗ hay cơ chế thị trường thì mặt hàng này vẫn phải chịu sự quản lý của Nhà nước. Vì vậy, việc tăng giá hay giảm giá đều phải báo cáo với Tổ điều hành của Liên Bộ Tài chính – Công thương trước khi có quyết định cho phép thực hiện tăng hay giảm giá. Việc giảm giá, có lúc Nhà nước cho giảm giá nhưng cũng có lúc đưa thuế vào thay vì giảm giá.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc giá xăng có thể giảm 2.000 đ/lít nhưng vì sao chỉ giảm 500 đ/lít? Ông Hải lý giải, có hai vấn đề: Thứ nhất, Nhà nước phải đưa thuế nhập khẩu xăng dầu vào để lấy nguồn bù lỗ cho các doanh nghiệp khi giá dầu thế giới tăng trong khi giá trong nước những tháng đầu năm 2008 không tăng. Thứ hai, trước đây các chuyên gia dự báo, giá dầu quý 4 có thể sẽ tăng lên tới 200 USD/thùng nên chúng ta đã tiến hành nhập nhằm tăng lượng dự trữ tồn kho để đề phòng đứt nguồn cung cấp trong tương lai. Giá dầu tại thời điểm nhập lúc đó so với giá dầu hiện tại là lỗ, vì vậy, Nhà nước phải tính bù lỗ cho lượng hàng tồn kho này của doanh nghiệp. Khi giải quyết hết phần hàng tồn kho này thì mới có thể tính tới việc giảm giá… Ông Hải giả định, nếu thời điểm hiện tại giá dầu nhập ở mức 80 USD/thùng và doanh nghiệp không phải trích trả số tiền bù lỗ mà Nhà nước đã ứng trước đây thì các doanh nghiệp có thể giảm thêm 1.500 - 2.000 đồng/lít xăng so với giá hiện tại.
Cùng với ý kiến của ông Hải, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp phải tính toán việc Bộ Tài chính quy định doanh nghiệp phải trích nguồn để trả bù lỗ là bao nhiêu và trong thời gian bao lâu, ngắn hay dài; rồi xem xét mức thuế có nâng lên hay không thì mới có thể quyết định có giảm giá xăng…
Có thực là lỗ?
Bà Nguyễn Thanh Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính thừa nhận, việc giá dầu trên thế giới giảm mạnh và các doanh nghiệp đang chịu áp lực vì chưa thể giảm giá xăng. “Nếu để các doanh nghiệp lãi ở mức 1.500 đồng/lít (không tính giá biến động của xăng dầu trong các tháng từ nay đến cuối năm) thì các doanh nghiệp kinh doanh phải mất tới 6 tháng mới có thể bù được số lỗ trên 3.000 tỉ đồng mà Nhà nước đã cấp cho họ để lấy vốn kinh doanh tính từ ngày 21/7/2008 trở về trước. Nếu để họ có lãi nhiều thì họ càng trả nhanh cho Nhà nước, còn không, thì phải kéo dài đến hết năm 2009, các doanh nghiệp mới trả hết số tiền trên” - bà Hương cho biết.
Việc tăng hay giảm giá phần nhiều dựa vào yếu tố giá nhập. Vì vậy, theo nhận định của Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học - Thị trường - Giá cả, Bộ Tài chính, nếu công khai được giá nhập về mới có thể tính được mức giá bán thế nào là hợp lý. “Cái khó là không biết rõ giá mà các doanh nghiệp nhập về, doanh nghiệp hiện không công khai nên việc đòi hỏi doanh nghiệp giảm giá cũng khó…” - ông Ánh nói.
Theo ông Ánh, nếu tính giá nhập ở mức 100 USD/thùng thì sau khi cộng các chi phí sẽ ra giá khoảng 16.000 đồng đến 17.000 đồng/lít tùy từng doanh nghiệp trong khi giá bán hiện tại là 17.500 đồng/lít. Với cách tính này, khi giá xuống dưới 80 USD/thùng như hiện nay thì giá xăng chắc cũng phải hạ thấp xuống nữa chứ không phải như bây giờ.
Ông Ánh cho rằng, việc các doanh nghiệp không giảm giá ngay, lỗi một phần là do chưa có cơ chế rõ ràng. Khi giao quyền cho doanh nghiệp xác định giá, chúng ta mới chú trọng việc tăng giá như thế nào chứ không có quy định ngược lại. Nay, nếu buộc doanh nghiệp phải giảm giá thì không có cơ chế. Ông Ánh đề xuất, các cơ quan chức năng của Nhà nước phải giám sát chặt chẽ số lỗ, lãi của các doanh nghiệp thì mới có cơ sở rõ ràng để kết luận việc giảm, tăng giá bao nhiêu là hợp lý. “Không có chuyện doanh nghiệp kêu lỗ thì được “bù lỗ” và chúng ta không biết vì sao lỗ, lỗ bao nhiêu, cần bù lỗ trong thời gian bao lâu…” - ông Ánh cảnh báo./.
Liên quan về quản lý, điều hành giá xăng dầu hiện nay, trao đổi với báo chí, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (cũ) cho rằng, cần minh bạch chi phí nhập khẩu xăng dầu, cơ chế bù lỗ của doanh nghiệp (DN) để người dân được rõ. Thưa ông, vì sao khi giá xăng dầu thế giới tăng thì giá trong nước cũng tăng cao, tăng một lúc tới 4.500đ/lít, nhưng khi giảm lại chỉ giảm nhỏ giọt? Lý do là DN vẫn phải bù lỗ cho lượng tồn kho nhập lúc giá cao. Người tiêu dùng thắc mắc là đúng và vì vậy phải nói rõ cho người dân hiểu. Thực tế, đợt tăng lên 4.500đ/l trước đó vẫn chưa tương xứng với giá thị trường thế giới và vẫn bị lỗ. Khi lên đến 147 USD/thùng là nói theo giá dầu thô. Nhưng thực tế giá dầu thô và giá xăng dầu thành phẩm lại cách nhau. Khi giá dầu thô tăng thì khoảng cách này rất lớn, bây giờ thì hẹp lại. Mới đây, Bộ Tài chính cho phép DN trích ra 1.000 đ/lít lợi nhuận để hạch toán bù lỗ. Vấn đề đặt ra là kiểm tra tài khoản này chặt chẽ và minh bạch. Nếu vẫn lãi trên cả mức này thì DN phải tự động hạ. Vừa rồi, chính cơ quan chức năng đề nghị hạ xuống và có cơ chế rõ ràng bảo đảm cho DN lãi 1.000đ/lít để bù lỗ. Khi giảm giá thì không cần phải xin, tự động giảm. Nhưng Bộ Tài chính vẫn bắt DN khi giảm phải thông báo trước 3 ngày. Tăng giá phải xin để thẩm định xem có tăng đúng không. Còn nếu giảm mà cơ quan thấy chưa đủ mức thì kiểm tra. Các DN đồng loạt chỉ giảm 500 đ/lít, liệu có sự móc nối ở đây? Không phải. Bởi các DN kia đều đang bị lỗ trước mà Nhà nước không bù cho họ. Nhà nước không bù thì buộc họ phải tự bù và Nhà nước cũng cho DN lấy lãi để bù lỗ trước. Quan trọng là Nhà nước phải kiểm soát được mức bù này. Phải có cơ chế thế nào để giá xuống thì người tiêu dùng cũng được hưởng lợi. Nhiều khi các bộ, ngành không bám chặt cái này, phải có hướng dẫn rõ ràng. Hiện nay, Bộ Tài chính đang có ý định tăng thuế nhập khẩu xăng dầu. Ông đánh giá sao về việc này? Trước sau thì cũng phải tăng thuế. Nói chung, nước nào cũng phải thu thuế xăng dầu. Quan trọng là thời điểm nào. Theo tôi, thời điểm này chưa nên. Giả sử sau này giá dầu giảm tiếp thì tăng thuế, hay khi DN đủ bù lỗ rồi thì lấy 1.000đ/l đó thông qua thuế. Nếu tăng thuế, lại phải tính toán sao cho hài hòa, hợp lý với việc giảm giá. Quan trọng là phải giải thích rõ cho người dân để họ khỏi thắc mắc. Tăng thuế lên thì rất khó giảm giá. Cả nước mới chỉ có 11 DN nhập khẩu xăng dầu, như vậy có đảm bảo được tính cạnh tranh và theo cơ chế thị trường? Thực ra, đối với nước ta có 11 DN nhập khẩu đầu mối là nhiều. Nhìn rộng ra các nước cũng như vậy nhưng họ vẫn đảm bảo được tính cạnh tranh. Ngay cả Malaysia, Thái Lan cũng không có nhiều hãng, họ hơn mình ở chỗ là có hãng nước ngoài. Từ thực tế này, vấn đề đặt ra là cơ chế quản lý, điều hành như thế nào. Chúng ta bắt đầu bỏ bù lỗ, cần có lộ trình thời gian để điều chỉnh lỗ thì sẽ đạt được tính cạnh tranh. Nhưng rõ ràng người dân cần một sự sòng phẳng và minh bạch về giá nhập khẩu xăng dầu? Vấn đề này Bộ Tài chính phải kiểm tra từng DN, công bố cho nhân dân biết. Khi hết một giai đoạn quá độ bù lỗ cũ và mức thuế tương đối ổn định lại thì sẽ vận hành bình thường. Bởi cái DN quan tâm nhất là bán được nhiều hàng thì sẽ có lợi. Nếu hạ được giá thì họ sẵn sàng hạ. Khi cơ chế vận hành bình thường thì giá sẽ tự động giảm. Quan trọng nhất là làm thế nào để dân biết rõ vì sao giá lại không giảm tương xứng, phải công bố công khai. Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán rồi thì phải công bố cho người dân biết, không người dân lại hiểu lầm. Một lít xăng nhập về là bao nhiêu, chi phí như thế nào. Việc gì mà anh chưa công bố? Xin cảm ơn ông! Thanh Trường thực hiện |