Vì sao nhiều dự án điện gió đang giậm chân tại chỗ?
VOV.VN - Tiến độ nhiều dự án điện gió còn chậm một phần nguyên nhân là do chính sách hỗ trợ giá bán điện gió chưa phù hợp.
Phát triển năng lượng sạch là xu hướng hiện nay của thế giới. Tuy nhiên, ở nước ta, nhiều dự án điện gió vẫn còn giậm chân tại chỗ do nhiều nguyên nhân. Trong đó, theo các nhà đầu tư và chuyên gia, chính sách hỗ trợ giá bán điện gió chưa phù hợp vẫn là nguyên nhân chủ yếu.
Dự án điện gió Thuận Nhiên Phong dự kiến hoàn thành trong năm 2016.
Dự án điện gió Thuận Nhiên Phong của Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Châu Á đặt tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình có tổng công suất lắp đặt 60MW với 30 trụ điện gió. Dự án này được khởi công từ năm 2011, nhưng phải ngừng triển khai một thời gian vì chưa thu xếp được nguồn vốn. Hiện nay, mặc dù vẫn còn khó khăn, nhưng dự án đã được thi công trở lại và dự kiến hoàn thành trong năm 2016.
Ông Lê Khắc Thi, Giám đốc Công ty Cổ phần năng lượng tái tạo châu Á chủ dự án Thuận Nhiên Phong cho biết, đến thời điểm này, công ty đã hoàn thành 1 đường dây 110kV nối lưới dài 20 km cùng 1 trạm biến áp 80MVA và gần 10 móng tuabin điện gió.
Cùng với dự án điện gió Thuận Nhiên Phong, dự án điện gió Phú Lạc ở huyện Tuy Phong do Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình đầu tư có tổng kinh phí gần 1.100 tỷ đồng, trong đó 85% là vốn vay từ Chính phủ Đức do Ngân hàng Tái Thiết Đức tài trợ cũng đang được triển khai.
Dự án điện gió Phú Lạc (huyện Tuy Phong) đang được thi công, dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2016 |
Mặc dù chưa đưa vào hoạt động, chưa có doanh thu từ bán điện gió, nhưng chủ đầu tư đã phải trả nợ gốc và lãi theo hợp đồng vay lại ký với Bộ Tài chính.
Theo lãnh đạo Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình, với giá điện gió 7,8 cent Mỹ/kWh như hiện nay, cho dù đi vào hoạt động, dự án cũng sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong việc trả nợ. Làm thế nào để duy trình hoạt động là bài toán không hề đơn giản.
Ông Roland Ries, chuyên gia phát triển điện gió của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức cho rằng, đầu tư vào lĩnh vực này khá tốn kém, sau rất nhiều năm mới có lãi. Do vậy, để các dự án điện gió ở Việt Nam phát triển, ngoài các chính sách ưu đãi khác, thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là giá hỗ trợ mua điện gió từ Chính phủ.
“Các nước phát triển ngành năng lượng tái tạo trên thế giới đều gặp phải vấn đề này. Bài học có thể thấy từ Đức hay ngay ở Hàn Quốc. Dự án được hỗ trợ về giá không phải là duy nhất, tuy nhiên cũng phải đủ để giúp cho dự án có tính khả thi về kinh tế”, ông Roland Ries cho biết.
3 trong số 12 trụ tuabin đang được lắp đặt tại Dự án Phú Lạc |
Theo Hiệp hội Điện gió tỉnh Bình Thuận, so với các nước đã có ngành điện gió phát triển thì ở Việt Nam, lĩnh vực đầu tư điện gió đang gặp nhiều khó khăn. Đó là chi phí đầu tư lớn, thiết bị phần lớn phải nhập khẩu, cơ sở hạ tầng còn yếu, thiết bị dự phòng và các chuyên gia có kinh nghiệm còn thiếu...
Giá mua điện gió hiện nay của Việt Nam là 7,8 cent Mỹ /kWh, thuộc diện thấp nhất thế giới. Do vậy, các nhà đầu tư điện gió đang gặp rất nhiều khó khăn về vay vốn và trả nợ. Hiệp hội Điện gió Bình Thuận đã có những kiến nghị những chính sách phù hợp cho ngành điện gió phát triển nhưng đến nay vẫn chưa được các ngành các cấp điều chỉnh.
Mới đây, Hiệp hội Điện gió tỉnh Bình Thuận tiếp tục kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành, cùng với lộ trình tăng giá điện tiêu dùng, cần có lộ trình tăng giá mua điện gió từ mức 7,8 cent/kWh lên mức 10 cent/kWh vào năm 2016 và 12 cent/kWh sau năm 2020.
Ông Bùi Văn Thịnh, Giám đốc Công ty cổ phẩn Phong điện Thuận Bình, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió tỉnh Bình Thuận cho rằng, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng phát triển điện gió. Mặc dù với mức giá hiện nay chưa thực sự phù hợp, song sắp tới khi Chính phủ có điều chỉnh thì hoàn toàn có thể phát triển dự án ở vùng có tiềm năng lớn như Ninh Thuận và Bình Thuận.
Với 18 dự án điện gió đăng ký đầu tư, Bình Thuận hiện là nơi tập trung phần lớn các dự án điện gió của cả nước. Tính đến thời điểm này, mới có dự án phong điện 1 Tuy Phong và dự án đảo Phú Quý đi vào hoạt động, nhiều dự án khác chưa triển khai. Riêng 2 dự án Phú Lạc và Thuận Nhiên Phong, nhờ kiên trì, bám trụ, tranh thủ được một số nguồn vốn, đang có chuyển động tích cực.
Việt Nam là nước rất nhiều tiềm năng về điện gió ở Đông Nam Á và phát triển năng lượng sạch hiện nay đang là xu thế toàn cầu. Các nhà đầu tư hy vọng Chính phủ mới sẽ có những điều chỉnh phù hợp để thúc đẩy ngành điện gió Việt Nam phát triển./.