Vì sao phải sửa Luật Cạnh tranh?
VOV.VN - Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu, rộng với nền kinh tế thế giới, một số nội dung của Luật Cạnh tranh không còn phù hợp…
Luật Cạnh tranh còn cứng nhắc
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, nhiều hành vi phản cạnh tranh mới, đa dạng chưa được điều chỉnh và dự liệu trong Luật Cạnh tranh hiện hành. Các hành vi hạn chế cạnh tranh mang tính chất tận thu, hoặc đóng cửa thị trường, loại bỏ đối thủ cạnh tranh được thực hiện dưới nhiều hình thức mới với mức độ tinh vi, phức tạp ngày càng cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực dịch vụ và môi trường công nghệ, môi trường số.
Luật Cạnh tranh còn mang tính mô tả, cứng nhắc chưa nhằm vào bản chất phản cạnh tranh của hành vi |
Trong khi đó, các quy định hiện hành của Luật Cạnh tranh còn mang tính mô tả, cứng nhắc chưa nhằm vào bản chất phản cạnh tranh của hành vi mà chỉ nhắm đến hình thức biểu hiện bên ngoài của hành vi, không bắt kịp được các biến động thường xuyên, liên tục của thị trường.
Phát biểu tại Hội thảo "Lấy ý kiến doanh nghiệp Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi)" được tổ chức ngày 10/5, tại Hà Nội, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá: Luật Cạnh tranh được ban hành năm 2005 đã và đang bộc lộ rõ nhiều hạn chế, không còn phù hợp với bối cảnh mới. Trong đó, phải kể đến “điểm yếu” cơ bản như vấn đề xác định thế nào là một doanh nghiệp có vi phạm quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, từ hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền đến việc tập trung kinh tế phụ thuộc nhiều vào yếu tố thị phần của doanh nghiệp trên thị trường liên quan...
Bên cạnh đó, Luật Cạnh tranh hiện hành còn thiếu các quy định đảm bảo hiệu quả, hiệu lực trong việc giám sát, kiểm soát và xử lý các hành vi lạm dụng vị trí độc quyền, vị trí thống lĩnh và tập trung kinh tế của doanh nghiệp nhà nước.
Luật Cạnh tranh hiện hành có nhiều quy định chưa được điều chỉnh theo hướng tiếp cận với các thông lệ và kinh nghiệm chung trong pháp luật cạnh tranh thế giới. Chẳng hạn, trên các phương diện hợp tác thương mại và kinh tế quốc tế, các hành vi phản cạnh tranh mang tính chất xuyên biên giới. Các hành vi phản cạnh tranh có thể gây tác động, ảnh hưởng trên một số quốc gia, do đó, vấn đề cạnh tranh không chỉ còn là vấn đề trong nội bộ một quốc gia mà hiện nay đã trở thành vấn đề chung của nhiều quốc gia.
Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương cho rằng, các quy định của Luật Cạnh tranh chưa thực sự đi vào cuộc sống, chưa phát huy được sứ mệnh bảo vệ môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh làm tiền đề cho sự phát triển của kinh tế đất nước.
Một ví dụ cụ thể là, số vụ việc cạnh tranh được phát hiện, điều tra, xử lý còn hạn chế trong khi thực tế môi trường cạnh tranh tại Việt Nam tiềm ẩn nhiều hành vi có tác động tiêu cực tới thị trường, đặc biệt trong những ngành, lĩnh vực có quy mô lớn hoặc đóng vai trò thiết yếu trong nền kinh tế như lĩnh vực năng lượng, dược phẩm, phân phối, bán lẻ, vận tải, logistics, du lịch, các ngành ứng dụng công nghệ,…
Bên cạnh đó, quá trình điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế gặp nhiều khó khăn do các quy định của Luật còn cứng nhắc dẫn đến bỏ sót, bỏ lọt hành vi vi phạm, khó chứng minh hành vi vi phạm của doanh nghiệp, chưa có cơ chế và tiêu chí cụ thể để cơ quan cạnh tranh đánh giá tác động hạn chế cạnh tranh của hành vi, đặc biệt trong các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và tập trung kinh tế để từ đó ngăn ngừa và xử lý các hành vi vi phạm, bảo đảm và thúc đẩy cạnh tranh hiệu quả.
Phải bảo vệ môi trường cạnh tranh
Bộ Công Thương cho rằng, Luật Cạnh tranh (sửa đổi) phải hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường cạnh tranh/hoạt động cạnh tranh để giúp các doanh nghiệp có cơ hội bình đẳng để cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, phải đảm bảo tính công bằng, minh bạch, khách quan trong quá trình tố tụng. Để việc thi hành luật có hiệu quả, Kết hợp chặt chẽ giữa tư duy kinh tế và tư duy pháp lý trong đó nhấn mạnh mục tiêu tăng cường hiệu quả cho công tác thực thi luật.
Ông Đặng Văn Nghĩa, đại diện Trường Đại học Ngoại thương nhận định, Luật Cạnh tranh( sửa đổi) đã có sự tiến bộ rất lớn. Tuy nhiên, cần có các điều kiện miễn trừ trong những trường hợp có lý do chính đáng.
Ông Đậu Anh Tuấn, đại diện VCCI cũng cho rằng, có nhiều tình huống chưa xác định được cơ quan quản lý nhà nước sẽ quản lý bằng quy định hành chính hay bằng Luật Cạnh tranh và khó hơn nữa khi cơ quan quản lý là chủ thể của hành vi đó thì xử lý theo chế tài nào, doanh nghiệp bảo vệ mình bằng cách nào?
Ông Tuấn lấy ví dụ như câu chuyện về giá của một bát mỳ tôm ở sân bay là 160.000 đồng (đắt gấp cả chục lần giá trị thực – PV), cũng chỉ được nhìn nhận về vấn đề kiểm soát giá chứ không nghĩ đến việc chống độc quyền.
Trên thực tế, Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) đang được đóng góp ý kiến, dự trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới. Đây là cơ hội để sửa đổi luật phù hợp với cuộc sống, đồng thời thay đổi tư duy về cạnh tranh, hiểu và áp dụng một cách hiệu quả./.
Cục Thuế Hà Nội “bêu” tên 86 doanh nghiệp nợ thuế, phí