Vì sao Quảng Ninh giữ được an toàn sản xuất, tăng trưởng kinh tế?

VOV.VN - Giữ vững đà tăng của khu vực công nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo làm động lực chính của tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ninh.

Để đảm bảo an toàn cho trên 28.000 công nhân đang làm việc trong 5 khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn, tỉnh Quảng Ninh liên tục có những chỉ đạo, tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, trực tiếp bám sát tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Mỗi KCN đều thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, có kế hoạch, phương án ứng phó với các tình huống dịch bệnh phát sinh.

Hàng tuần, các doanh nghiệp thực hiện xét nghiệm ngẫu nhiên SARS-CoV-2 cho 20% số lao động và người tham gia cung ứng dịch vụ cho đơn vị. Cùng với đó là các biện pháp 5K, bố trí tấm chắn ngăn giọt bắn tại khu vực nhà ăn tập thể, thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch tại khu nhà trọ, xe đưa đón công nhân, yêu cầu công nhân không di chuyển ra tỉnh ngoài...

Chị Lưu Thị Huế, công nhân sản xuất sản phẩm may mặc xuất khẩu tại KCN Việt Hưng cho biết: “Chúng tôi là những người ngoài tỉnh về đây công tác và làm việc thì trong bối cảnh dịch bệnh cũng chung tay cùng chống dịch. Chúng tôi được tạo công ăn việc làm ổn định, phía Công đoàn quan tâm chu đáo nên chúng tôi cũng cảm thấy yên tâm”.

Tại Quảng Ninh, công nhân, người lao động, chuyên gia nước ngoài trong các khu công nghiệp cơ bản hoàn thành tiêm mũi 1 vaccine Covid-19 và đang tiếp tục được tiêm mũi 2, giúp người lao động an tâm, các doanh nghiệp có thể hoạt động liên tục, không bị đứt gãy chuỗi sản xuất.

Song song với công tác phòng chống dịch, Quảng Ninh cũng tăng cường và linh hoạt nhiều giải pháp xúc tiến đầu tư tại chỗ, tạo điều kiện về thủ tục, giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để các dự án sớm đi vào hoạt động; mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là các dự án trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng lớn.

“Chúng tôi được tiêm vaccine, cho đến nay 90% công nhân đã tiêm đủ 2 mũi. Đây là niềm vui rất lớn. Đến hiện tại, Quảng Ninh là địa phương giữ được môi trường an toàn, giúp công ty có thể sản xuất kinh doanh ổn định. Chúng tôi đã bắt đầu xuất khẩu được lô hàng đầu tiên từ thời điểm năm ngoái, đến nay vẫn duy trì như vậy và tiếp tục phát triển quy mô, gia tăng năng lực sản xuất” - ông Park Hyo Gyun, Chủ tịch Công ty Bumjin Electronic tại KCN Đông Mai khẳng định.

Từ đầu năm đến nay, nhiều nhà đầu tư đã quyết định tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư và mời gọi các đối tác vệ tinh tham gia đầu tư tại Quảng Ninh. Tổng vốn đầu tư vào các KCN, KKT đạt trên 22,4 nghìn tỷ đồng, trong đó có những dự án lớn như Dự án Công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam (Công ty Jinko Solar Hong Kong Limited) với số vốn 500 triệu USD.

Vượt lên tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, từ đầu năm đến nay chỉ số phát triển công nghiệp của Quảng Ninh tăng 6,72% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là điểm sáng khi tăng 34,7% cùng kỳ, là động lực tăng trưởng chính, bù đắp cho sự sụt giảm của khu vực dịch vụ, du lịch và các ngành than, điện không đạt kịch bản, giúp GRDP đạt mức tăng 8,02%.

Để giữ vững trụ cột sản xuất công nghiệp, tỉnh Quảng Ninh tập trung triển khai nhiều biện pháp, trong đó cấp thiết là đảm bảo lưu thông vận chuyển, cung ứng nguyên vật liệu từ các địa phương khác và hàng hóa xuất khẩu đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.

Ông Hoàng Quang Hải, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Hiện Quảng Ninh đang có 10 chốt kiểm soát phương tiện ra vào. Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải thì chúng tôi đã triển khai ngay phương án về "luồng xanh", đã cấp phép cho hơn 1.800 phương tiện vận tải hoạt động theo luồng xanh. Tất cả việc cấp luồng xanh là thực hiện trực tuyến, không cần phải mang hồ sơ đến mà chỉ cần gửi online. Về mặt giao thông hàng hóa, các chốt đều thông suốt”.

Từ nay đến cuối năm, Quảng Ninh sẽ đưa 9 dự án chế biến, chế tạo đi vào hoạt động và đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ bản, lắp đặt máy móc thiết bị của 7 dự án; tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi tăng tối đa sản lượng đối với các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo; đồng thời đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư phù hợp với các biện pháp phòng chống dịch. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh khẳng định, để tiếp tục giữ vững địa bàn an toàn thì các biện pháp phòng chống dịch càng phải triển khai quyết liệt hơn nữa.

Đặc biệt, với các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp luôn tiềm ẩn nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh, Quảng Ninh yêu cầu các ngành liên quan hoàn thiện mô hình công nhân lao động an toàn, nhà trọ an toàn, phân xưởng nhà máy an toàn, cụm công nghiệp, khu công nghiệp an toàn… Cùng với đó là đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine, hỗ trợ chăm lo bảo đảm đời sống cho công nhân, người lao động, ổn định và phát triển sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn kéo dài./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Gia Lai đạt tăng trưởng kinh tế tới 9,7%
Gia Lai đạt tăng trưởng kinh tế tới 9,7%

VOV.VN - Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng trong nửa đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế tại Gia Lai vẫn đạt 9,7%, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Gia Lai đạt tăng trưởng kinh tế tới 9,7%

Gia Lai đạt tăng trưởng kinh tế tới 9,7%

VOV.VN - Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng trong nửa đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế tại Gia Lai vẫn đạt 9,7%, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Thách thức lớn cho tăng trưởng kinh tế 2021 do dịch Covid-19 bùng phát
Thách thức lớn cho tăng trưởng kinh tế 2021 do dịch Covid-19 bùng phát

VOV.VN - Đợt dịch Covid-19 bùng phát ở TP.HCM và nhiều tỉnh phía Nam đang tàn phá “sức khỏe” doanh nghiệp và cản bước phục hồi của nền kinh tế. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% mà Chính phủ đặt ra trước đó chưa bao giờ khó khăn và đầy thách thức như lúc này.

Thách thức lớn cho tăng trưởng kinh tế 2021 do dịch Covid-19 bùng phát

Thách thức lớn cho tăng trưởng kinh tế 2021 do dịch Covid-19 bùng phát

VOV.VN - Đợt dịch Covid-19 bùng phát ở TP.HCM và nhiều tỉnh phía Nam đang tàn phá “sức khỏe” doanh nghiệp và cản bước phục hồi của nền kinh tế. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% mà Chính phủ đặt ra trước đó chưa bao giờ khó khăn và đầy thách thức như lúc này.

Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế cho 6 tháng cuối năm
Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế cho 6 tháng cuối năm

VOV.VN - Trong 6 tháng cuối năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng 2 kịch bản thực hiện mục tiêu tăng trưởng đã được Quốc hội và Chính phủ giao.

Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế cho 6 tháng cuối năm

Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế cho 6 tháng cuối năm

VOV.VN - Trong 6 tháng cuối năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng 2 kịch bản thực hiện mục tiêu tăng trưởng đã được Quốc hội và Chính phủ giao.