Vì sao Yên Bái thu ngân sách tăng gần 24% so với cùng kỳ?
VOV.VN - Nhờ triển khai quyết liệt các biện pháp, công tác thu ngân sách ở Yên Bái vẫn đạt được kết quả tích cực; trong 10 tháng thu đạt hơn 2.850 tỷ đồng, tăng 23,8% so cùng kỳ năm trước.
Năm nay, cũng như cả nước, tỉnh miền núi Yên Bái thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội và hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn. Nhờ triển khai quyết liệt các biện pháp, công tác thu ngân sách ở Yên Bái vẫn đạt được kết quả tích cực; trong 10 tháng thu đạt hơn 2.850 tỷ đồng, tăng 23,8% so cùng kỳ năm trước.
Bà Nguyễn Thị Trang Nhung, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Yên Bái cho biết, ngay từ những tháng đầu năm, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, ban hành nhiều kết luận, thông báo, văn bản triển khai quyết liệt các biện pháp thu ngân sách năm 2021. Ban Chỉ đạo nhà ở và thị trường bất động sản, các sở, ngành và các địa phương đã tập trung triển khai linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp với nhiều nỗ lực, quyết tâm cao nhằm đảm bảo hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách năm 2021.
Dù vẫn còn một số khoản thu còn khó khăn như: Thu tiền sử dụng đất; thu doanh nghiệp Trung ương... nhưng kết quả thu ngân sách tương đối tích cực. Trong 10 tháng đạt 2.852 tỷ đồng, tăng 23,8% so cùng kỳ năm trước. một số khoản thu đạt kết quả khá so với dự toán giao và tăng cao so với cùng kỳ như thu thuế Hải quan, thu cân đối…
“Để đạt được nhiệm vụ thu ngân sách đã đề ra với mục tiêu phấn đấu cao nhất thì nhiệm vụ còn lại của 2 tháng cuối năm, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tập trung cao độ, quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ giải pháp theo Chương trình hành động của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, phấn đấu hoàn thành mục tiêu thu ngân sách năm 2021 đạt trên 4.000 tỷ đồng trở lên”, bà Nhung cho hay.
Hiện tỉnh có 2 tổ công tác giúp các địa phương rà soát kỹ các khoản thu, nhất là các khoản thu còn khó khăn, trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch và các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện từng khoản thu, phân công nhiệm vụ cụ thể, chi tiết cho từng tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm thực hiện; đảm bảo hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thu ngân sách được giao. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch chi tiết tiến độ thu ngân sách theo từng tuần.
"Tỉnh tăng cường đôn đốc các tổ chức, cá nhân còn nợ tiền thuế khẩn trương hoàn thành nghĩa vụ với ngân sách nhà nước như tiền sử dụng đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản… Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng, kê khai thuế, hải quan để hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thu ngân sách. Rà soát các quỹ đất có tiềm năng, vị trí thuận lợi, thu hút nhà đầu tư để tham mưu cho tỉnh xem xét, bổ sung vào Đề án phát triển quỹ đất thu ngân sách", bà Nhung, cho biết thêm
Được biết, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, tỉnh Yên Bái đã tập trung thực hiện các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư công và giải ngân các dự án đầu tư xây dựng cơ bản nhằm tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách Nhà nước. Tỉnh luôn đồng hành, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để sớm phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, nhanh chóng các chính sách hỗ trợ về thuế.
Với sự tạo điều kiện của tỉnh, các đơn vị, doanh nghiệp ở Yên Bái đang vào giai đoạn nước rút sau nhiều tháng gặp khó khăn. Công ty Thủy điện Xuân Thiện Yên Bái là một ví dụ. Sau nhiều tháng hoạt động cầm chừng do thiếu nước, những ngày này hai nhà máy thủy điện của công ty đang tích nước để phục vụ nhu cầu phát điện cho những tháng mùa khô cuối năm.
Ông Ngô Văn Thành, Phó Giám đốc Nhà máy thủy điện Xuân Thiện Khao Mang cho biết, hiện hai nhà máy thủy điện đặt trên suối Nậm Kim của huyện Mù Cang Chải là Khao Mang và Khao Mang Thượng có 4 tổ máy với tổng công suất là 54MW. Sau gần 10 tháng, đến nay hai nhà máy sản xuất được trên 123 triệu kWh; đạt khoảng 70% kế hoạch; nộp ngân sách đạt gần 11,5 tỷ đồng. Hiện trên địa bàn đã có mưa, Công ty đang có kế hoạch tích nước và phát điện vào giờ cao điểm, đảm bảo kế hoạch sản xuất và doanh thu, nộp thuế cho nhà nước trong thời gian tới.
“Ngoài công tác vận hành chạy máy ra thời điểm dừng máy để tích nước thì Nhà máy xây dựng kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa máy móc để làm sao đến khi phát điện giờ cao điểm sẽ phát huy tối đa công suất cũng như sản lượng, đem về doanh thu cao nhất có thể”, ông Ngô Văn Thành thông tin.
Một trong các giải pháp khác của tỉnh Yên Bái trong thu ngân sách là triển khai quyết liệt các biện pháp chống thất thu như: Kiểm soát chặt chẽ tên hàng, trị giá, phân loại, xuất xứ... do doanh nghiệp khai báo; ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là các sản phẩm chế biến từ khoáng sản, lâm sản; đẩy mạnh hoạt động hậu kiểm sau thông quan hàng hóa. Rà soát các trường hợp phải gia hạn thuê đất, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện thủ tục gia hạn thuê đất. Đối với các quỹ đất cho thuê mới, tính toán xác định tiền thuê đất hợp lý, trên cơ sở tuân thủ các quy định hiện hành và phù hợp với mặt bằng giá và nhu cầu thực tế của thị trường.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ dự án để triển khai thực hiện. Nghiên cứu cắt giảm tối đa thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng; kịp thời kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết những khó khăn vướng mắc trong thời gian sớm nhất.
Tại các huyện phía Tây còn khó khăn của tỉnh, ông Nguyễn Ngọc Anh, Chi cục trưởng Chi cục Thuế Nghĩa Văn – Trạm Tấu cho biết: Qua 10 tháng, các huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ và Trạm Tấu thu ngân sách lần lượt bằng 68%, 71%, 87% dự toán tỉnh giao. Hai tháng cuối năm, các giải pháp thu ngân sách được đẩy mạnh ở mức cao nhất.
“Chúng tôi rà soát tất cả các nguồn thu trên cơ sở từng sắc thuế, theo địa bàn, từng lĩnh vực và phân công nhiệm vụ các đồng chí lãnh đạo phụ trách từng mảng, theo dõi phụ trách từng địa bàn để chỉ đạo, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, công ty...”, ông Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ.
Với sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, tỉnh Yên Bái vẫn là vùng xanh an toàn, đây cũng là điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước năm 2021./.