Việc cấm Uber, Grab ảnh hưởng không tốt tới hệ sinh thái khởi nghiệp
VOV.VN - Việc cấm taxi công nghệ Uber, Grab có thể sẽ ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp (startup) tại Việt Nam.
Theo ông Đỗ Hoài Nam, CEO kiêm đồng sáng lập UP-Co Working Space - không gian làm việc chung lớn nhất Việt Nam, việc cấm đoán Uber, Grab có thể sẽ tạo ra tiền lệ xấu cho các ứng dụng công nghệ khác xuất hiện tại Việt Nam.
Xe hợp đồng điện tử đang dần chiếm ưu thế bởi tiết kiệm chi phí (Ảnh minh họa: TechinAsia)
Chia sẻ tại buổi tọa đàm về quy hoạch giao thông đô thị trong kỷ nguyên số tại Hà Nội ngày 8/9, ông Đỗ Hoài Nam cho rằng, khi hạn chế hay cấm đoán Uber, Grab các đại gia công nghệ sẽ tỏ ra dè chừng với Việt Nam, và điều này có thể ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước.
Ông Nam cũng cho hay: Trong một lần nói chuyện, người sáng lập của Airbnb - ứng dụng đặt phòng trực tuyến lớn nhất hiện nay cho biết đã quyết định đầu tư vào thị trường Indonesia thay vì Việt Nam do đang chờ cách ứng xử của chính quyền với Uber và Grab.
Thực tế, cùng thời điểm Việt Nam khởi động chương trình quốc gia khởi nghiệp thì một chương trình tương tự cũng được bắt đầu tại Indonesia. Đến nay họ đã có 3 startup gọi vốn trên 1 tỷ USD, trong khi Việt Nam vẫn chưa có một startup nào gọi vốn được tới 100 triệu USD, ông Nam nêu thực tế.
Tại buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, khoa học công nghệ đang làm thay đổi mọi mặt cuộc sống. Việc xuất hiện loại hình xe hợp đồng điện tử, điển hình là Uber và Grab, đang đặt ra yêu cầu cơ quan chức năng phải có cơ chế quản lý mới về loại hình dịch vụ này.
Ông Thành cũng cho rằng, Uber/Grab là loại hình xe hợp đồng điện tử, không thuộc các loại hình taxi theo quy định của Luật Giao thông đường bộ hiện nay.
Vị tiến sĩ này lưu ý: Bản chất Uber và Grab không phải là taxi dù và ngày càng thay thế chức năng của xe taxi tại các đô thị. Thông qua phần mềm công nghệ, trước khi bước lên xe, khách hàng đã biết lộ trình và phí phải trả và khi đó hợp đồng cũng đã được ký kết xong.
Đánh giá dưới góc độ kinh tế, TS. Nguyễn Đức Thành nhìn nhận bản chất của các ứng dụng gọi xe công nghệ là đưa chi phí giao dịch giảm đi rất nhanh.
Nguồn gốc của sự phát triển đến từ việc tối ưu hóa chi phí chứ không phải bán phá giá hay nhận trợ giá. Nhờ giao dịch tốt hơn nên việc vận chuyển hiệu quả hơn, cùng phương tiện nhưng chở được nhiều người hơn – đó cũng là bản chất mà nhiều doanh nghiệp đang hướng tới, làm cách nào để tận dụng hiệu quả nguồn lực, Viện trưởng VEPR khẳng định./.
Kiểm tra, kiểm soát thuế của taxi Uber thế nào?
TS. Nguyễn Đức Thành: “Uber, Grab không phải là loại hình taxi“