Việt Nam ảnh hưởng thế nào từ việc FED tăng lãi suất?
VOV.VN - Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam ít bị ảnh hưởng bởi quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Ít tác động tới dòng vốn ra-vào Việt Nam
Việc FED tăng lãi suất sẽ tác động đến thị trường tài chính toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Tuy vậy, hiện tại tình hình tỷ giá, lãi suất và dòng vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam vẫn chưa có biến động đáng kể.
Tỷ giá VND/USD ít chịu tác động bởi quyết định nâng lãi suất của FED lần này. (Ảnh minh họa: KT) |
Trao đổi với VTV, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia - cho rằng, về cơ bản, việc FED tăng lãi suất USD sẽ không có tác động nhiều đối với dòng vốn đầu tư ra-vào Việt Nam bởi mức tăng lãi suất đợt này không nhiều.
TS. Lực phân tích: FED dự kiến tăng lãi suất 3 lần trong năm nay. Điều này sẽ kiến mặt bằng lãi suất, đặc biệt là lãi suất USD tăng lên khoảng gần 1% trong năm 2018, và điều này cũng sẽ tạo áp lực về tăng lãi suất đối với Việt Nam.
TS. Cấn Văn Lực |
Còn theo ông Nguyễn Việt Đức, Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán MB, mức lãi suất của FED chỉ gây ảnh hưởng lớn đến thị trường khi nó ở mức từ khoảng 3,5 - 4%. Và hiện nay, ngay cả khi FED có tăng lãi suất đến 4 lần thì Việt Nam vẫn còn cách xa so với mức 3,5 - 4% đó.
Thậm chí với một kịch bản xấu là FED đẩy nhanh lộ trình về lãi suất thì thị trường cũng chỉ có những đợt điều chỉnh nhỏ, ông Đức nêu quan điểm.
Chuyên gia Nguyễn Việt Đức |
Tỷ giá khá bình lặng
Các chuyên gia cho rằng, với nguồn cung ngoại tệ dồi dào, lại thêm cơ chế điều hành tỷ giá vô cùng linh hoạt của ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng như khả năng can thiệp tốt hơn nhờ nguồn dự trữ ngoại hối lớn, tỷ giá trong nước vẫn tiếp tục được duy trì ổn định trước các lần tăng lãi suất của FED.
Hiện tại, diễn biến tỷ giá trong nước lại khá bình lặng. Tỷ giá trung tâm sau khi giảm 7 đồng trong phiên hôm qua (22/3) đã được NHNN tăng trở lại 3 đồng lên 22.455 đồng/USD trong sáng nay (23/3).
Dù một số ngân hàng thương mại đã nâng tỷ giá thêm 10-15 đồng ngày hôm nay, các chuyên gia cho rằng, tỷ giá cả năm 2018 vẫn có nhiều yếu tố hỗ trợ để bình ổn.
Lý giải về việc tỷ giá không có biến động mạnh sau khi FED tăng lãi suất, trao đổi trên Thời báo Ngân hàng, TS. Trần Du Lịch cho rằng, đó là do kế hoạch tăng lãi suất của FED đã được đưa ra từ trước và NHNN cũng đã có các kịch bản trong điều hành.
Theo đó, với việc đồng USD tăng giá mạnh trước thời điểm FED tăng lãi suất do kỳ vọng cơ quan này sẽ phát tín hiệu tăng lãi suất nhanh hơn trong năm 2018, NHNN cũng liên tục tăng tỷ giá trung tâm, như tăng 10 đồng vào ngày 19/3 và tăng 9 đồng vào ngày 21/3.
Nhờ được chuẩn bị từ sớm nên diễn biến thị trường ngoại hối và tỷ giá trong nước chỉ biến động khá nhẹ cho dù đồng USD liên tục biến động mạnh trước và sau cuộc họp của FED, TS. Trần Du Lịch nhận định.
Chia sẻ trên CafeF, PGS. TS. Tô Trung Thành (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cũng cho rằng, NHNN hoàn toàn có đủ khả năng để bình ổn tỷ giá trong năm nay với lượng dự trữ ngoại hội lớn. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, quỹ dự trữ ngoại hối này, tính ra cũng mới chỉ tương đương với 3 tháng nhập khẩu.
PGS. TS. Tô Trung Thành lưu ý, muốn ổn định tỷ giá có thể sẽ phải đánh đổi một số điều. Theo giải thích của chuyên gia này, nếu ổn định tỷ giá thì đồng Việt Nam có thể sẽ được định giá cao hơn, ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Hoặc, có thể dẫn tới xu hướng doanh nghiệp thay vì mua nguyên liệu đầu vào từ nội địa để sản xuất thì sẽ nhập khẩu từ nước ngoài.
Đánh đổi thì tỷ giá ổn định chắc chắn sẽ đem đến nhiều điểm lợi, trước hết là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, sau nữa là giảm sức ép về nợ, ông Thành phân tích.
Tỷ giá trung tâm được xác định trên cơ sở diễn biến của 3 yếu tố chính:
Thứ nhất là, diễn biến tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng ngày hôm trước.
Thứ hai là, diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của 8 đồng tiền của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư lớn với Việt Nam (gồm USD, EUR, CNY, Bath, JPY, SGD, KRW, TWD).
Thứ ba là, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ./.