Việt Nam đối phó hai vụ kiện phá giá từ Hoa Kỳ

Trong đó, sản phẩm mắc áo bằng thép bị kiện “kép” đồng thời cả biện pháp chống bán phá giá và biện pháp chống trợ cấp

Theo đó, ngày 29/12/2011, Văn phòng luật sư VORYS đại diện cho các nhà sản xuất nội địa của Hoa kỳ đã chính thức nộp Đơn yêu cầu điều tra chống bán phá giá (AD) và chống trợ cấp (CVD) đối với mặt hàng mắc áo bằng thép nhập khẩu từ Việt Nam lên đồng thời Bộ Thương mại và Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ. Đây là vụ việc thứ 3 hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị kiện “kép” đồng thời cả biện pháp chống bán phá giá và biện pháp chống trợ cấp, sau túi nhựa và ống thép.

Trong đó, mắc áo bằng thép bị bên kiện cho là phá giá từ 83% đến 160%.

Việc mắc áo bằng thép bị kiện phá giá đã được cảnh báo trước. Giữa năm 2010, sản phẩm này bị kiện về lẩn tránh thuế. Bên kiện cho rằng doanh nghiệp Trung Quốc đang bị áp thuế chống bán phá giá nên đã chuyển đầu tư sang Việt Nam để gia công mắc áo, lấy xuất xứ Việt Nam, tránh thuế chống bán phá giá. Cuối tháng 10/2011, Bộ Thương mại Hoa Kỳ điều tra xong, khẳng định có hiện tượng lẩn tránh thuế.

Cùng ngày 29/12/2011, Cục Quản lý cạnh tranh cũng đã nhận được thông báo về việc một số công ty sản xuất tháp gió tại Hoa Kỳ đã nộp đơn khởi kiện điều tra áp thuế chống bán phá giá (AD) đối với sản phẩm tháp gió sử dụng sản xuất điện từ nguồn năng lượng gió nhập khẩu từ Việt Nam.

Tuabin điện gió được dùng để chuyển năng lượng gió thành điện. Bên kiện đã sử dụng các số liệu chi phí sản xuất ở Ấn Độ và cho rằng tuabin điện gió do Việt Nam sản xuất đã bán phá giá với biên độ gần 60%.

Theo quy định pháp luật của Hoa Kỳ, sau khi tiếp nhận đơn kiện, Bộ Thương mại sẽ có khoảng thời gian là 20 ngày kể từ ngày nhận đơn kiện để xem xét, đánh giá tính đầy đủ và chính xác của đơn kiện trước khi ra quyết định chính thức./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên