Việt Nam hy vọng Mỹ rà soát lại việc điều tra áp thuế chống trợ cấp và chống bán phá giá trước khi quyết định, để không làm phương hại các thành viên trong WTO.
>> Nếu bị áp thuế, cá tra Việt Nam sẽ ở mức giá 8 USD/kg
Phát biểu tại phiên họp rà soát chính sách thương mại của Mỹ được tổ chức tại trụ sở của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ở thành phố Geneve, Thụy Sỹ trong hai ngày 29/9 và 1/10, đại diện Việt Nam đã kêu gọi Mỹ giảm thiểu các rào cản thương mại và có vai trò tích cực hơn trong hệ thống thương mại đa phương.
![]() |
Mỹ quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với cá tra, ba sa của Việt Nam Nam khiến người tiêu dùng và các doanh nghiệp hai bên đều thiệt hại |
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Việt Nam đã đánh giá tích cực hợp tác thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ trong 15 năm qua, thể hiện qua thương mại hai chiều giữa hai nước đạt 15 tỷ USD năm 2009, tăng 15 lần so với năm 2001 khi chưa ký Hiệp định thương mại song phương.
Mỹ trở thành nhà nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam những năm gần đây. Năm 2009, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ trị giá hơn 11 tỷ USD, chiếm 1/5 tổng giá trị xuất khẩu. Trong 5 tháng đầu năm 2010, thương mại hai chiều đạt hơn 7 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu trên 6 tỷ.
Đáng chú ý là Mỹ trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam năm 2009, với tổng vốn đăng ký lên tới 9,8 tỷ USD.
Hiệp định khung thương mại, đầu tư Việt Nam-Mỹ ký năm 2007 đã giúp giải quyết nhiều khó khăn và đóng góp vào mở rộng quan hệ đầu tư, thương mại giữa 2 nước. Mỹ là đối tác quan trọng của Việt Nam trong đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương. Sự linh hoạt của Mỹ đã giúp Việt Nam tham gia hiệu quả hơn trong hiệp định này.
Việt Nam cũng nhấn mạnh quan ngại về những rào cản thương mại Mỹ đặt ra trong hai năm qua mà Ban thư ký Tổ chức Thương mại thế giới đã báo cáo. Trong đó có vụ áp thuế chống bán phá giá đối với tôm nước ấm đông lạnh, túi nhựa PE, và cá da trơn của Việt Nam đã gây nhiều thiệt hại cho các doanh nghiệp./.