Việt Nam - Lào - Campuchia cần hợp tác giải quyết "đôla hóa"

Theo một cuốn sách mới được phát hành của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tỷ lệ sử dụng ngoại tệ trong lưu thông ở Việt Nam là khoảng 20%, ở Lào khoảng 50% và ở Campuchia là hơn 90%.

Cuốn sách "Đối phó với nhiều loại tiền tệ trong những nền kinh tế chuyển đổi: Cơ hội hợp tác của Campuchia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Việt Nam" chỉ rõ việc đồng USD là lựa chọn số một, trên thực tế đó là hiện tượng “đôla hóa”, sẽ có cả mặt lợi và mặt hại.

Về mặt lợi, đôla hóa có thể đặt ra những quy tắc cho các chính phủ khi các nước này không dễ dàng cân đối thâm hụt ngân sách bằng cách in thêm tiền hay bằng cách đề ra các loại thuế mới.

Nếu việc đôla hóa dẫn tới một tỷ giá hối đoái cố định, giá cả cũng ít biến động. Tuy nhiên, việc sử dụng nhiều đồng tiền có thể dẫn tới việc các cơ quan quản lý kinh tế mất khả năng kiểm soát các chính sách tiền tệ và tỷ giá hối đoái. Việc này đồng thời làm giảm quyền lực của các ngân hàng trung ương với tư cách là người cho vay cuối cùng do ngân hàng chỉ in được một loại tiền trong khi đó người dân lại muốn giữ nhiều đồng tiền khác nhau.

Nội dung cuốn sách nêu rõ việc hợp tác chặt chẽ hơn về tiền tệ và tài chính sẽ giúp Campuchia, Lào và Việt Nam giải quyết một cách hiệu quả những thách thức đặt ra từ việc sử dụng nhiều loại tiền tệ trong nền kinh tế của nước mình.

Nhiều cuộc đối thoại khu vực về những vấn đề này cũng có thể giúp ba nước này cải thiện tính hiệu quả của các chính sách tiền tệ và chính sách tỷ giá hối đoái đồng thời thu được nhiều lợi ích hơn từ việc tăng cường sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau.

Giovanni Capannelli - nhà kinh tế hàng đầu của Văn phòng Hợp nhất Kinh tế Khu vực (OREI) thuộc ADB đồng thời là một trong những tác giả của cuốn sách cho biết: “Việc chia sẻ thông tin và kinh nghiệm sẽ giúp các cơ quan quản lý tiền tệ của Campuchia, Lào và Việt Nam tìm ra một giải pháp cho vấn đề đôla hóa. Ba nước này cần chú trọng tới những mức độ khác nhau của vấn đề đôla hóa ở các nền kinh tế nước mình đồng thời nỗ lực tăng cường hợp tác khu vực, giữa ba nước với nhau và với các thành viên còn lại trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á.”

Cuốn sách viết rằng những đề xuất trong tương lai cho một khuôn khổ tiền tệ hoặc tỷ giá hối đoái chung giữa ba nước cần chú trọng tới các đồng tiền được sử dụng trong nền kinh tế nước mình./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên