Việt Nam nên chọn ngành kinh tế thử nghiệm cải thiện năng suất
VOV.VN -Giáo sư Vũ Minh Khương, Viện Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore đưa ra lời khuyên này.
Hôm nay, tại Hà Nội, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam tổ chức hội thảo với chủ đề “Năng suất lao động của Việt Nam: Xu hướng, nhân tố ảnh hưởng và kinh nghiệm quốc tế”.
Những năm qua, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chủ yếu dựa vào nguồn vốn và lao động. Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổ chức năng suất lao động Châu Á, năng suất các nhân tố tổng hợp của Việt Nam so với các nước trong khu vực rất thấp.
Ở cấp độ nền kinh tế, Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc về tăng trưởng năng suất lao động giai đoạn 2000-2012, nhưng lại đứng dưới hầu hết các nước trong khu vực về mức năng suất lao động trong năm 2012. Về năng suất lao động theo ngành, Việt Nam thấp hơn hầu hết các nước về tốc độ tăng trưởng năng suất lao động trong các ngành sản xuất, chế tạo, dịch vụ và xây dựng.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung chia sẻ, nhận diện tình hình năng suất lao động Việt Nam, những thách thức, khuyến nghị và kinh nghiệm quốc tế. Theo các đại biểu, những nhân tố ảnh hưởng tới năng suất lao động là chất lượng lao động, vốn, khả năng tổ chức, quản lý và đổi mới…
Ông Nguyễn Bá Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động- Thương binh và xã hội) cho rằng, Việt Nam đang có nhiều điểm nghẽn về thể chế, cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực: Trong chất lượng lao động của nước ta có một vấn đề rất lớn, vênh rất lớn giữa đào tạo và sử dụng. Khá nhiều ngành nghề thừa kỹ năng (ví dụ công việc đó chỉ cần đào tạo sơ cấp nhưng thậm chí có bằng đại học). Ngược lại thiếu kỹ năng thì trầm trọng hơn, 37% các vị trí đang làm trong nền kinh tế thiếu kỹ năng”.
Để nâng cao năng suất lao động của Việt Nam, cần tăng cường vốn, nâng cao năng suất người lao động, cải thiện hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt là năng suất các nhân tố tổng hợp.
Theo Giáo sư Vũ Minh Khương, Viện Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, Việt Nam nên chọn 1 đến 3 ngành kinh tế và 1 đến 3 thành phố để thử nghiệm các chương trình cải thiện năng suất. Bên cạnh đó, nên thành lập Hội đồng Năng suất quốc gia Việt Nam, trong đó đại diện Chính phủ khoảng 1/3, đại diện giới doanh nghiệp, khu vực công đoàn, người lao động gắn kết và chịu trách nhiệm đặt ra chiến lược mới..../.