Việt Nam trở thành nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới

6 tháng qua, xuất khẩu cà phê của nước ta đã cao hơn 13,6% so với của Brazil. Honduras cũng bất ngờ vượt qua các đối thủ Indonesia, Colombia, Ấn Độ để vươn lên vị trí thứ ba thế giới.

Theo báo cáo thống kê tháng 6 năm 2012 của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 6 lên tới 9.580.000 bao, tăng 5,2% so với 9.110.000 bao xuất khẩu trong tháng sáu năm 2011. (bao=60kg)

Riêng xuất khẩu toàn cầu trong 9 tháng đầu niên vụ cà phê 2011/12 (tháng 10/2011 đến tháng 6/2012) đã giảm 0,3% xuống  81.160.000 bao so với 81.410.000 bao trong cùng thời kỳ của niên vụ cà phê 2010/2011.

ICO còn cho biết, xuất khẩu trong tháng 6 năm 2012 của Việt Nam đạt 2.075.000 bao, giảm 625.000 bao, tương đương giảm 23,15% so với tháng trước, nhưng vẫn tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu thế giới tháng thứ 5 liên tiếp về xuất khẩu cà phê.

Tính chung 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu 14.325.000 bao, chiếm vị trí dẫn đầu thế giới trong xuất khẩu cà phê của các nước sản xuất, nhiều hơn 13,63% so với quốc gia xuất khẩu chiếm vị trí thứ hai là Brazil đạt 12.606.000 bao.

Theo báo cáo thống kê của ngành Hải Quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 6 đạt 140.917 tấn với giá trị kim ngạch 303,51 triệu USD, nâng số lượng xuất khẩu 6 tháng đầu năm lên 1.048.119 tấn với giá trị kim ngạch 2,2 tỷ USD. Giá bình quân xuất khẩu trong tháng đạt 2.154 USD/tấn, tăng 2,57 % so với giá bình quân tháng trước.

Ngành Nông nghiệp dự kiến xuất khẩu tháng 7 ước đạt 160 ngàn tấn, với giá trị kim ngạch đạt 336 triệu USD. Ước lượng cà phê xuất khẩu 7 tháng đạt 1,2 triệu tấn, kim ngạch 2,5 tỷ USD, so cùng kỳ năm trước tăng cả về lượng (31,6%) lẫn về giá trị (25,4%).

Tuy nhiên, cần đáng bàn là lượng cà phê Robusta (cà phê vối) vẫn chiếm tỷ trọng lớn, nên giá trị thu về rất thấp; còn lượng cà phê Arabica (cà phê chè) có giá trị cao nhưng xuất khẩu vẫn khiêm tốn.

Trong khi đó, khoảng cách chênh lệch giá giữa cà phê chè và cà phê vối ngày càng tăng: từ mức 880USD/tấn năm 2009, đến năm 2011 mức chênh lệch đã tăng hơn gấp đôi.

Theo số liệu của Vicofa, trong 3 năm từ năm 2009 đến năm 2011, sản lượng xuất khẩu cà phê Arabica của Việt Nam sang các thị trường trên thế giới đã tăng lên đáng kể, từ 24 nghìn tấn năm 2009 lên 41 nghìn tấn năm 2010 và đạt 50 nghìn tấn vào năm 2011. Cùng với đó giá xuất khẩu đã tăng lên gấp đôi, từ 2.313 USD/tấn năm 2009 lên đến 4.261 USD/tấn năm 2011. Đồng thời mức giá chênh lệch giữa cà phê Arabica và cà phê Robusta ngày càng tăng. Năm 2011, giá xuất khẩu của Arabica là 4.261 USD/tấn, trong khi của Robusta là 2.099 USD/tấn.

Sản phẩm cà phê chè Việt Nam ngày càng được các nhà nhập khẩu trên thế giới đánh giá khá cao về chất lượng, ngay cả những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản và Bỉ. Tuy nhiên, hiện ta không có đủ cà phê để xuất khẩu, người nông dân bán cà phê chè thô với giá 70 triệu đồng/tấn nhưng cung cũng không đủ cầu.

Theo dự kiến của Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), niên vụ 2011 – 2012, Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 55 nghìn tấn. Tuy nhiên để nâng cao chất lượng cà phê chè Việt Nam, ngay từ bây giờ ngành cà phê cần phải tính đến các yếu tố về quy hoạch vùng trồng, nghiên cứu cải tạo giống và nâng cao chất lượng chế biến...

Xác định được những tiềm năng của cà phê Arabica đối với thị trường thế giới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã đặt mục tiêu đến năm 2020, cả nước sẽ trồng khoảng 40 nghìn ha cà phê chè, chiếm 8% tổng diện tích trồng cà phê cả nước./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên