Vợ chồng bỏ phố lên dãy Ngọc Linh trồng sâm thu nhập tiền tỷ mỗi năm
VOV.VN - Từng có công việc ổn định, nhà cửa ở phố, nhưng vì đam mê cây dược liệu, vợ chồng anh Nguyễn Xuân Tuấn và chị Nguyễn Thị Hạnh Nguyên (Bình Phước) vẫn quyết đinh chuyển về Kon Tum để trồng sâm Ngọc Linh.
Anh Nguyễn Xuân Tuấn (sinh năm 1978) và chị Nguyễn Thị Hạnh Nguyên (sinh năm 1979) là cặp vợ chồng từng có công việc ổn định với thu nhập đáng mơ ước. Anh là kỹ sư nông nghiệp, còn chị là kế toán trưởng cho một công ty xây dựng lớn. Nhưng vì đam mê với cây dược liệu, gần 10 năm trước cả hai bán nhà mặt tiền ở thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, gom góp thêm vốn liếng đến huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum trồng sâm Ngọc Linh.
Trong tiết trời se lạnh một ngày cuối năm, chúng tôi đến thăm trang trại trồng Sâm Ngọc Linh của vợ chồng anh Nguyễn Xuân Tuấn, trên dãy Ngọc Linh thuộc xã Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông, cách thành phố Kon Tum hơn 100 km.
Anh Tuấn chia sẻ, là kỹ sư nông nghiệp, mình có nhiều năm chuyên hỗ trợ khách hàng trồng phát triển rau xanh và các loại cây dược liệu. Một lần đến tỉnh Kon Tum thăm mô hình Sâm Ngọc Linh thì bị cuốn hút đặc biệt bởi loài cây này.
Về lại Bình Phước, anh chủ động bàn với vợ nghỉ việc, gom góp thêm vốn liếng đến xã Tu Mơ Rông mua 10 ha đất và thuê thêm 100 ha rừng để trồng Sâm Ngọc Linh. Thời kỳ đầu, hai vợ chồng gặp không ít khó khăn do không quen với khí hậu lạnh; việc trồng sâm cũng gặp nhiều trắc trở khi cây bị nấm bệnh hoành hành, chuột và các loại côn trùng phá hoại.
Không nản chí, anh kiên trì tìm gặp các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực trồng sâm để học hỏi thêm và dần rút ra được những kinh nghiệm quý báu. Sau gần 10 năm trồng phát triển, đến nay vườn Sâm Ngọc Linh của vợ chồng anh đã có giá trị rất lớn.
Anh Tuấn chia sẻ: “Cây Sâm Ngọc Linh thì cho giá trị kinh tế cao, trồng phát triển ở khu vực Tu Mơ Rông này rất hợp và phát triển tốt. Hiện vườn của tôi có khoảng 30.000 cây, nhiều cây gen rừng quý có tuổi hơn 70 năm, còn lại là 30 – 50 năm; nhưng đa số thì tầm 3 – 5 năm tuổi là nhiều do mình nhân giống lên. Gần chục năm trồng sâm Ngọc Linh thì cứ tái đầu tư, vườn sâm có trị giá phải tầm 20 – 30 tỷ đồng".
Thành công với cây Sâm Ngọc Linh, vợ chồng anh Nguyễn Xuân Tuấn rất tích cực hỗ trợ bà con người dân tộc thiểu số ở địa phương sinh kế xóa đói giảm nghèo.
Ông A Brap (dân tộc Xê Đăng) ở xã Tu Mơ Rông, người gắn bó với vợ chồng anh từ những ngày đầu lập nghiệp cho biết, nhờ sự giúp đỡ của anh mà gia đình từ chỗ nghèo khó trở lên khấm khá. Nhà đông con, lại không có đất sản xuất, thuộc diện hộ nghèo của thôn.
Thu nhập của cả nhà chủ yếu phụ thuộc vào ngày công làm thuê làm mướn của hai vợ chồng. Vào năm 2014, ông được anh Tuấn nhận vào làm công nhân chăm sóc vườn Sâm Ngọc Linh, mức lương khởi điểm 3 triệu đồng/tháng. Sau đó ông chủ còn chuyển giao một phần diện tích đất rừng liên kết, hỗ trợ sâm giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng Sâm Ngọc Linh.
Đến nay vườn sâm của gia đình có trên 1.000 cây lớn nhỏ, tổng trị giá khoảng 300 triệu đồng. Từ chỗ là hộ nghèo chạy ăn từng bữa, thì nay ông A Brap đã thoát nghèo, có tài sản cả trăm triệu đồng.
Theo anh ABrap: “Tôi vào làm cho vợ chồng anh Tuấn từ gần 10 năm trước, lúc đầu lương 3 triệu/tháng, giờ được 6 triệu đông. Vợ chồng anh Tuấn còn phân đất rừng thuê của huyện cho trồng sâm Ngọc Linh, hỗ trợ sâm giống, dạy cách trồng và chăm sóc, vườn sâm phát triển tốt. Nhờ vợ chồng anh Tuấn hết”.
Tu Mơ Rông có diện tích rộng gần 862 km2, hơn 2/3 là rừng tự nhiên, độ che phủ rừng đạt gần 70%, nhiều khu vực cao từ 1.700 - 2.00m, thuận lợi để phát triển các loại cây dược liệu, đặc biệt là Sâm Ngọc Linh. Toàn huyện hiện có trên 1.700 ha Sâm Ngọc Linh. Mỗi ha sâm trồng sau 10 năm có thể cho thu lãi trên dưới 5 tỷ đồng.
Ông Võ Trung Mạnh – Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông đánh giá, vợ chồng anh Nguyễn Xuân Tuấn là một trong những hộ điển hình tiên tiến về trồng và phát triển cây Sâm Ngọc Linh ở địa phương. Ngoài làm giàu cho bản thân, vợ chồng anh còn thành lập Hợp tác xã với khoảng 30 hộ xã viên là bà con dân tộc Xê Đăng, hộ nào cũng có thu nhập tốt.
Theo ông Võ Trung Mạnh, thành công của vợ trồng anh Tuấn cùng Hợp tác xã dược liệu do anh thành lập, đã có sức lan tỏa rộng rãi.
“Cây sâm Ngọc Linh được một số doanh nghiệp và hợp tác xã trong đó có vợ chồng anh Tuấn trồng và phát triển mạnh khoảng 10 năm trở lại đây. Phong trào này được người dân địa phương nhất là bà con đồng bào dân tộc Xê Đăng hưởng ứng mạnh mẽ, qua đó nhận thức của người dân được nâng lên. Nhờ phong trào trồng Sâm Ngọc Linh mà 3 năm gần đây hàng nghìn hộ ở địa phương đã thoát nghèo, hàng trăm hộ khác đã vươn lên làm giàu chính đáng" - ông Mạnh chia sẻ.
Cùng với trồng và phát triển cây Sâm Ngọc Linh, hơn 1 năm trở lại đây, vợ chồng anh Nguyễn Xuân Tuấn còn trồng thêm 5 sào Dâu Tây. Hiện cả sâm Ngọc Linh và vườn Dâu đều phát triển xanh tốt, cho năng suất cao. Vợ chồng anh Tuấn đang tiến hành xây dựng mô hình tour du lịch sinh thái trải nghiệm gắn với sản phẩm Sâm Ngọc Linh và vườn Dâu Tây để thu hút khách du lịch làm tăng thu nhập, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương./.