Vốn cho điện gió vẫn là bài toán khó

VOV.VN - Phát triển điện gió cần có sự ổn định về chính sách thu hút đầu tư mới có thể kéo theo sự vào cuộc của các định chế tài chính trong nước và quốc tế.

Thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều cơ chế ưu đãi hấp dẫn để khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực điện gió, cũng như tạo nhiều cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam.

Tuy nhiên hiện nay, ngoài những khó khăn trong phát triển điện gió như hạ tầng lưới điện, một số yếu tố kỹ thuật, thời tiết... thì vấn đề tài chính luôn là mối quan tâm của các nhà đầu tư phát triển điện gió. Việc thu hút đầu tư cũng như kêu gọi nguồn vốn, bảo lãnh tài chính cho các dự án năng lượng tái tạo nói chung và dự án điện gió nói riêng còn gặp nhiều khó khăn.

Tận dụng tiềm năng từ các ngân hàng quốc tế

Để phát triển điện gió tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng cần có sự ổn định về chính sách thu hút đầu tư, nghiên cứu phát triển công nghệ, đặc biệt là sự vào cuộc của các định chế tài chính trong nước và quốc tế.

Các chuyên gia quốc tế tại Hội thảo thúc đẩy huy động tài chính cho dự án điện gió tại Việt Nam ngày 11/6.

Theo bà Trần Hương, Quản lý thương mại Công ty Mainstream Renewable Power tại Việt Nam, khi xây dựng các dự án điện gió ở Việt Nam, ngoài những điều khoản của hợp đồng mua bán điện (PPA) và bao tiêu điện thì cơ sở hạ tầng cũng là vấn đề rất lớn đối với các dự án điện gió. Bên cạnh đó, quy trình về bồi thường và giải phóng mặt bằng của các dự án điện gió trên bờ thường gặp nhiều khó khăn hơn so với các dự án điện gió ngoài khơi.

“Hầu hết các dự án điện gió và năng lượng tái tạo đều nằm ở các khu vực có phụ tải thấp cũng như nhu cầu điện thấp và đa số nằm ở các vùng nông thôn. Việc đấu nối điện từ các dự án điện gió vào các đường dây truyền tải đều gặp nhiều thách thức, bởi khi không có sẵn lưới điện nên các bên bao tiêu sẽ phải mất rất nhiều thời gian để xây dựng đường dây truyền tải”, bà Hương cho hay.

Chia sẻ kinh nghiệm trong việc huy động vốn cũng như bảo lãnh tài chính cho các dự án điện gió, bà Hương cho biết, Mainstream Renewable Power đã phải hợp tác rất chặt chẽ với các ngân hàng quốc tế cũng như Câu lạc bộ những nhà cho vay của châu Âu.

Tuy nhiên, những bên cho vay quốc tế không thể nào tài trợ tài chính toàn bộ được cho các dự án, vì các hợp đồng mua điện hiện có không có khả năng huy động vốn tại các ngân hàng. Vì thế, công ty phải tìm ra các giải pháp như huy động các nhà tài trợ dự án có sự truy đòi ở mức hữu hạn.

Cụ thể là các bên cho vay vốn quốc tế thường yêu cầu các nhà đầu tư phải có bảo lãnh trong một số giai đoạn nhất định như giai đoạn khởi công, giai đoạn vận hành thử 1 năm. Như vậy, công ty mẹ của Mainstream Renewable Power phải thực hiện việc bảo lãnh theo yêu cầu của các nhà cho vay quốc tế. Các nhà cho vay này cũng có thể hợp tác với các ngân hàng trong nước để bảo lãnh cho những giai đoạn còn lại của dự án điện gió.

“Việc bảo lãnh này phải được dựa trên uy tín của nhà phát triển dự án cùng những thành tích, kinh nghiệm tốt từ trước tới nay trong việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam và các nước khác. Đồng thời, việc bảo lãnh này còn phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm của các tổng thầu xây dựng, quá trình vận hành bảo dưỡng dự án”, bà Hương chia sẻ.

Cũng theo bà Hương, các ngân hàng trong nước sẵn sàng cấp tín dụng bảo lãnh cho các dự án điện gió nhưng với một tỷ lệ nhất định, chiếm từ 50% - 60% các khoản nợ. Điều quan trọng trên hết là dự án phải có bảo lãnh từ phía công ty mẹ, nhưng hiện nay không có nhiều công ty có sự bảo lãnh này vì công ty mẹ phải có bảng cân đối tài sản rất lớn để bảo lãnh.

Nhà đầu tư cần làm rõ lợi ích của điện gió

Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng, đối với các dự án điện gió tại Việt Nam vẫn còn một số vấn đề chưa được phối hợp tốt giữa Chính phủ với các cơ quan liên quan trong quá trình thu hút các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư tư nhân. Những người làm chính sách chưa thực sự gắn kết và sát sao đến những dự án điện gió, nên vẫn chưa có được tiếng nói chung giữa các nhà hoạch định chính sách và những người thực hiện chính sách, khiến quá trình triển khai các dự án phát triển năng lượng tái tạo còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Bruce Weller, Trưởng bộ phận kinh doanh năng lượng và tài chính khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng BNP Paribas cho rằng, đối với các hợp đồng mua bán điện hiện nay và hợp đồng mua bán điện tiềm năng, Chính phủ Việt Nam rất cần được thông qua các điều khoản hợp đồng đầu tư, để có thể thấy được những lợi ích khi quyết định phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo. Chính vì thế, cơ chế xây dựng các hợp đồng đầu tư phát triển dự án điện gió cần phải có cấu trúc khác đi về những chi phí cần thiết, giá mua bán điện…

“Chính phủ Việt Nam rất cần được biết và muốn thấy được những cam kết của các nhà phát triển dự án điện gió. Những cam kết này thường gắn với bảng cân đối tài sản của công ty để có thể xử lý được những vấn đề cụ thể trong quá trình triển khai, hoặc nhà phát triển dự án điện gió phải thông qua được những hợp đồng bảo lãnh tín dụng đầy đủ, những cơ chế bảo đảm bổ sung…luôn phải có trong hợp đồng đầu tư phát triển điện gió tại Việt Nam”, ông Bruce Weller khuyến cáo./.

Việt Nam có tiềm năng về gió rất lớn nhất là từ Ninh Thuận trở vào khu vực phía Nam. Chính phủ cũng đặt ra nhiều tham vọng nâng công suất điện gió đến năm 2020 là 800 MW, khoảng 2.000 MW vào năm 2025 và khoảng 6.000 MW vào năm 2030. Điện năng sản xuất từ nguồn điện gió chiếm tỷ trọng khoảng 0,8% vào năm 2020, khoảng 1% vào năm 2025 và khoảng 2,1% vào năm 2030./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thay đổi giá mua điện gió
Thay đổi giá mua điện gió

VOV.VN - Bộ Công Thương đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về giá mua điện gió áp dụng từ ngày 1/11/2021.

Thay đổi giá mua điện gió

Thay đổi giá mua điện gió

VOV.VN - Bộ Công Thương đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về giá mua điện gió áp dụng từ ngày 1/11/2021.

Điện gió Việt Nam chưa hấp dẫn nhà đầu tư
Điện gió Việt Nam chưa hấp dẫn nhà đầu tư

VOV.VN - Quá trình triển khai các dự án điện gió tại Việt Nam còn rất chậm do nhiều vướng mắc làm cản trở quá trình đầu tư.

Điện gió Việt Nam chưa hấp dẫn nhà đầu tư

Điện gió Việt Nam chưa hấp dẫn nhà đầu tư

VOV.VN - Quá trình triển khai các dự án điện gió tại Việt Nam còn rất chậm do nhiều vướng mắc làm cản trở quá trình đầu tư.

Dự án điện gió tại Việt Nam phát triển chậm do còn nhiều rào cản
Dự án điện gió tại Việt Nam phát triển chậm do còn nhiều rào cản

VOV.VN - Để tăng tốc độ phát triển điện gió, việc phê duyệt dự án cần được đơn giản hóa, rõ ràng, minh bạch làm tăng niềm tin của thị trường và nhà đầu tư.

Dự án điện gió tại Việt Nam phát triển chậm do còn nhiều rào cản

Dự án điện gió tại Việt Nam phát triển chậm do còn nhiều rào cản

VOV.VN - Để tăng tốc độ phát triển điện gió, việc phê duyệt dự án cần được đơn giản hóa, rõ ràng, minh bạch làm tăng niềm tin của thị trường và nhà đầu tư.