Vốn cho doanh nghiệp: Đang tồn tại sự bất bình đẳng vô lý giữa DN và ngân hàng?

VOV.VN - Câu chuyện về nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế một lần nữa được làm nóng trở lại tại một hội nghị đối thoại giữa ngành ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp TP.HCM.

Rất nhiều những khó khăn, trăn trở thậm chí là bức xúc đã được các doanh nghiệp phơi bày khi không thể tiếp cận được nguồn vốn. Trong khi đó các ngân hàng lại cho rằng bản thân họ cũng không thể làm chủ cuộc chơi giải ngân.

Là 1 DN hoạt động trong lĩnh vực công nghệ chuyên sản xuất kinh doanh gạch ép tĩnh (gạch không nung) từ phế phẩm xây dựng đầu tiên của Việt Nam, công ty Safebrick Việt Nam mỗi năm cung ứng cho thị trường hàng triệu viên gạch cũng như chuyển giao cho nhiều đơn vị có nhu cầu. Dù nằm trong diện được vay ưu đãi từ Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia hay Quỹ phát triển DN vừa và nhỏ với khoản vay tối đa lên đến 24 tỷ đồng, song 6 năm qua công ty này vẫn chưa thể tiếp cận được dòng vốn hỗ trợ.

Ông Mai Quốc Ấn – Chủ doanh nghiệp Safebrick Việt Nam cho biết, rất nhiều lần gõ cửa và bị các tổ chức tín dụng từ chối mà không có lý do chính đáng. Không chỉ vậy, ông còn được các cán bộ tín dụng “gợi ý khéo” phải chi ngoài hàng trăm triệu đồng nếu muốn được duyệt vay:

"Một công nhân ký hợp đồng lao động 6 tháng là đã cho vay được nhưng DN quá khổ và cảm giác có sự không minh bạch ở đây. Dự án có ở Cà Mau, Bình Dương đều phải giải ngân qua ngân hàng quỹ chỉ định ở Hà Nội, trong khi không luật nào yêu cầu phải giải ngân qua ngân hàng quen. DN chúng tôi cần 1 hành lang pháp lý để các cán bộ ngân hàng sử dụng vốn nhà nước có trách nhiệm hơn với DN và người dân", ông Ấn nói.

Những lời tự sự có phần cay đắng của ông Mai Quốc Ấn đã mở màn cho hàng loạt những ý kiến có phần bức xúc của nhiều DN tại buổi đối thoại giữa ngân hàng và DN do UBND TP HCM tổ chức sáng 28/2 vừa qua. Phần lớn các DN đều cho rằng mức lãi suất cao cùng với sự thiếu ổn định trong chính sách điều hành đã phần nào khiến cánh cửa tiếp cận nguồn vốn dần bị thu hẹp lại.

"Theo tôi, các ngân hàng phải điều chỉnh lãi suất cho vay khoảng 8%/năm là thích hợp với doanh nghiệp. Tại sao các ngân hàng nước ngoài họ có lãi suất thấp. Tại sao Việt Nam lãi suất ngân hàng cho vay tới mười mấy phần trăm 1 năm, ngân hàng đổi thừa lạm phát cái gì, thật vô lý".

"Trước đây, DN thế chấp đất nông nghiệp vay được mấy chục tỷ, nhưng giờ ngân hàng không nhận đất nông nghiệp làm tài sản thế chấp nữa. Ngân hàng nói họ vẫn cho vay nhưng phải thế chấp bằng tài sản khác như đất ở, nhà... Trong khi DN sản xuất lĩnh vực này nên chỉ có tài sản đất nông nghiệp".

"2 năm dịch Covid-19 DN đã phải sử dụng hết nguồn tích trữ, năm nay khi làm lại hồ sơ vay thì gặp tình trạng tài sản có nhưng không định giá cho vay được. Chúng tôi mong muốn ngân hàng có giải pháp để giúp các DN trẻ có thể thế chấp được tài sản là đất thuê trong khu công nghiệp và đất nông nghiệp ở các tỉnh một cách nhanh chóng và kịp lúc hơn".

Ở một khía cạnh khác, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội DN cơ khí điện TP.HCM bày tỏ sự ngờ vực trước mức lãi suất 5,5% mà ngân hàng nhà nước áp dụng để ưu đãi hỗ trợ các DN thuộc 5 lĩnh vực được ưu tiên. "Ở đâu ra mức lãi suất 5,5%, số đó chỉ có trong mơ, những thông tin đó chỉ làm DN băn khoăn vì sao người khác vay được như vậy mà mình phải vay hơn 10%. Có tình trạng khi lãi suất tăng lên mình không vay nữa, nhưng tài sản đảm bảo vẫn còn để đó nhưng đến khi thấy không ổn, xin rút tài sản đảm bảo ra thì rất gian nan, vô lý. Giữa ngân hàng và DN tồn tại sự bất bình đẳng vô lý".

Bày tỏ chia sẻ trước những vấn đề mà cộng đồng DN nêu ra tại phiên đối thoại, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng tiếp thu trên tinh thần cầu thị để cùng tìm ra những giải pháp hỗ trợ kịp thời: "Chính cái gay gắt, thúc bách này của DN sẽ giúp ngân hàng xem lại, qua đó sẽ rà soát lại hệ thống, cắt giảm chi phí không cần thiết để hạ đến mức có thể chịu đựng được, từ đó chia sẻ trong thời gian khó khăn với DN. Tất cả những việc này nếu nhìn ở góc độ cầu thị sẽ là những điều khó nghe, rát mặt nhưng sẽ giúp chúng ta phát triển thêm".

Trước hàng loạt những vấn đề được các doanh nghiệp nêu ra, ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng Giám đốc ngân hàng Phương Đông (OCB) - cho rằng, các tổ chức tín dụng đang thực hiện theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà Nước để chủ động triển khai các chương trình hỗ trợ cho DN, đặc biệt là các DN trong các lĩnh vực trọng tâm. Tổng dư nợ từ cuối năm 2022 đến thời điểm này mà OCB dành hỗ trợ cho các DN vừa và nhỏ lên đến 25.000 tỷ (chiếm gần 30% tổng dư nợ cho vay mới của cả cả ngân hàng). Nhà băng này cho biết đang cố gắng giữ mức lãi suất cho vay dưới 10% dành cho các DN sản xuất trong thời gian tới.

"Ngân hàng tập trung hỗ trợ cho các ngành nghề cụ thể, đặc biệt là các ngành nghề được định hướng hỗ trợ cho công cuộc phục hồi phát triển kinh tế của địa phương và cả nước. Ngân hàng cũng chủ động giảm các điều kiện và thủ tục cho vay để DN dễ dàng tiếp cận vốn, thông qua các diễn đàn đối thoại để tiếp cận và phổ biến các chính sách sát sườn, thiết thực hơn cho DN", ông Nguyễn Đình Tùng nói.

Từ góc độ quản lý, ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho rằng, bên cạnh những nguyên nhân chủ quan từ cơ chế, bộ máy hoạt động của các tổ chức tín dụng, vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề chủ quan từ phía DN khiến cho quá trình hợp tác giữa 2 bên còn nhiều trắc trở. Mặc dù vậy, Ngân hàng Nhà nước cũng rất cầu thị trong việc lắng nghe và chủ động tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để kịp thời bơm vốn cho DN.

"DN kêu khó cần nêu địa chỉ cụ thể ngân hàng sẽ hỗ trợ DN bằng cách trực tiếp xử lý, mời 3 bên lên tháo gỡ. Chỉ có cách như vậy thì mới tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn vay. Nếu nguyên nhân khó do cơ chế, chính sách ngân hàng sẽ kiến nghị thêm. Còn khó do hành chính, cán bộ ngân hàng nhũng nhiễu, kéo dài thời gian ngân hàng tự xử lý được", ông Lệnh khẳng định.

Để DN và ngân hàng tìm được 'tiếng nói chung'   

Cần phải khẳng định rằng mối quan hệ giữa ngân hàng và DN đã và đang tồn tại quá nhiều trắc trở, gian truân. Điều này càng trở nên rõ ràng hơn trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước đang xuất hiện nhiều thách thức như hiện nay.

Nếu như xem DN là xương sống, là trụ đỡ thì nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng chính là mạch máu giúp duy trì sức sống của cả nền kinh tế. Nói như vậy để thấy mối quan hệ cộng sinh giữa DN và ngân hàng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong các mục tiêu tăng trưởng của địa phương lẫn quốc gia. Do đó, nếu tình trạng “cơm không lành, canh không ngọt” cứ tiếp tục kéo dài thì nguy cơ kéo lùi cả nền kinh tế quốc gia là khó tránh khỏi.

DN luôn cho mình là bên chịu thiệt, phải đứng ở cửa dưới, phải chịu đựng sự bất bình đẳng 1 cách vô lý trong các giao dịch với ngân hàng. Thế nhưng, các tổ chức tín dụng lại xác định rằng chính các khách hàng, các DN mới là thượng đế, là đối tượng để họ phục vụ. Điều này lý giải cho cái nghịch lý là cả 2 đều cần nhau nhưng lại không dễ để gặp nhau.

Sau những biến cố từ thị trường tài chính, bất động sản, lúc này là giai đoạn cần ưu tiên cho các hoạt động sản xuất, tạo ra giá trị thực cho xã hội cho nền kinh tế. Và lẽ dĩ nhiên, việc ngân hàng ưu tiên vốn cho các DN sản xuất là điều nên làm, phải làm. Song song đó, chính các DN cũng cần phải thay đổi tư duy trong hoạt động của mình, thay vì manh mún nhỏ lẻ tự phát thì cần chặt chẽ, khoa học và minh bạch hơn để tự mình mở ra cơ hội tiếp cận với các tổ chức tín dụng.

Đã hết thời DN chỉ vì muốn vay vốn mà làm hồ sơ “khống”, hồ sơ ma để qua mặt ngân hàng nhằm chiếm dụng vốn không đi sản xuất, lại đầu tư vào các lĩnh vực phi sản xuất, không tạo ra giá trị thực cho đời sống. Các ngân hàng cũng không thể đi đêm, cho vay theo kiểu quen biết, “đi đêm”, thậm chi tiêu cực để giải ngân…tất cả phải công khai, sòng phẳng, cộng sinh, cùng có lợi.

Đã đến lúc các ngân hàng, DN phải tự làm mới mình để tạo ra cái nhìn thiện cảm, tin cậy hơn từ phía đối tác. Không chỉ vậy, các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương cũng cần vào cuộc với một tâm thế tích cực hơn, cầu thị hơn để cùng tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, kịp thời điều chỉnh chính sách sao cho phù hợp với tình hình thực tế. Đặc biệt là cơ chế kiểm tra giám sát các hoạt động cho vay và vay cũng như sử dụng đồng vốn một cách có hiệu quả; tạo ra của cải vật chất thực sự cho đời sống và sản xuất.

Như vậy, chỉ đến khi các tổ chức tín dụng và người vay mà cụ thể ở đây là DN tìm được tiếng nói chung, mối bất hòa được hóa giải thì nguồn vốn tín dụng mới được khơi thông, hoạt động của DN mới được đảm bảo, sức khỏe của nền kinh tế mới được duy trì và phát triển./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ngân hàng giảm lãi suất cho vay, giảm "giá vốn” cho doanh nghiệp
Ngân hàng giảm lãi suất cho vay, giảm "giá vốn” cho doanh nghiệp

VOV.VN - Cùng với việc điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm, một số ngân hàng cũng đã bắt đầu điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, được đánh giá sẽ giúp các DN giảm được chi phí "giá vốn".

Ngân hàng giảm lãi suất cho vay, giảm "giá vốn” cho doanh nghiệp

Ngân hàng giảm lãi suất cho vay, giảm "giá vốn” cho doanh nghiệp

VOV.VN - Cùng với việc điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm, một số ngân hàng cũng đã bắt đầu điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, được đánh giá sẽ giúp các DN giảm được chi phí "giá vốn".

TP.HCM cần đẩy mạnh cải cách hành chính, gỡ khó cho doanh nghiệp
TP.HCM cần đẩy mạnh cải cách hành chính, gỡ khó cho doanh nghiệp

VOV.VN - Nửa đầu năm 2022, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ở TP.HCM phục hồi khá tốt. Tuy nhiên, từ cuối quý IV/2022 đến đầu năm nay, tại nhiều doanh nghiệp, số lượng đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh do ảnh hưởng lạm phát.

TP.HCM cần đẩy mạnh cải cách hành chính, gỡ khó cho doanh nghiệp

TP.HCM cần đẩy mạnh cải cách hành chính, gỡ khó cho doanh nghiệp

VOV.VN - Nửa đầu năm 2022, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ở TP.HCM phục hồi khá tốt. Tuy nhiên, từ cuối quý IV/2022 đến đầu năm nay, tại nhiều doanh nghiệp, số lượng đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh do ảnh hưởng lạm phát.

Tháo gỡ thủ tục để cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp
Tháo gỡ thủ tục để cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp

VOV.VN - Nhằm hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để nền kinh tế hồi phục nhanh, phát triển bền vững, ngay từ đầu năm nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01. Trong đó có nội dung mà doanh nghiệp TP.HCM rất quan tâm là cải thiện môi trường kinh doanh.

Tháo gỡ thủ tục để cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp

Tháo gỡ thủ tục để cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp

VOV.VN - Nhằm hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để nền kinh tế hồi phục nhanh, phát triển bền vững, ngay từ đầu năm nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01. Trong đó có nội dung mà doanh nghiệp TP.HCM rất quan tâm là cải thiện môi trường kinh doanh.