Vốn FDI tiếp tục nhịp độ hàng tỷ USD mỗi tháng

Theo các chuyên gia kinh tế, lượng vốn FDI cao như vậy là một điều đáng mừng nhưng cũng đặt ra những vấn đề về tăng khả năng hấp thu nguồn vốn…

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: đã có thêm 2,02 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào nước ta trong tháng 10 theo 68 dự án vừa được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Như vậy, tổng số dự án cấp mới trong 10 tháng qua đã lên 953 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 58,3 tỷ USD, tuy chỉ bằng 83,3% về số dự án so với cùng kỳ năm trước nhưng lại tăng gần 6 lần về vốn đăng ký. Từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tháng cả nước thu hút được trên 5,3 tỷ USD.

Lượng dự án FDI tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất cũng tiếp tục tăng. Trong tháng 10, có 22 lượt dự án với tổng vốn đầu tư là 169 triệu USD, đưa tổng dự án tăng vốn 10 tháng năm 2008 là 247 lượt dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm là 1,02 tỷ USD. Tính chung cả vốn cấp mới và tăng thêm trong 10 tháng qua, cả nước đã thu hút được 59,31 tỷ USD vốn đầu tư đăng ký.

Lượng vốn FDI được giải ngân cũng theo nhịp hàng tỷ USD, ước đạt 9,1 tỷ USD trong 10 tháng qua, tăng 38,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, bên Việt Nam chiếm từ 10-12%.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp có vốn FDI tiếp tục gia tăng. Doanh thu của các doanh nghiệp FDI trong 10 tháng, ước đạt 40,6 tỷ USD, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó giá trị xuất khẩu ước đạt 19,9 tỷ USD, tăng 25,3% so với cùng kỳ. Nhập khẩu ước đạt 23,8 tỷ USD, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm trước, nộp ngân sách ước đạt 1,6 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2007. Cũng trong tháng 10, các doanh nghiệp FDI thu hút thêm khoảng 16.000 lao động, đưa tổng số lao động trong khu vực có vốn FDI tính đến thời điểm này là 1,435 triệu lao động, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước.

Theo các chuyên gia kinh tế, lượng vốn FDI cao như vậy là một điều đáng mừng nhưng cũng đặt ra những vấn đề về tăng khả năng hấp thu nguồn vốn.

Hiện nay, bên cạnh việc nỗ lực tạo môi trường đầu tư-kinh doanh hấp dẫn, cởi mở, minh bạch và thông thoáng hơn; tích cực thực hiện các giải pháp chỉ đạo hữu hiệu của Thủ tướng Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững bằng nhiều biện pháp; các bộ, ngành, địa phương triển khai đề án thúc đẩy giải ngân vốn FDI. Công tác “hậu kiểm” được quan tâm thông qua việc kiểm tra đầu tư, quy hoạch sân golf; rà soát tình hình giải ngân các dự án; đặc biệt chú trọng thúc đẩy triển khai các dự án quy mô vốn đầu tư lớn trong năm 2006 và năm 2007 triển khai đúng tiến độ đề ra./.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên