Vụ siêu lừa Huyền Như: Luật sư phản bác yêu cầu VietinBank bồi thường
VOV.VN -Luật sư Nguyễn Thị Bắc bảo vệ quyền lợi VietinBank trong vụ xử siêu lừa Huyền Như đưa ra nhiều dẫn chứng để bác yêu cầu đòi bồi thường của SBBS.
Luật sư Nguyễn Thị Bắc, thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội, là một trong 3 luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) là đơn vị có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án “siêu lừa Huyền Như”, vừa có phát biểu tranh luận tại tòa sáng nay (29/5).
VietinBank phản bác yêu cầu bồi thường thiệt hại cho 4 công ty.
Tranh phần tranh luận của mình, Luật sư Nguyễn Thị Bắc cho rằng VietinBank không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho 4 nguyên đơn (gồm: Công ty SBBS, Công ty Bảo hiểm Toàn cầu, Công ty CK Phương Đông, Công ty An Lộc). Đây là 4 trong số 5 công ty (1 công ty nữa là Công ty Hưng Yên) mà Tòa đã tuyên Huỳnh Thị Huyền Như phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của các công ty này.
Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như tại tòa (Ảnh: SHTT) |
Theo phân tích của Luật sư Bắc, tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản“ mà Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên (Bản án hình sự sơ thẩm số 56/2018/HSST ngày 09/2/2018) đối với Huỳnh Thị Huyền Như không bị Viện kiểm sát kháng nghị và Huỳnh Thị Huyền Như không kháng cáo nên căn cứ quy định của pháp luật thì Bản án đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Hơn nữa, Tòa đã khẳng định Huỳnh Thị Huyền Như có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 5 công ty và xác định rõ số tiền Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt của từng công ty: Công ty SBBS 210 tỷ, Công ty Bảo hiểm Toàn cầu 125 tỷ, Công ty CK Phương Đông 380 tỷ, Công ty An Lộc 170 tỷ, Công ty Hưng Yên 200 tỷ. Trên cơ sở đó, Tòa tuyên Huỳnh Thị Huyền Như phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho 5 công ty, trong đó có 4 công ty (nguyên đơn) có kháng cáo (là: Công ty SBBS, Công ty Bảo hiểm Toàn cầu, Công ty CK Phương Đông, Công ty An Lộc) là hoàn toàn đúng.
“Việc tuyên trách nhiệm bồi thường dân sự của bị cáo Như cho các công ty là dựa trên cơ sở pháp lý đã tuyên bị cáo phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (của các công ty). Khi cơ sở pháp lý đó không thay đổi (đã có hiệu lực pháp luật) thì cũng không có cơ sở cho việc thay đổi quyết định về trách nhiệm bồi thường dân sự và cũng không có căn cứ để tách phần dân sự để xét xử thành một vụ án dân sự riêng. Vì vậy, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 42 BLHS năm 1999, bị cáo Như - kẻ lừa đảo chiếm đoạt tài sản phải bồi thường cho 4 nguyên đơn nêu trên, và VietinBank không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho 04 nguyên đơn”- Luật sư Bắc tranh luận.
“Công ty SBBS có nhiều sai phạm”
Liên quan đến nội dung kháng cáo của Công ty SBBS về yêu cầu VietinBank bồi thường cho Công ty SBBS 210 tỷ đồng và tiền lãi, Luật sư Nguyễn Thị Bắc phản bác với lý do: Thứ nhất, Huỳnh Thị Huyền Như đã có ý đồ chiếm đoạt tiền của Công ty SBBS ngay từ đầu và ý đồ này xuyên suốt toàn bộ chuỗi hành vi lừa đảo của Như. Vì rằng, Huyền Như với tư cách cá nhân đã giả danh VietinBank Chi nhánh Nhà Bè để “thỏa thuận ngầm” với Vũ Thị Mỹ Linh là Kế toán trưởng Công ty SBBS về việc gửi tiền vào Chi nhánh Nhà bè với lãi suất cao. Đây là thỏa thuận bất hợp pháp, và là thủ đoạn của Như và Linh dùng để chiếm đoạt tiền của Công ty SBBS.
Thứ hai, Công ty SBBS có lỗi và có sai phạm trong quá trình giao dịch với Huỳnh Thị Huyền Như. Chẳng hạn, sai phạm trong thỏa thuận giữa Công ty SBBS với Huỳnh Thị Huyền Như và Chủ trương của Lãnh đạo Công ty SBBS về ủy thác đầu tư vốn cho VietinBank chi nhánh Nhà Bè để hưởng lãi suất chênh ngoài hợp đồng. Thỏa thuận và Chủ trương này là trái pháp luật, vi phạm chế độ kế toán. Sai nữa của Công ty SBBS là đã mở tài khoản thanh toán tại VietinBank chi nhánh Nhà Bè thực chất là để thực hiện thỏa thuận ngầm với Huỳnh thị Huyền Như trước đó, để chuyển tiền vào TK đó nhằm mục đích trục lợi thu lãi suất chênh ngoài hợp đồng và để được hưởng chi phí hoa hồng chứ không phải mở để thực hiện các dịch vụ thanh toán cho hoạt động bình thường của doanh nghiệp.
Công ty SBBS đã chỉ sử dụng TK đó để chuyển tiền vào theo Hợp đồng giả để hưởng lãi suất chênh ngoài hợp đồng theo thỏa thuận ngầm với Huỳnh Thị Huyền Như chứ không thực hiện các dịch vụ thanh toán cho hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Hành vi này của Công ty SBBS đã vi phạm khoản 22 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng.
Luật sư Bắc còn cho rằng, Công ty SBBS có sai phạm là đã không thực hiện bất kỳ trách nhiệm nào của Chủ tài khoản, bỏ mặc và không có ý kiến với VietinBank khi các giao dịch lạ luân chuyển đến/đi trên tài khoản thanh toán của mình.
Theo Luật sư này, VietinBank hoàn toàn không biết việc thỏa thuận “ngầm” về lãi suất vượt trần và giao dịch trái pháp luật giữa Công ty SBBS với cá nhân Huỳnh Thị Huyền Như. VietinBank không ký Hợp đồng ủy thác đầu tư vốn với SBBS, không trả tiền lãi 14% và không trả tiền lãi chênh cho Công ty SBBS. Do vậy, VietinBank hoàn toàn không có lỗi đối với các sai phạm của Công ty SBBS. Ngay sau khi phát hiện dấu hiệu vi phạm, VietinBank đã chủ động báo cáo cơ quan chức năng đề nghị xử lý./.