Vùng nguyên liệu đạt chuẩn làm gia tăng giá trị nông sản
VOV.VN - Khi có vùng nguyên liệu đạt chuẩn, các doanh nghiệp sẽ định hướng được thị trường tiêu thụ, đặc biệt là xuất khẩu để đảm bảo gia tăng giá trị nông sản.
Theo Bộ NN&PTNT, trong giai đoạn 1 triển khai “Đề án thí điểm vùng nguyên liệu nông lâm sản đạt chuẩn, phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022- 2025” đã có nhiều mô hình hay, lan tỏa tới các địa phương, DN và HTX như vùng cà phê và sầu riêng ở khu vực Tây Nguyên; vùng lúa gạo ở ĐBSCL.
Sau 1 năm thực hiện Đề án, nhiều mô hình hay đã lan tỏa tới các địa phương, DN và HTX. Từ 132 lớp đào tạo tập huấn và 26 tổ khuyến nông cộng đồng do Bộ NN&PTNT tổ chức, đến nay các địa phương đã bố trí được 400 lớp đào tạo và 149 tổ khuyến nông cộng. Riêng về lúa gạo, với mục tiêu 50.000 ha sau 1 năm đã có 6.000 ha đạt tiêu chuẩn vào thị trường cao cấp…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, chuẩn hóa vùng nguyên liệu là đòi hỏi cấp thiết, khi DN còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận quỹ đất để xây dựng vùng nguyên liệu và gắn với nhà máy chế biến, qua đó chủ động định hướng về thị trường và gia tăng giá trị nông sản xuất khẩu.
“Bộ có thông báo những vùng nào trồng cây gì và thời điểm thu hoạch cũng như sản lượng bao nhiêu để nông dân nắm được thông tin. Vấn đề đặt ra là phải xây dựng được những vùng nguyên liệu đạt chuẩn, trên cơ sở đó đặt vấn đề về thị trường và các DN về vùng nguyên liệu, khi chủ động được vùng nguyên liệu sẽ định hướng được việc xuất khẩu và đảm bảo giá trị nông sản”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam định hướng.
Đề án thí điểm vùng nguyên liệu nông lâm sản đạt chuẩn, phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022- 2025, hướng đến xây dựng 5 vùng nguyên liệu đạt chuẩn có diện tích khoảng 166.800 ha ở 13 tỉnh, thành phố trọng điểm.
Trong đó, 14.000 ha cây ăn quả vùng miền núi phía Bắc; 22.900 ha gỗ rừng trồng Chứng chỉ bền vững vùng Duyên hải miền Trung; 19.700 ha cà phê ở Tây Nguyên; 50.000 ha lúa gạo vùng Tứ giác Long Xuyên và 60.200 ha cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười./.