Vướng mặt bằng, đường ven biển nối cảng Liên Chiểu 1200 tỷ đồng chậm tiến độ
VOV.VN - Công trình Đường ven biển nối cảng Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, tổng đầu tư 1.203 tỷ đồng, dài gần 3km, kết cấu mặt đường cấp cao A1. Đây là công trình trọng điểm của thành phố Đà Nẵng, chủ đầu tư, liên danh nhà thầu khẩn trương thi công. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều vướng mắc trong giải phóng mặt bằng khiến dự án nguy cơ chậm tiến độ.
Năm 1999, vợ chồng ông Nguyễn Hiếu, bà Lê Thị Huyền ở khu dân cư số 1, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu ra Quốc lộ 1A, dưới chân đèo Hải Vân để mở quán bán nước, đổ nước mui xe. Sau đó, vợ chồng bà Huyền xây dựng căn nhà cấp 4. Bão Xangsene năm 2006 san phẳng ngôi nhà này. Được hỗ trợ 5 triệu đồng nhưng cũng phải 3 năm sau, vợ chồng bà Huyền mới xây lại được căn nhà. Mỗi lần xây dựng, gia đình bà đều xin phép chính quyền địa phương. Trên diện tích đất cả ngàn m2, trong đó có 372 m2 đất ở, hàng năm gia đình bà đều nộp thuế đất đầy đủ. Nay, thành phố xây dựng công trình đường ven biển nối cảng Liên Chiểu, gia đình bà Huyền trong diện giải tỏa trắng.
Khi chính quyền áp giá đền bù, cả nhà mới tá hỏa khi biết rằng đất mà gia đình đang ở chưa được quy hoạch là đất ở. Vì vậy, thành phố không bố trí đất tái định cư. Gia đình bà chỉ được đền bù vật kiến trúc trên đất và đền bù đất nông nghiệp. Với khoản tiền đền bù khoản 1 tỷ đồng, cả gia đình bà gồm 9 người chưa biết đi đâu nên chưa đồng ý di dời.
Bà Lê Thị Huyền ở số nhà 407, Nguyễn Văn Cừ, khu dân cư số 1, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu mong muốn: “Họ đền 1 tỷ đồng thôi, không đền một cái chi nữa hết. Nguyện vọng của mình là mình có bao nhiêu đất ở thì chính quyền phải cấp lại cho mình bấy nhiêu đất ở. Còn ruộng nương hay đất vườn thì phải đền bù cho thỏa đáng chứ. Mình không đòi hỏi nhiều nhưng đất ở mình bao nhiêu thì phải cấp lại cho mình bấy nhiêu chứ 9 người bây chừ ở mô. Mất mảnh đất to như ri thì đường nào con cháu tui cũng phải có chỗ ở chứ”.
Cũng như gia đình bà Huyền, ở phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu hiện còn 4 trường hợp chưa thể giải tỏa do các hộ này sống lâu năm trên đất chưa được quy hoạch là đất ở. Đây là những hộ sống từ bao đời nay tại địa phương này chứ không phải hộ “nhảy dù” và họ thực sự không còn chỗ ở nào khác.
Để phục vụ dự án đường ven biển nối cảng Liên Chiểu, phường Hòa Hiệp Bắc phải giải quyết 255 hồ sơ đất, 291 ngôi mộ. Chỉ sau 8 tháng triển khai, phường Hòa Hiệp Bắc đã giải tỏa bàn giao mặt bằng cho 201 hồ sơ và di dời 287 ngôi mộ. Hiện địa phương còn vướng 54 hồ sơ đất và 4 ngôi mộ. Suốt 8 tháng qua, cả phường tập trung cho việc giải tỏa, đền bù. Hiện vẫn còn những trường hợp rất khó cho địa phương cũng như thiệt thòi đối với người dân. Cụ thể như trường hợp hộ ông Nguyễn Thanh Hải đã xây dựng nhà ở trên đất chưa quy hoạch là đất ở trước năm 2004. Vừa qua, ông Hải đề nghị được bố trí 1 lô đất tái định cư, giao đất có thu tiền để gia đình ông có nơi ở và làm nơi thờ phụng. Thế nhưng, thành phố Đà Nẵng không giải quyết.
Ông Hà Thúc Nhơn, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu cho rằng, phường xác định công tác giải phóng mặt bằng đúng tiến độ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhưng phải đảm bảo an dân, hợp tình hợp lý.
“Đối với những vấn đề còn vướng, phường phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý các dự án hạ tầng ưu tiên (chủ đầu tư), Ban Giải phóng mặt bằng để tham mưu cho Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng của quận đề xuất các cấp có thẩm quyền xem xét đối với những trường hợp thực sự không có chỗ ở nào khác để xem xét bố trí đất tái định cư cho người dân ổn định cuộc sống sau khi bàn giao mặt bằng”, ông Nhơn nói.
Ông Nguyễn Hà Bắc, Bí thư Quận ủy Liên Chiểu cho biết, Lãnh đạo quận Liên Chiểu làm việc cụ thể với Ban Quản lý dự án và các đơn vị thi công xác định các mốc thời gian bàn giao các diện tích mặt bằng còn lại một cách hợp lý, phù hợp với thực tiễn, bảo đảm không để xảy ra chậm tiến độ thi công dự án do vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, hiện còn 2 hộ ở mặt tiền đường Nguyễn Văn Cừ là những vị trí cần phải có mặt bằng để triển khai thi công ngay thì lại vướng mắc. Đó là trường hợp của vợ chồng ông Nguyễn Hiếu bà Lê Thị Huyền và gia đình ông Phạm Văn Thương. Hiện, gia đình ông Thương đã đồng thuận di dời nhưng đề nghị được mua 1 lô đất tái định cư có thu tiền. Qua nhiều lần tiếp dân, Bí thư Quận ủy Liên Chiểu ghi nhận sẽ đề xuất bố trí giao đất có thu tiền tại Khu dân cư Hòa Hiệp 3, quận Liên Chiểu nhưng chưa được thành phố đồng ý.
Ông Nguyễn Hà Bắc, Bí thư Quận ủy Liên Chiểu nói: “Quy định của pháp luật cũng đã cho phép xử lý đối với những trường hợp giải tỏa những hộ dân có nhà ở trên đất không phải là đất ở. Lý do thì có rất là nhiều: Người dân không để ý, không biết để chuyển đổi mục đích sử dụng đất; Phía cơ quan nhà nước thì không hướng dẫn dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Để thời gian quá lâu, do đó có những vị trí rất đắc địa ở mặt tiền nhưng mục đích đất chưa được chuyển đổi qua đất ở. Vì vậy, khi giải tỏa đền bù rất vướng mắc. Các tỉnh thành phố khác đã triển khai gỡ vướng mắc này. Bên cạnh đó những hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai 2013 cũng như Luật Đất đai 2024 tới đây, tôi nghĩ thành phố cũng cần xây dựng chính sách mới để thực hiện mạnh mẽ hơn trong giải phóng mặt bằng”.
Ngày 03/8/2023, UBND thành phố Đà Nẵng đã có văn bản số 4084 “về việc hướng dẫn thực hiện khoản 2 Điều 79 Luật Đất đai và Khoản 4 Điều 6 Nghị định số 47/2014 của Chính phủ”. Phúc đáp văn bản này, ngày 15/8/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản số 1685 trả lời các nội dung trong văn bản của UBND thành phố Đà Nẵng. Theo đó, Bộ Tài Nguyên và Môi trường nêu rõ “Đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện có liên quan căn cứ vào nguồn gốc, quá trình quản lý, sử dụng đất để xác định hồ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất gắn liền với nhà ở phải di duyển chỗ ở mà không đủ điều kiện được bồi thường về đất ở, không có chỗ ở nào khác và đề xuất phương án Nhà nước bán, cho thuê, cho mua nhà ở hoặc giao đất ở có thu tiền sử dụng đất trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo đúng quy định của pháp luật và phải đảm bảo dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời”.
Quy định của pháp luật và các văn bản dưới luật đã rõ nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng vẫn chưa tham mưu cho lãnh đạo thành phố Đà Nẵng việc giao đất tái định cư có thu tiền đối với những hộ có nhà ở trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng là đất ở. Và như thế, công tác giải tỏa đền bù ở Đà Nẵng vẫn tiếp tục gặp khó khăn. Cũng từ đây, nhiều công trình trọng điểm sẽ tiếp tục “đứng bánh” vì vướng mặt bằng như tình trạng xảy ra lâu nay ở thành phố này.