Vướng quy định, ít doanh nghiệp ở Bình Thuận được hỗ trợ khó khăn vì dịch bệnh
VOV.VN - Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội Bình Thuận, tính đến ngày 20/9 toàn tỉnh đã tiếp nhận hồ sơ tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương của 130 doanh nghiệp với 2.242 lao động.
Doanh nghiệp bộn bề khó khăn
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã có hàng chục doanh nghiệp với hàng ngàn người lao động được thụ hưởng một số chính sách theo tinh thần Nghị quyết 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi cũng bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc do quy định, điều kiện được hỗ trợ khiến nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận.
Là một đơn vị kinh doanh lĩnh vực du lịch hoạt động hơn 10 năm nay ở thành phố Phan Thiết, chưa năm nào hoạt động của đơn vị lại “đóng băng” như năm nay, chị Võ Thùy Loan, Phó Giám đốc Công ty cổ phần thương mại - du lịch dốc đá Phú Hài (The Cliff Resort) cho biết, gần 3 tháng qua, cả không gian rộng lớn của khu resort này chỉ nghe tiếng sóng vỗ sầm sập từ bãi đá Ông Địa.
Dịch giã bùng phát, khách du lịch không có, đồng nghĩa với việc thu nhập của 230 nhân viên ở đây bị ảnh hưởng. Để giải quyết vấn đề an sinh cho đội ngũ nhân viên của mình, lãnh đạo The Cliff cố gắng thu xếp hợp tình hợp lý, tuỳ theo công việc của từng bộ phận. Đơn vị cũng đã hoàn tất thủ tục, hồ sơ cho nhân viên được thụ hưởng chính sách đối với người lao động nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động. Ngoài ra công ty cũng được phía Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh Bình Thuận hỗ trợ tạm dừng đóng Quỹ hưu trí và tử tuất.
Đợt dịch lần thứ 4 bùng phát tại Bình Thuận vào những ngày gần cuối tháng 6 vừa qua. Do tình hình dịch bệnh phức tạp, TP. Phan Thiết là một trong hai địa phương của tỉnh phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Anh Lê Thanh Hoài Vũ – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần may xuất khẩu Phan Thiết cho biết, đơn vị có 2 cơ sở với gần 3.000 lao động. Suốt tháng 8 vừa qua, cơ sở đóng tại thành phố Phan Thiết với gần 700 công nhân phải tạm ngưng hoạt động. Còn cơ sở tại thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc cũng bị ảnh hưởng. Bởi khi có báo cáo dịch tễ, địa phương nào có F0 thì công nhân đang sinh sống tại địa bàn đó phải nghỉ ở nhà. Việc này khiến doanh nghiệp thường xuyên thiếu hụt lao động, trong khi các đơn hàng đang chờ giải quyết.
Trong lúc khó khăn, Công ty may xuất khẩu Phan Thiết đã được BHXH tỉnh Bình Thuận giảm 0,5% mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022 và tạm dừng đóng 22% Quỹ hưu trí và tử tuất. Ngoài ra, doanh nghiệp đã hoàn tất các thủ tục pháp lý để những lao động bị nghỉ việc do dịch bệnh COVID-19 trong tháng 8 được hưởng chế độ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.
Trong tháng 8 công ty tạm hoãn hợp đồng lao động để đóng cửa cơ sở ở Phan Thiết và đã làm hồ sơ xin hỗ trợ theo Nghị quyết 68 cho 610 người. Hồ sơ đã nộp lên Phòng Lao động Thương binh và Xã hội Phan Thiết, trình UBND TP. Phan Thiết, để UBND tỉnh phê duyệt.)
Vẫn còn hạn chế trong thực thi chính sách
Có thể nói, Nghị quyết 68 ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đã giúp cho người lao động và người sử dụng lao động giảm bớt phần nào khó khăn. Để triển khai Nghị quyết 68, UBND tỉnh Bình Thuận đã có Quyết định số 1830 về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19; người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động,...
Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội Bình Thuận, tính đến ngày 20/9 toàn tỉnh đã tiếp nhận hồ sơ tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương của 130 doanh nghiệp với 2.242 lao động. Qua đó, UBND tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt hỗ trợ gần 5 tỷ 700 triệu đồng cho 77 doanh nghiệp với 1.435 lao động. Ngoài ra, có hơn 3.188 doanh nghiệp với 86.400 lao động được giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với tổng số tiền gần 28 tỷ đồng.
Riêng chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng Quỹ hưu trí và tử tuất, BHXH tỉnh Bình Thuận đã giải quyết cho 13 doanh nghiệp với 3.797 lao động, tổng số tiền tạm dừng đóng là trên 22 tỷ đồng. Theo bà Lê Thị Hồng Vân – Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bình Thuận, mặc dù đơn vị đã thông báo đến tất cả các doanh nghiệp về các chính sách theo Nghị quyết 68, tuy nhiên đến nay chỉ có 13 doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất, chiếm 0,3% số doanh nghiệp đang tham gia BHXH, BHYT cho người lao động trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Theo bà Vân, nguyên nhân nhiều đơn vị sử dụng lao động không tiếp tục được tạm dừng đóng Quỹ hưu trí và tử tuất trong năm 2020 và 4 tháng đầu năm 2021 là do quy định chỉ thực hiện tối đa 12 tháng. Ngoài ra, nhiều đơn vị sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 không đáp ứng điều kiện "đóng đủ BHXH đến hết tháng 4/2021" theo quy định tại Nghị quyết 68.
Trong thời gian tới, Bình Thuận tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Đồng thời kiến nghị với các Bộ, ngành, trung ương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong tổ chức thực hiện./.