WB dự báo GDP năm 2022 của Việt Nam tăng trưởng 7,5%
VOV.VN - Đây là thông tin được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đưa ra tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, diễn ra chiều tối nay (6/9).
Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, người phát ngôn Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, nhiều tổ chức, chuyên gia uy tín quốc tế đã đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam. Trong đó, Ngân hàng Thế giới dự báo GDP của Việt Nam tăng trưởng 7,5% năm 2022. Và trong sáng 6/9, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's đã nâng tín nhiệm quốc gia Việt Nam từ Ba3 (triển vọng tích cực) lên Ba2 (triển vọng ổn định).
Bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cho rằng, Việt Nam còn không ít khó khăn, thách thức phải đối mặt. "Trong đó nổi lên là sức ép lạm phát cao. Tiến độ giải ngân đầu tư công chậm và chưa đạt mục tiêu. Thu hút vốn FDI chưa được như kỳ vọng. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là tại vùng sâu, xa, biên giới, hải đảo và những người yếu thế. Diễn biến dịch bệnh còn rất phức tạp, còn tâm lý chủ quan trong thực hiện tiêm vacccine...", người phát ngôn Chính phủ nói.
Theo Bộ trưởng Trần Văn Sơn, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cụ thể về các nhiệm vụ cụ thể về kinh tế-xã hội thời gian tới, theo đó, phải xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn là cơ hội và thuận lợi; tiếp tục thực hiện đồng bộ, toàn diện, tổng thể, quyết liệt, hiệu quả các chủ trương, đường lối, các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, tăng cường phân cấp, phân quyền, nắm tình hình, ứng phó diễn biến mới phát sinh.
Cần tiếp tục thực hiện các trọng tâm chỉ đạo, điều hành đã được phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 vừa qua xác định, gồm: "4 ổn định" (ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; ổn định các loại thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội); 3 "tăng cường" (tăng cường nắm tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; tăng cường bảo đảm an sinh xã hội và công tác y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng, tiêm phòng vaccine COVID-19; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nhất là trong hệ thống hành chính nhà nước); "2 đẩy mạnh" (đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và công tác quy hoạch); "1 tiết giảm" là tiết kiệm triệt để, giảm mọi khoản chi tiêu không cần thiết và "1 kiên quyết không" là không điều hành giật cục, chuyển trạng thái đột ngột.
"Thủ tướng yêu cầu tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số, chuyển đổi xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, thúc đẩy tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam; đề xuất thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô. Chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, môi trường, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân", ông Trần Văn Sơn thông tin./.