Hành lang kinh tế Đông Tây:

Xa lộ đã thoáng nhưng còn nhiều điểm chưa thông

Chính thức khai thác từ tháng 12/2006, nhưng các địa phương vẫn chưa phát huy triệt để lợi thế của tuyến Hành lang kinh tế Đông- Tây.

Trục Hành lang kinh tế Đông- Tây dài 1.450 km chạy qua 13 tỉnh của 4 nước là Việt Nam- Lào- Thái Lan và Myanmar. Tại khu vực miền Trung nước ta, trong khi thành phố Đà Nẵng là điểm cuối của tuyến ra biển, thì tỉnh Quảng Trị được coi là cửa ngõ trên Quốc lộ 9 nối sang nước bạn Lào, thẳng đến Mukdahan- cửa ngõ đông-bắc Thái Lan và kéo dài đến tận bờ Ấn Độ Dương của Myanmar tạo nên trục kinh tế năng động của khu vực.

Thủ tục hành chính vẫn rườm rà

Sau 3 năm thí điểm áp dụng mô hình một cửa theo Hiệp định tạo thuận lợi cho vận tải người và hàng hóa qua lại giữa biên giới các nước tiểu vùng Mêkông mở rộng (gọi tắt là Hiệp định GMS), nhưng khâu cải cách hành chính Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo vẫn chưa tạo được sự thông thoáng trong giao thương. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải, du lịch của Lào và Thái Lan cho rằng, tờ khai phương tiện xuất cảnh nhập cảnh tại Cửa khẩu Lao Bảo vẫn còn nhiều mục phải kê khai, vì thế, khách vào Việt Nam phải mất nhiều thời gian làm thủ tục.

Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo

Bà Youthtohu- Chủ hãng xe khách SDT Lào cho biết: từ năm 2000 đến nay từ một vài đầu xe, SDT đã tăng quy mô gấp 10 lần để phục vụ vận chuyển khách từ Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh... đi thủ đô Vientiane. Nhưng thủ tục tại cửa khẩu phía Việt Nam luôn là điều băn khăn của bà Youthtohu: “Khi trình giấy tờ làm thủ tục, chúng tôi phải chờ đến 7h sáng. Trong khi chúng tôi muốn xe phải được hoạt động liên tục. Chúng tôi luôn tuân theo Quy định xuất nhập khẩu của 2 nhà nước nhưng vẫn có một vài cửa khẩu chưa làm được tốt. Mong muốn của chúng tôi là  đường xá phải được nâng cấp, thủ tục đơn giản và không kéo dài thời gian như hiện tại”.

Được xác định là trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm ở khu vực miền Trung Việt Nam và cả Hành lang kinh tế Đông- Tây, những năm qua, thành phố Đà Nẵng chủ động thực hiện các dự án lớn của Chính phủ cùng với sự tài trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á và Chính phủ Nhật Bản như Dự án nâng cấp cảng Tiên Sa, hầm đường bộ Hải Vân...

Từ ngày 11/6/2009, Hiệp định vận tải qua biên giới của các nước tiểu vùng sông Mêkông trên tuyến hành lang Đông- Tây tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo được cụ thể hóa, chính thức áp dụng quyền tham gia giao thông và hệ thống hải quan quá cảnh hàng hoá trong khu vực giữa hai quốc gia và Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào. Theo đó, hàng hoá từ TP Đà Nẵng qua tỉnh Savannakhet- nước bạn Lào sang Thái Lan được chuyển trực tiếp đến đích cuối cùng, rút ngắn đáng kể thời gian vận chuyển theo đường bộ đồng thời góp phần tăng cường trao đổi thương mại và phát triển kinh tế giữa 2 nước.

Tuy vậy, kim ngạch xuất nhập khẩu của Đà Nẵng sang 3 nước Lào, Thái Lan, Myanmar mới đạt khoảng 15 triệu USD, chủ yếu vẫn là hàng thủy sản; còn hàng hoá từ vùng đông bắc Thái Lan, Lào... qua cảng  Tiên Sa- Đà Nẵng mới đạt tỷ trọng 5% đến 10%.

Chung tay khai thác thế mạnh du lịch

Các tỉnh miền Trung với 5 Di sản Văn hoá, Thiên nhiên thế giới, lợi thế bờ biển dài, nhiều bãi tắm đẹp ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Trị- tỉnh đầu cầu xuyên Á phía Việt Nam, là cả một vùng sức hấp dẫn, lôi cuốn du khách khám phá! 10 năm qua, khách quốc tế đến 4 nước Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam đã tăng gấp đôi; tốc độ tăng trưởng luôn ở mức 20%/năm.

Sáng kiến “ba nước, một điểm đến” với ý tưởng “ăn sáng trên đất Thái Lan, ăn trưa tại Lào, tắm biển và ăn tối tại miền Trung Việt Nam” đã thành hiện thực. Ông Narongsakdi, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Mukdahan- Thái Lan, cho biết: “Năm 2008 tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo giữa địa phương và Quảng Trị. Thực hiện bản ghi nhớ giữa 2 bên, chúng tôi đã tổ chức in tập gấp và đĩa CD bằng 4 thứ tiếng Anh, Thái, Lào và Việt. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp tích cực với Quảng Trị để quảng bá, phát triển ngành du lịch giữa các bên”.

Tuy vậy, giữa 3 nước cần có tiếng nói chung trong phương thức khai thác tuyến vận tải đường bộ để làm sao tất cả đều hưởng lợi. Cụ thể như thống nhất giờ làm việc của Hải quan các cửa khẩu; Việc kiểm tra khách và phương tiện qua mạng nhằm rút ngắn thời gian, thống nhất lộ trình tuyến du lịch của 3 nước vào cửa khẩu Lao Bảo- Việt Nam và kết thúc ở Thái Lan tại cửa khẩu Noọng Khai. Kèm theo đó là thúc đẩy cơ sở hạ tầng cho dịch vụ hậu cần, hài hoà các nguyên tắc giao thông, tăng cường sử dụng kho hải quan khô và ứng dụng thẻ gắn chíp để quản lý hàng hóa...

Ông Lê Hữu Thăng- Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết: “Chúng tôi đã xác định Lao Bảo là khu kinh tế động lực của Quảng Trị. Vì vậy, chúng tôi nỗ lực xây dựng Lao Bảo như Quyết định 964 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị để Lao Bảo trở thành đô thị cấp 1”.

Hành lang kinh tế Đông- Tây có ý nghĩa to lớn về kinh tế- xã hội, hợp tác phát triển và xoá đói giảm nghèo cho các vùng, địa phương của Lào, Thái Lan và Việt Nam; góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển và tăng cường liên kết giữa vùng này với những khu vực khác trong ASEAN cũng như với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Hy vọng, cùng với sự “phá bỏ” rào cản vận chuyển đường bộ, chủ động hợp tác, lúc đó Hành lang kinh tế Đông- Tây sẽ chứng minh được hiệu quả của nó. Nói một cách hình ảnh: Các con đường mòn nhỏ hẹp và bụi bặm đã nhường chỗ cho những xa lộ hiện đại được sử dụng để vận chuyển hàng hoá, đưa du khách thăm viếng, qua lại trong ngày.

Ông Suphan Kaew Mee Chai- Phó tỉnh trưởng Savanakhet- CHDCND Lào nói: “Tôi cho rằng, doanh nghiệp kinh doanh du lịch các địa phương của 3 nước liên kết chặt chẽ, kết nối các tour du lịch và khai thác thị trường mới; hỗ trợ nhau đào tạo nhân lực. Nếu được, các nước cùng đầu tư hợp tác. Ví dụ Savanakhet có nhiều cảnh đẹp, nhưng không có điều kiện để xây dựng, vì vậy chúng tôi có thể thu hút doanh nghiệp của Việt Nam hay Thái Lan đầu tư vào các khu du lịch, hệ thống dịch vụ...”.

Khi cầu Hữu Nghị III nối Nakhonphanom (Thái Lan) với Khăm Muộn (Lào) đưa vào sử dụng, chắc chắn lượng khách và hàng hoá xuất nhập cảnh vào nước ta sẽ tăng nhanh. Trong tương lai gần, các địa phương của Việt Nam nằm ở điểm cuối sẽ là đầu mối thông thương ra biển Đông không chỉ của Hành lang kinh tế Đông- Tây mà của cả Tiểu vùng Mê Kông mở rộng.

Và như vậy, năm 2010, lượng hàng hoá xuất nhập khẩu của Thái Lan qua cảng Tiên Sa ở Đà Nẵng- Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 10% như mong muốn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên