Xây dựng đô thị thông minh: Người dân phải làm trung tâm
VOV.VN - Cách xây dựng đô thị thông minh ở mỗi địa phương khác nhau, nhưng đều có mục tiêu chung là lấy người dân làm trung tâm cho sự phát triển.
Theo mục tiêu của Chính phủ đề ra tại đề án phát triển đô thị thông minh, đến năm 2025 Việt Nam có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Đến 2030, hình thành một chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm, từng bước kết nối với đô thị thông minh của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Dù tiếp cận việc xây dựng đô thị thông minh ở mỗi địa phương là khác nhau, nhưng các tỉnh, thành phố đều có mục tiêu chung là: Xây dựng đô thị thông minh cần lấy người dân làm trung tâm cho sự phát triển.
Thừa Thiên Huế là một trong 30 tỉnh, thành phố trên cả nước đang triển khai một số hạng mục xây dựng đô thị thông minh. Việc ứng dụng công nghệ mới vào xử lý thông tin, dữ liệu và minh bạch các thủ tục hành chính công đang mang lại nhiều thuận lợi cho người dân.
Việt Nam đang có nhiều lựa chọn khi đưa ra giải pháp phát triển đô thị thông minh phù hợp với tình hình thực tế. |
Được triển khai từ tháng 1/2019, Trung tâm giám sát điều hành Hue IOC đã giám sát và điều hành một loạt dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh Thừa thiên Huế. Chỉ với 14 người trong một phiên trực, Hue IOC xử lý từ an ninh trật tự, giao thông, môi trường, phòng chống cháy nổ và an ninh trật tự. Thậm chí, trung tâm IOC còn giúp tổng hợp, cảnh báo tình hình thực hiện công việc của các cán bộ viên chức chính quyền thông qua giám sát hoạt động thẻ từ.
Toàn bộ khối lượng công việc này trước đây là của hàng trăm cán bộ, nay bằng các giải pháp thông minh, chỉ cần 37 cán bộ của Sở Thông tin và Truyền thông có thể đảm đương. Đối với các doanh nghiệp đầu tư vào Thừa Thiên Huế, việc giải quyết thủ tục hành chính rút ngắn đáng kể về thời gian, có thủ tục rút ngắn đến 60% thời gian so với trước đây. Nhờ sự tham gia, phản biện của người dân và doanh nghiệp, tỉnh này đã phát hiện và xử lý được nhiều vấn đề bức xúc trong xã hội một cách có hiệu quả.
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trước khi triển khai các dịch vụ đô thị thông minh, mỗi năm Sở tiếp nhận nhiều lắm cũng chỉ khoảng 20 vụ việc phản ánh nguyện vọng của người dân để xử lý.
“Từ khi triển khai các dịch vụ đô thị thông minh, với mục tiêu công khai và tương tác, Sở nhận được hơn 300 vụ việc phản ánh của người dân, một con số tăng rất lớn. Với những dữ liệu được đánh giá và phân tích, người dân tham gia phản biện, đóng góp và góp ý khá nhiều”, ông Sơn cho biết.
Từ kinh nghiệm xây dựng đô thị thông minh thành công của một số nước phát triển, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang có nhiều lựa chọn khi đưa ra giải pháp phát triển đô thị thông minh phù hợp với tình hình thực tế. Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này, nếu nước ta tận dụng được những thành tựu của khoa học công nghệ, thì hiệu quả mang lại sẽ rất cao.
Trên quan điểm phát triển đô thị lấy người dân làm trung tâm, ông Trần Quốc Thái, Phó Cục trưởng Cục phát triển đô thị, Bộ Xây dựng cho rằng, hệ thống dữ liệu là “trái tim” của thành phố thông minh.
“Chính phủ đã xác định 10 nhóm giải pháp, từ việc hoàn thiện hệ thống pháp lý, phát triển hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, hình thành kết nối cơ sở dữ liệu. Đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, xây dựng nền tảng về nhân lực, con người và công nghệ. Việt Nam có những cách tiếp cận khác nhau về đô thị thông minh từ kinh nghiệm của thế giới, với những cách tiếp cận thiên về công nghệ, có cách tiếp cận thiên về giải quyết những vấn đề bức xúc của từng đô thị”, ông Thái hân tích.
Việc xây dựng đô thị thông minh, có vai trò rất quan trọng của các doanh nghiệp. Chính doanh nghiệp là thành phần có nhiều nguồn lực, đi đầu trong ứng dụng công nghệ mới vào thực tế để mang lại hiệu quả cao trong quản trị và hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Được biết, nhiều tỉnh, thành phố đang thực hiện những bước đi đầu tiên ứng dụng các công nghệ 4.0 xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, đô thị thông minh theo hướng hiện đại, bền vững, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.
Trong thành phố thông minh, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ mang lại hiệu quả trong quy hoạch và quản lý đô thị. Bên cạnh đó, hệ thống quan trắc, giám sát hiện đại được ứng dụng, sẽ giúp phát hiện và ngăn ngừa tội phạm, bảo vệ an toàn cho người dân.
Trong một diễn đàn mới đây về phát triển đô thị thông minh, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng khẳng định: Việc xây dựng đô thị thông minh cần hướng tới mục tiêu để mọi thành phần trong xã hội có thể được thụ hưởng. Để xây dựng thành công đô thị thông minh, các địa phương cần nhận thức đúng và tránh đầu tư dàn trải theo phong trào.
“Trong quá trình triển khai cần quán triệt nguyên tắc xây dựng trên nền tảng dùng chung, dữ liệu tập trung, giám sát điều hành tập trung để đảm bảo hiệu quả đầu tư. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn an ninh mạng ngay từ giai đoạn đầu để xây dựng, triển khai đô thị thông minh”, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng chỉ rõ./.
Phát triển đô thị thông minh cần giải pháp đồng bộ