Xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi quan trọng nhất là đầu ra
VOV.VN - Bàn giải pháp chủ động nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước, sáng nay (5/1) tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo “Triển vọng phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi ngô, sắn tại khu vực Tây Nguyên”.
Để phát triển chuỗi giá trị ngô và sắn, thời gian qua Tập đoàn De Heus (Hà Lan) đã khảo sát vùng nguyên liệu tại 3 tỉnh ở khu vực Tây Nguyên gồm: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum. Qua khảo sát cho thấy, ngô và sắn còn nhiều cơ hội để gia tăng chuỗi giá trị khi tham gia vào chuỗi sản xuất thức ăn chăn nuôi, giảm áp lực từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước hiện chỉ đáp ứng từ 30% đến 35% so với nhu cầu trong khi chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm đến 65% đến 70% giá thành. Do vậy, nếu không chủ động nguồn nguyên liệu sẽ ảnh hưởng lớn đến giá thành sản phẩm chăn nuôi, giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp...
Ông Nguyễn Quang Tin, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị: “Ngô và sắn đều có những kỹ thuật canh tác có thể sản xuất ra sản phẩm cạnh tranh với các loại cây trồng khác, tuy nhiên phải tính toán được giá của sản phẩm khi sản xuất. Để thuận lợi khi triển khai, cần đưa ra giá cạnh tranh qua đó ký kết hợp đồng với nông dân và địa phương”.
Nhấn mạnh đến việc phối hợp với doanh nghiệp trong triển khai các mô hình liên kết từ giống cây trồng, sơ chế, chế biến và thu mua nguyên liệu thông qua nông dân và các hợp tác xã, nhiều ý kiến đề nghị cần có cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư và chuyển giao các giải pháp kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất đến nông dân. Đồng thời hỗ trợ thành lập và phát triển các hợp tác xã ngô và sắn để nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ đầu vào cho nông dân trong sản xuất, bảo quản, chế biến để mở rộng quy mô, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng: “Tây Nguyên là vùng thuận lợi để phát triển một số loại cây trồng làm thức ăn xanh sinh khối như: ngô, sắn. Để cạnh tranh với những loại cây trồng khác ở khu vực này phải làm sao nâng cao được hiệu quả kinh tế. Muốn xây dựng được vùng nguyên liệu lớn đáp ứng quy mô công nghiệp phải xây dựng mối liên kết giữa nông dân, hợp tác xã qua đó liên kết với doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm đầu ra”.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, vai trò của ngành chăn nuôi là rất quan trọng trong tăng trưởng của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để xây dựng ngành chăn nuôi tự chủ trong bối cảnh hội nhập một trong những giải pháp là phải chủ động được nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước. Thành lập vùng nguyên liệu, quan trọng nhất là đầu ra tiêu thụ, Bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu, qua đó giúp nông dân và hợp tác xã nơi triển khai dự án hưởng lợi./.