Xu hướng then chốt của ngân hàng số tại Việt Nam
VOV.VN - Thanh toán, AI và ESG được cho sẽ là những xu hướng then chốt giúp thúc đẩy quá trình phát triển của ngân hàng số tại Việt Nam.
Đổi mới công nghệ đang ngày càng hiện diện sâu và rộng trong nền kinh tế với những ứng dụng các công nghệ: Big Data, Blockchain, Fintech… ngành Ngân hàng không thể đứng ngoài cuộc “chuyển mình” trong CMCN 4.0.
Trong những năm gần đây, mô hình ngân hàng số đã có những bước phát triển nhanh chóng. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong năm 2023 tăng trưởng khả quan. Số lượng giao dịch TTKDTM tăng từ 50,3-99,1%, giá trị tăng từ 5,4-10,8% tùy phương thức thanh toán; các hệ thống thanh toán được vận hành ổn định, thông suốt và an toàn.
Ngành ngân hàng là ngành tiên phong trong chuyển đổi số; nhiều sản phẩm, dịch vụ cung ứng cho khách hàng đã được số hóa, trong đó nhiều nghiệp vụ đã số hoá 100% góp phần hỗ trợ khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng, giảm chi phí cho nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Trong phương hướng, nhiệm vụ hoạt động ngân hàng năm 2024, Ngân hàng Nhà nước cũng xác định rõ ràng mục tiêu tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng và hoạt động TTKDTM, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, ngân hàng số, thanh toán số. Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán và chuyển đổi số.
Các yếu tố then chốt của ngân hàng số
Trong năm 2023, ngành ngân hàng toàn cầu phải đối mặt với nhiều thử thách do biến động kinh tế vĩ mô. Bởi thế, động thái các ngân hàng bán lẻ chú trọng tới việc phục hồi và đổi mới được xem như một tín hiệu tích cực, đặc biệt trong bối cảnh các ngân hàng Việt Nam đang đặt mục tiêu bứt phá trong năm mới Nhâm Thìn.
Bước vào năm 2024, những xu hướng nào sẽ mang đến dấu ấn mạnh mẽ với ngành ngân hàng Việt Nam? Theo phân tích của ông Swapnil Deshmukh, Giám đốc Khu vực - Ngân hàng Số Infinity, Temenos khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, có 3 xu hương xu hướng then chốt giúp thúc đẩy quá trình phát triển của ngành ngân hàng số Việt Nam, đó là: Thanh toán, Trí tuệ nhân tạo (AI) và ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị).
Thanh toán không tiền mặt
Năm 2023, Việt Nam đã trở thành quốc gia thứ ba tại khu vực Đông Nam Á hỗ trợ Apple Pay, chỉ sau Malaysia và Singapore.
Chính phủ Việt Nam vừa gia hạn thời gian thí điểm tài khoản thanh toán viễn thông (telecom payment account) dùng để thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ đến hết ngày 31/12/2024. Việt Nam đã bắt đầu thí điểm hình thức thanh toán này từ ngày 9/3/2021, cho phép người dùng thực hiện nhiều giao dịch khác nhau qua tài khoản mạng viễn thông, như trả tiền hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ, chuyển tiền, nạp và rút tiền tại các điểm giao dịch của nhà mạng trên toàn quốc mà không cần sở hữu tài khoản ngân hàng, điện thoại thông minh hay kết nối internet.
Việt Nam cũng đặt mục tiêu giảm tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt xuống còn 8% vào năm 2025. Điều này mở ra cơ hội lớn cho các ngân hàng gia tăng doanh thu từ phí dịch vụ thông qua việc cung cấp các giải pháp thanh toán đa kênh cho khách hàng và đối tác thương mại. Các giải pháp mới này có thể đóng vai trò như một “mảnh ghép” trong các dịch vụ kỹ thuật số mà ngân hàng cung cấp.
Trí tuệ nhân tạo
Năm 2023 cũng đánh dấu cột mốc quan trọng, khi trí tuệ nhân tạo trở thành tâm điểm trên quy mô toàn cầu. AI đực cho là sẽ có ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực ngân hàng, và việc khai thác tiềm năng của AI là yếu tố cốt lõi giúp các ngân hàng tạo ra sự khác biệt quan trọng trong tương lai.
Các ngân hàng và tổ chức tài chính có thể định hình lại thị trường cạnh tranh trong ngành dịch vụ tài chính bằng cách sử dụng AI để thu hút, tăng cường kết nối với khách hàng và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động. AI cung cấp khả năng đánh giá tín dụng nhanh chóng hơn cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp, đồng thời giúp quá trình thẩm định tín dụng và thu hồi nợ trở nên minh bạch và đáng tin cậy hơn.
Công nghệ này cũng tăng cường khả năng bảo vệ, phát hiện gian lận, cải thiện quy trình xử lý các khiếu nại, tranh chấp, và tự động hóa dịch vụ tư vấn tài chính.
ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị)
Việt Nam là một trong những quốc gia có khả năng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu, với tổn thất ước tính lên tới 523 tỷ USD, tương đương 14,5% GDP vào năm 2050. Bởi thế, việc phát triển tài chính xanh đóng vai trò quan trọng trên hành trình phát triển bền vững.
Theo một nghiên cứu mới đây thực hiện bởi Economist Impact Research, xu hướng lấy khách hàng làm trung tâm đang thúc đẩy ngành ngân hàng tích cực tích hợp các yếu tố ESG vào sản phẩm và dịch vụ của mình (73% ngân hàng tham gia khảo sát), đồng thời cấp vốn cho những dự án thân thiện với môi trường (74% ngân hàng tham gia khảo sát). Những con số này không chỉ phản ánh một xu hướng thị trường đang trỗi dậy, mà còn mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp.