Xử lý nghiêm những doanh nghiệp bán phá giá gạo

Với những biện pháp điều hành quyết liệt từ Bộ Công thương, hy vọng năm nay nông dân đồng bằng sông Cửu Long không còn ám ảnh nỗi lo “được mùa, mất giá”

Hiện nay, các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang chuẩn bị thu hoạch rộ vụ lúa đông xuân. Nếu nông dân ở đây đang canh cánh nỗi lo được mùa, mất giá thì nhiều đơn vị kinh doanh lúa gạo cũng mang tâm trạng bất an khi năm nào cũng có những doanh nghiệp không tuân thủ qui định chung, ngang nhiên bán phá giá gạo, khiến cho gạo Việt Nam bị mất giá trên thị trường thế giới.

Ở hội nghị tổng kết xuất khẩu gạo năm 2009 và triển khai mua vào lúa gạo hàng hóa vụ Đông xuân 2009-2010 vừa được tổ chức ở tỉnh An Giang, Hiệp hội lương thực Việt Nam thông báo từ nay cho đến cuối tháng 4 sẽ triển khai cho 30 doanh nghiệp thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo hàng hóa tại đồng bằng sông Cửu Long theo giá thị trường nhưng tối thiểu không dưới 4.000 đồng/ kg lúa khô để đảm bảo cho nông dân có lãi không dưới 30% theo chỉ đạo của Chính phủ. Ông Phạm Văn Bảy- Phó chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam nói: “Khoảng 10- 15 ngày nữa là vào vụ chính của đồng bằng sông Cửu Long, khi thu hoạch rộ bà con có nhu cầu bán rất lớn,vì vậy doanh nghiệp phải tăng tốc độ mua. Còn doanh nghiệp có nghĩa vụ mua thì sẽ có quyền lợi như: những hợp đồng mà Hiệp hội đã phân bổ thì được ưu tiên trước để trống kho để mua, những hợp đồng sắp tới đã kí được cũng ưu tiên cho 30 doanh nghiệp có điều kiện giải quyết 1 triệu tấn lúa tạm trữ đã mua”.

Mặc dù đã có những cơ chế ưu đãi nhưng các doanh nghiệp thu mua lúa gạo tạm trữ vẫn không khỏi âu lo khi cho rằng vai trò cũng như công tác điều hành xuất khẩu gạo thời gian qua của Hiệp hội lương thực Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế như: Chưa tạo được sự đồng thuận cao trong hoạt động xuất khẩu gạo; chưa tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu gạo; công tác điều phối còn chủ quan, bị động, mang tính giải quyết tình thế nên đã ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và gây khó khăn cho một số doanh nghiệp. Hiện tượng bán phá giá của nhiều doanh nghiệp kéo dài nhưng đến nay vẫn chưa có các biện pháp chế tài nghiêm khắc. Vì vậy đã làm cho các doanh nghiệp thực hiện tốt quy định về giá sàn bị thiệt thòi.

Đặc biệt trong thời gian qua có quá nhiều doanh nghiệp không có điều kiện kinh doanh, thiếu đầu tư cơ sở vật chất, thiếu chiến lược kinh doanh dài hạn, chỉ tranh mua tranh bán nhất thời theo biến động của thị trường nên đã gây ảnh hưởng xấu đến cân đối cung cầu và giá cả. Theo thống kê trong năm ngoái có đến 216 doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhưng chỉ có 63 doanh nghiệp xuất khẩu từ 10.000 tấn trở lên; 15 doanh nghiệp xuất khẩu từ 5.000 - 10.000 tấn; 44 doanh nghiệp xuất khẩu từ 1.000 - 5.000 tấn và có đến 82 doanh nghiệp xuất khẩu dưới 500 tấn, cá biệt có doanh nghiệp chỉ xuất 1 tấn/ năm. Ông Lê Minh Trượng- Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu  bức xúc:“Vì lượng khách hàng mua gạo ở Việt Nam không nhiều, các doanh ngiệp xuất khẩu trong nước thì lại cạnh tranh nhau, do đó họ liên tục chào bán với giá thấp để có thể bán được hàng, thậm chí có doanh nghiệp chào bán dưới giá sàn mà Hiệp hội qui định. Như hiện nay Hiệp hội qui định giá sàn là 420 USD nhưng có doanh nghiệp chào bán ở mức 380 USD và việc chào bán này gây ra hiện tượng làm cho các khách hàng mua gạo Việt Nam có điều kiện để trả giá thấp và ép giá các doanh nghiệp chào bán theo giá sàn qui định.”

Trước những bức xúc mà các doanh nghiệp đặt ra, Bộ công thương cũng như Hiệp hội lương thực Việt Nam cho biết đã có cơ chế điều hành theo chỉ đạo chung của Chính phủ đó là buộc các doanh nghiệp phải ký kết hợp đồng ở mức giá được hướng dẫn để bảo đảm hiệu quả xuất khẩu. Việc xuất khẩu không chỉ xuất cho hết số lượng hàng hoá thừa mà còn phải bảo đảm hiệu quả trên cơ sở giá thị trường. Doanh nghiệp nào không chấp hành, bán phá giá thì sẽ có biện pháp chế tài. Ông Nguyễn Thành Biên - Thứ trưởng Bộ công thương cho biết: “Chúng tôi cùng với Hiệp hội lương thực đang chỉ đạo để kiểm tra và giám sát kế hoạch triển khai mua tạm trữ cũng như thực hiện các hợp đồng thương mại, trong đó chúng tôi giao cho Hiệp hội có biện pháp phối hợp với các cơ quan chức năng trong khâu đăng kí hợp đồng cũng như thực hiện giao hàng để giám sát việc đăng kí giá xuất khẩu và sẽ xử lí nghiêm những hiện tượng doanh nghiệp khai báo hoặc đăng kí giá thấp hơn so với giá thực tế trong hợp đồng và nếu phát hiện hiện tượng gian lận giá thì sẽ áp dụng các biện pháp chế tài cương quyết, thậm chí là rút giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp.”

Hy vọng với những giải pháp quyết liệt trên, năm nay Việt Nam sẽ tiếp tục thành công trong công tác điều hành xuất khẩu gạo, đặc biệt sẽ giúp cho nông dân đồng bằng sông Cửu Long- những người trực tiếp làm ra hạt lúa không còn ám ảnh với nỗi lo “được mùa, mất giá”
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên