Xuất khẩu 2009: Tìm hướng vượt “thác”

Bộ Công Thương đã đề ra 6 biện pháp nhằm thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu. Trong đó có việc nâng cao chất lượng đối với các mặt hàng xuất khẩu truyền thống, nhất là nông, lâm, thuỷ sản

Năm 2008, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng gần 32%, vượt khá cao so với dự kiến ban đầu từ 22-25% mà Bộ Công thương đề ra. Sang năm 2009, dự báo hoạt động xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới. Vì thế, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2009 rất khiêm tốn, chỉ là 13%. Thế nhưng, theo Bộ Công thương không dễ để đạt được mục tiêu này.

Tăng kim ngạch chủ yếu do tăng giá
Vì sao xuất khẩu năm 2008 tăng cao so với dự kiến? Ông Lê Dương Quang, Thứ trưởng Bộ Công thương phân tích: “Trước hết là do kết quả của tăng trưởng sản xuất liên tục nhiều năm, tăng trưởng chung của các ngành công nghiệp những năm gần đây trung bình từ 16,5% - 17% nên chúng ta mới có nhiều hàng xuất khẩu. Thứ hai là nhờ các giải pháp chỉ đạo của Chính phủ như: mở rộng thị trường, tăng cường năng lực sản xuất và các chính sách khuyến khích xuất khẩu… Thứ ba là nhiều tháng của năm 2008, giá nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng”. Từ tháng 1 đến hết tháng 8/2008, giá dầu thô trung bình là 117 USD/thùng (gần gấp đôi so với dự kiến ban đầu) nên chỉ trong vòng 8 tháng, ngành dầu khí đã xuất khẩu bằng 106% kế hoạch năm, đạt trên 8 tỉ USD.

Thế nhưng, liên tiếp 4 tháng cuối năm 2008, các mặc hàng xuất khẩu chủ lực như gạo, cà phê, cao su, dầu thô đều giảm giá. Nếu so với giữa năm, giá gạo giảm 60%, cà phê giảm 30%, cao su giảm 55%, dầu thô giảm 60%. Kim ngạch xuất khẩu từ tháng 7/2008 liên tục giảm. Các đơn hàng xuất khẩu dệt may, hạt điều, hạt tiêu, đồ gỗ vào thị trường châu Âu, Mỹ và Nhật Bản cũng giảm từ 20% - 30%. Hàng thuỷ sản xuất khẩu vào Liên bang Nga bị ứ đọng do khách hàng không có khả năng thanh toán; thậm chí nhiều hợp đồng đã ký bị đình hoãn, lùi thời gian giao hàng sang năm 2009.

Xuất khẩu năm 2009 – nhiều khó khăn
Mặc dù mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu đặt ra cho năm 2009 chỉ là 13%, một mức thấp hơn rất nhiều so với năm 2008, nhưng theo Thứ trưởng Lê Dương Quang: “Do giá cả hàng hóa giảm sâu, nên đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 13% là hết sức khó khăn”. Dự báo 2009, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Hàng hoá của Việt Nam phải cạnh tranh quyết liệt hơn với hàng hoá cùng chủng loại của các nước châu Á. Nhu cầu tiêu dùng thế giới sẽ giảm sút, do đó xuất khẩu những mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản sẽ giảm sút mạnh về giá trị trong năm tới.

“Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao phải xác định việc xúc tiến thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2009” -  Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội).

Riêng lượng dầu thô xuất khẩu giảm từ 3,2 triệu tấn đến 4 triệu tấn do phải cung cấp cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ đi vào hoạt động trong tháng 2/2009. Các mặt hàng có kim ngạch lớn như dệt may và da giày sẽ gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu, nhiều hàng rào phi thuế và các biện pháp bảo hộ tinh vi được các nước dựng lên nhằm hạn chế nhập khẩu.

Bộ Công thương đã đề ra 6 biện pháp nhằm thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu (nhưng nhìn chung so với mọi năm chưa có gì đột phá). Trong đó có việc nâng cao chất lượng đối với các mặt hàng xuất khẩu truyền thống, nhất là nông, lâm, thuỷ sản. Tiếp đến là đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có kim ngạch lớn, có khả năng tăng trưởng cao; đồng thời tìm kiếm và mở rộng thị trường mới. Ví dụ, thị trường 54 nước châu Phi, mới chỉ có 5 văn phòng đại diện thương mại, với kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt vài trăm triệu đô la/ năm. Trong khi đó, các doanh nghiệp châu Phi vừa có thể nhập khẩu hàng hoá, vừa hợp tác sản xuất với doanh nghiệp trong nước các mặt hàng có thế mạnh như: gạo, cà phê, giày dép, linh kiện điện tử.

Về chính sách thuế nhằm khuyến khích xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, “sẽ rà soát, điều chỉnh chính sách theo hướng mở; không tăng thuế nhập khẩu các mặt hàng là đầu vào sản xuất; tạo mặt bằng chung với thị trường thế giới và kích thích sản xuất, tiêu dùng”.

Bộ Tài chính tập trung ba nhóm giải pháp chính: nhóm thứ nhất là rà soát các loại thuế của hàng xuất khẩu hiện nay, giảm tối đa đảm bảo khuyến khích xuất khẩu (mới đây đã giảm đối với các sản phẩm gỗ, dệt may). Thứ hai là bổ sung những bất cập về chính sách để đảm bảo hoàn thuế VAT nhanh đối với nhà xuất khẩu. Nhóm thứ ba là cải cách các thủ tục hành chính về hải quan, cho phép doanh nghiệp làm thủ tục tại những nơi đủ điều kiện, ví dụ tại cảng cạn, tại nhà máy./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên