Xuất khẩu 2023 và những “đòi hỏi” cao từ các FTA thế hệ mới

VOV.VN - Trong bối cảnh tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng và đòi hỏi trên toàn cầu như một giải pháp tích cực để giảm phát thải nhà kính, nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới mục tiêu trung hòa cacbon và phát triển bền vững, Việt Nam cần quan tâm tới “tính xanh” của chuỗi sản xuất.

Kể từ đầu năm nay (1/1/2023), khi xuất khẩu hàng hoá vào các thị trường có ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (Hiệp định EVFTA), các doanh nghiệp Việt Nam không còn được áp dụng cơ chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) mà phải áp dụng cơ chế ưu đãi thuế quan theo các cam kết của Hiệp định EVFTA. Năm 2023 cũng bước sang năm thứ 5 Việt Nam thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với các yêu cầu cao hơn về tiêu chuẩn “xanh” đối với sản phẩm, hàng hoá khi xuất khẩu vào các thị trường này.

Thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) chính là thực thi các cam kết, trọng tâm là việc xóa bỏ và cắt giảm thuế quan nhập khẩu hàng hoá theo “lộ trình”. Nghĩa là, khi đàm phán ký kết một FTA nào đó, các nhà đàm phán đều dựa trên trình độ, năng lực của quốc gia mình để đảm bảo doanh nghiệp và nền kinh tế có thể đáp ứng theo “lộ trình” đó. Và đương nhiên, lộ trình thường được đặt ra trong những khoảng thời gian nhất định, với các yêu cầu ngày càng khắt khe hơn.

Ví dụ như việc xóa bỏ thuế nhập khẩu (về 0%) trong Hiệp định CPTPP phần lớn là lộ trình 3-7 năm (một số trường hợp, lộ trình có thể trên 10 năm và  có một số rất ít dòng thuế có lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu kéo dài trên 20 năm). Việt Nam khi tham gia vào sân chơi FTA vừa là để có thêm cơ hội thị trường, cũng vừa để khẳng định tuân thủ sự cạnh tranh sống còn trong sự tồn tại tất yếu, không thể khác của một nền kinh tế “mở”.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục XNK, Bộ Công Thương cho rằng: “Cuộc cạnh tranh để chúng ta đẩy mạnh xuất khẩu thì thực chất đây cũng là một cuộc cạnh tranh không ngừng để có thể tự đổi mới mình và nâng cao chất lượng cũng như đáp ứng được tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng”.

Thế nhưng, với một cộng đồng doanh nghiệp có tới hơn 96% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiềm lực còn hạn chế thì để đẩy mạnh đổi mới công nghệ, đầu tư sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường cho giá trị cao không hề dễ dàng.

Tại hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tổ chức vào ngày 31/1/2023, Tham tán Thương mại Việt Nam Nguyễn Thị Hoàng Thúy - phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na uy, Latvia) nếu thực tế, các nước Bắc Âu đặc biệt quan tâm đến các vấn đề biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Trong dự toán ngân sách năm 2023 của các nước này đều có khoản dự chi ngân sách cho hoạt động đầu tư xanh, hỗ trợ bảo vệ môi trường.

Điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các hành vi tiêu dùng của người dân Bắc Âu - với xu hướng sử dụng các sản phẩm xanh tái chế, thân thiện với môi trường vẫn sẽ tiếp tục được ưa chuộng tại Bắc Âu.

Tham tán Thương mại Việt Nam Nguyễn Thị Hoàng Thúy nhấn mạnh tới “Thoả thuận xanh châu Âu”, với hàng loạt các chiến lược được đưa ra nhằm mục tiêu “làm cho EU trở nên trung lập với khí hậu vào năm 2050”, doanh nghiệp Việt Nam cần phải nắm được các quy định cũng như xu hướng thị trường để đảm bảo các yêu cầu khi muốn xuất khẩu vào thị trường này.

“Chiến lược từ trang trại đến bàn ăn, tức là một trong những mục tiêu quan trọng nhất là giảm 50% việc sử dụng thuốc trừ sâu vào năm 2030. Do vậy, các nhà cung cấp và nông dân sẽ phải tìm kiếm các giải pháp thay thế hiện đại để thay thế biện pháp kiểm soát dịch hại truyền thống. Nông dân cũng có thể phải điều chỉnh các phương thức canh tác của họ để đáp ứng các quy định mới. Đây chính là lý do tại sao mà EU thường xuyên đưa ra các rà soát về việc vượt ngưỡng các chất bị cấm” - bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy nói.

Là một ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ngành da giày Việt Nam xác định việc tuân thủ, đáp ứng các tiêu chuẩn cao của các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA đem lại cả thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp và người lao động Việt Nam.

Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam nêu thực tế: “Các yêu cầu, đặc biệt là các yêu cầu về sản xuất xanh đối với những chuỗi cung ứng là một thách thức đặt ra, vậy thì đối với doanh nghiệp của ngành da giầy trước tiên là các doanh nghiệp phải cập nhật các thông tin thường xuyên.

Cụ thể, phía EU chúng ta thấy là đạo luật liên quan đến vấn đề tuân thủ tiêu chuẩn hàng hóa an toàn khi sản xuất xuất khẩu vào thị trường EU thì đạo luật này được cập nhật hằng năm. Thứ hai nữa là sắp tới thì thị trường Đức cũng đưa ra một đạo luật mới về tăng cường tham vấn trong chuỗi cung ứng đối với bên thứ ba. Đây cũng là một trong những điều kiện các doanh nghiệp phải đáp ứng tuân thủ. Nếu như chúng ta mà không đáp ứng thì sẽ thất bại khi xuất khẩu vào thị trường này”.

Từ thực tế hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm hữu cơ (là các loại thực phẩm được sản xuất và chế biến không dùng hóa chất như phân bón hóa học, chất bảo quản, thuốc trừ sâu, hormon tăng trưởng, kháng sinh hay những sinh vật biến đổi gen…).

Ông Phạm Minh Đức - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hữu cơ Việt Nam cho rằng, cùng với nỗ lực của doanh nghiệp trong việc đáp ứng tiêu chuẩn cao của hàng hoá thì việc tiếp cận thị trường, để doanh nghiệp hiểu hơn các thị trường có vai trò quan trọng của cơ quan quản lý Nhà nước. Bởi, mặc dù tiềm năng xuất khẩu của các sản phẩm hữu cơ rất lớn, nhưng khả năng tiếp cận các thị trường còn hạn chế do khả năng khó “vươn xa” của doanh nghiệp nhỏ và vừa:

“Hiện nay các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam thì đều đã có chứng nhận hữu cơ, xuất khẩu theo tiêu chuẩn EU và Mỹ rồi. Ví dụ như sản phẩm tôm, gạo, sữa, điều, tiêu, cà phê, chè và một số loại gia vị đặc biệt. Tuy nhiên, sản lượng sản xuất được của ngành hữu cơ thì chưa lớn và hiện nay phần lớn các sản phẩm vẫn đang phải xuất ở dạng nguyên liệu thô. Phần lớn các doanh nghiệp này cũng đã phát triển các sản phẩm cao cấp, có đóng gói, có thương hiệu, nhưng thực tế thì chưa tiếp cận được sâu vào thị trường người tiêu dùng cuối cùng” - ông Phạm Minh Đức nói.

Chiến lược xuất nhập khẩu Việt Nam đến năm 2030 đặt mục tiêu xuất khẩu phát triển bền vững với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 6-7%/năm trong thời kỳ 2021 - 2030… Riêng trong năm 2023, Bộ Công Thương đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu khoảng 6% so với năm 2022. Nhiều ý kiến cho rằng đây là mục tiêu khá “khiêm tốn”, song cơ quan quản lý nhà nước khẳng định, để đạt được là “không hề dễ dàng”.

Bên cạnh các khó khăn thách thức của suy giảm kinh tế toàn cầu, của lạm phát dẫn đến hạn chế chi tiêu các mặt hàng tiêu dùng không thật sự thiết yếu… thì còn phải làm sao để đảm bảo đáp ứng được tiêu chuẩn ngày càng cao của các thị trường và ý thức của người tiêu dùng đang ngày càng coi trọng việc bảo vệ môi trường, phát triển xanh và bền vững./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Xuất khẩu 2021 “vượt bão” Covid-19, khai thác cơ hội từ các FTA thế hệ mới
Xuất khẩu 2021 “vượt bão” Covid-19, khai thác cơ hội từ các FTA thế hệ mới

VOV.VN - Trong 1 năm đầy khó khăn bởi tác động của đại dịch Covid-19, sản xuất nông nghiệp vẫn giữ đà tăng trưởng, bảo đảm an ninh lương thực, gia tăng giá trị chuỗi sản xuất nông sản hàng hóa, đóng góp vào kết quả tăng trưởng xuất khẩu ngoạn mục trong năm nay.

Xuất khẩu 2021 “vượt bão” Covid-19, khai thác cơ hội từ các FTA thế hệ mới

Xuất khẩu 2021 “vượt bão” Covid-19, khai thác cơ hội từ các FTA thế hệ mới

VOV.VN - Trong 1 năm đầy khó khăn bởi tác động của đại dịch Covid-19, sản xuất nông nghiệp vẫn giữ đà tăng trưởng, bảo đảm an ninh lương thực, gia tăng giá trị chuỗi sản xuất nông sản hàng hóa, đóng góp vào kết quả tăng trưởng xuất khẩu ngoạn mục trong năm nay.

Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại trong các FTA thế hệ mới
Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại trong các FTA thế hệ mới

VOV.VN - Lựa chọn một số ngành sản xuất nền tảng, có tác động quan trọng đến phát triển kinh tế - xã hội để tăng cường năng lực PVTM trong quá trình thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại trong các FTA thế hệ mới

Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại trong các FTA thế hệ mới

VOV.VN - Lựa chọn một số ngành sản xuất nền tảng, có tác động quan trọng đến phát triển kinh tế - xã hội để tăng cường năng lực PVTM trong quá trình thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA).

FTA thế hệ mới: Dấu mốc quan trọng trên con đường hội nhập
FTA thế hệ mới: Dấu mốc quan trọng trên con đường hội nhập

VOV.VN - Chỉ tính riêng giai đoạn 5 năm vừa qua, Việt Nam đã chủ động đàm phán và ký kết 5 Hiệp định thương mại với các đối tác lớn.

FTA thế hệ mới: Dấu mốc quan trọng trên con đường hội nhập

FTA thế hệ mới: Dấu mốc quan trọng trên con đường hội nhập

VOV.VN - Chỉ tính riêng giai đoạn 5 năm vừa qua, Việt Nam đã chủ động đàm phán và ký kết 5 Hiệp định thương mại với các đối tác lớn.