Xuất khẩu gạo tăng sản lượng nhưng giảm về giá trị
VOV.VN - Nhu cầu của người dân hiện nay là ăn gạo có chất lượng cao, đặc biệt là nhóm gạo hữu cơ, gạo đặc sản.
Trong chuỗi các hoạt động của Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ 4 đang diễn ra tại tỉnh Vĩnh Long, hôm nay (16/12) diễn ra Hội thảo khoa học về “Điều kiện cần và đủ để đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp mà trọng điểm là cây lúa, hạt gạo Việt Nam”.
Hội thảo khoa học về “Điều kiện cần và đủ để đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp mà trọng điểm là cây lúa, hạt gạo Việt Nam”. |
ĐBSCL có diện tích đất trồng lúa khoảng 2 triệu ha, với diện tích gieo trồng hàng năm hơn 4 triệu ha, sản lượng lúa ước đạt 25 triệu tấn, trong đó 50% phục vụ cho xuất khẩu, với sản lượng gạo đạt khoảng 6 triệu tấn.
Riêng 9 tháng năm 2019 ĐBSCL xuất khẩu gạo đạt trên 5 triệu tấn, tăng gần 4%, đạt doanh thu hơn 2 tỷ USD nhưng lại giảm hơn 10% về giá trị xuất khẩu.
Tại hội thảo các đại biểu cho rằng nguyên nhân sản lượng gạo xuất khẩu tăng nhưng giá trị giảm là do chất lượng gạo Việt Nam chưa cao và không đồng nhất; Thị phần xuất khẩu gạo Việt Nam chưa thâm nhập được sâu vào thị trường châu Âu, châu Mỹ và Nhật Bản do hạn chế năng lực cạnh tranh.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng cục chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT, nhu cầu của người dân là chất lượng cao hơn, đặc biệt là nhóm gạo hữu cơ, gạo đặc sản. Đối với khung khổ pháp lý Chính phủ ban hành Nghị định về nông nghiệp hữu cơ, Bộ NN&PTNT ban hành về nông nghiệp hữu cơ.
“Về khung khổ pháp lý, chúng ta đã có đầy đủ. Doanh nghiệp cần phải tập trung sâu và các phân khúc phải liên kết về mặt tiêu thụ. Vì chỉ có doanh nghiệp liên kết với các hộ nông dân bền vững, mới cung cấp được sản phẩm gạo thích ứng với được thị trường”, ông Toản cho hay.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng nguyên nhân chất lượng gạo Việt Nam kém hơn gạo các nước trong khu vực là do thiết bị, công nghệ chế biến chưa hiện đại, nhận thức của nông dân theo kiểu nhỏ lẻ manh mún vẫn còn tồn tại; Việc liên kết giữa nông dân và các doanh nghiệp chưa được chặt chẽ, tình trạng phá vỡ hợp đồng mua bán vẫn còn xảy ra. Nếu khắc phục được tình trạng này, sẽ nâng cao được chất lượng hạt gạo Việt Nam trong thời gian tới./. Cần Thơ nhiều tiềm năng xuất khẩu gạo sang Hong Kong (Trung Quốc)