Xuất khẩu nông sản sụt giảm trong quý 1 năm 2019
VOV.VN - Quý 1 năm 2019, toàn ngành nông nghiệp đã vượt khó duy trì tăng trưởng khá, tuy nhiên, dịch bệnh và xuất khẩu sụt giảm vẫn đang là thách thức lớn.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng giá trị sản xuất của toàn ngành Quý I ước đạt 2,69% so với Quý I/2018; trong đó nông nghiệp tăng 1,93%, lâm nghiệp tăng 4,32% và thủy sản tăng 5,24%. GDP ngành nông nghiệp trong Quý I ước đạt khoảng 2,68% ; trong đó, ngành nông nghiệp tăng 1,84%, ngành lâm nghiệp tăng 4,2%, thuỷ sản tăng 5,1 %.
Trong quý I, khu vực nông nghiệp gặp khó khăn, cùng với dịch tả lợn châu Phi là tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL, hạn hán một số nơi ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ trong khi giá cả nhiều loại nông sản bấp bênh, có xu hướng giảm giá.
Nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực sụt giảm
Thống kê của Bộ NN&PTNT cho biết, trong quý 1/2019, các mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu tốt là chè tăng 15,4%, cao su tăng 18,5%, cá tra tăng 10%... Tuy nhiên, nhiều mặt hàng nông sản chủ lực vẫn tiếp diễn đà giảm.
Khối lượng gạo xuất khẩu 3 tháng đầu năm ước đạt 1,43 triệu tấn với 593 triệu USD, giảm 3,5% về khối lượng và giảm 20,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Trong tháng 3, thị trường cà phê trong nước vẫn biến động giảm cùng xu hướng với thị trường cà phê thế giới. Giá cà phê các tỉnh Tây Nguyên giảm xuống còn 32.200 – 33.200 đồng/kg. Giá cà phê giảm trước áp lực nguồn cung từ Brazil cao.
Cũng bởi áp lực nguồn cung lớn, giá tiêu xuất khẩu vẫn tiếp tục giảm mạnh, với mức 27%.
Thuỷ sản đã được giải quyết xác nhận nguồn gốc khai thác ở 47/83 cảng cá. |
Ông Lê Thanh Hoà - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, xuất khẩu gạo do các đơn hàng ở thị trường Trung Quốc đang phải chờ chính sách mới. Mặc dù quý 1/2019, thị trường lúa gạo có khó khăn nhưng Bộ NN&PTNT dự báo sang quý 2 sẽ có nhiều hợp đồng mới do giá gạo của Việt Nam đang ở mức giá cạnh tranh với các nước xuất khẩu khác. Do đó, hiện có một số doanh nghiệp đã tiếp cận được thị trường và tiến đến thỏa thuận ký hợp đồng.
“Xuất khẩu rau quả giảm 9,3% so với cùng kỳ năm 2018 do lớn nhất là thị trường Trung Quốc hiện nay đã được yêu cầu cần dán mác, nguồn gốc và bao bì đóng gói theo quy chuẩn (trước là rơm rạ)” - ông Hoà nói.
Trong các mặt hàng nông, lâm và thuỷ sản xuất khẩu thì lâm sản và thuỷ sản là hai điểm sáng trên thị trường xuất khẩu. Trong đó, thuỷ sản tăng 0,5%, gỗ và lâm sản tăng 16,5%. Tuy nhiên thời gian vừa qua, hàng nghìn tấn thuỷ sản bị tồn đọng ở các cảng không xuất khẩu được do chưa được xác nhận nguồn gốc gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp.
Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, hơn 5.200 tấn thuỷ sản tồn đọng đã được giải quyết xác nhận nguồn gốc khai thác gần hết, chỉ còn lại hơn 90 tấn chưa được xác nhận.
Bộ NN&PTNT đã công bố 47/83 cảng cá (chiếm 85% sản lượng) có đủ hệ thống xác nhận thủy sản từ khai thác. Số cảng đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc thuỷ sản khai thác sẽ tiếp tục được công bố trong tháng 4/2019 để tạo thuận lợi cho ngư dân cũng như doanh nghiệp xuất khẩu./.
Các FTA mới và cơ hội cho ngành nông nghiệp Việt Nam
Ngành nông nghiệp phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 43 tỷ USD năm 2019