Xuất khẩu Quý I “bết bát” vì Covid-19: Cơ hội nào cho Việt Nam?

VOV.VN - Mặc dù kim ngạch xuất khẩu trong Quý I tăng trưởng thấp nhưng các chuyên gia đánh giá vẫn có những kỳ vọng tích cực trong thời gian tới.

Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, tính chung trong Quý I, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 59,08 tỷ USD, tăng 0,5%; nhập khẩu đạt 56,26 tỷ USD, giảm 1,9%. Cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục thặng dư 2,82 tỷ USD, cao hơn so với mức thặng dư 1,46 tỷ USD của cùng kỳ năm 2019. Nếu nhìn ở chiều nhập khẩu, tăng trưởng trong Quý I thấp nhất từ năm 2003 trở lại đây.

Xuất, nhập khẩu sụt giảm vì Covid-19

Với tác động của dịch Covid-19, hầu hết các sản phẩm nông sản đều có kim ngạch sụt giảm trong Quý I/2020. Vào thời điểm đầu tháng 2, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở Trung Quốc, giao dịch thương mại với Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ đất liền gần như đình trệ. Trong khi đó, xuất khẩu sang các thị trường EU và Mỹ gặp nhiều khó khăn.

Nhóm hàng công nghiệp chế biến tình hình cũng không mấy khả quan khi tổng giá trị xuất khẩu quý đầu năm ước đạt 50,05 tỷ USD, chỉ tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung ứng nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu Trung Quốc.

Giao dịch thương mại với Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ đất liền gần như đình trệ khiến kim ngạch xuất khẩu sụt giảm mạnh, đặc biệt là nhóm hàng nông sản,

Đặc biệt từ tháng 3, toàn cầu bước vào giai đoạn đại dịch với mức độ lây lan nhanh nguy hiểm. Chính phủ các quốc gia đang ban hành những biện pháp kiểm soát dịch bệnh như tạm đóng cửa xuất nhập cảnh, hạn chế tụ tập, mua sắm đông người, hạn chế hoạt động của các Trung tâm thương mại... khiến nhu cầu mua bán hàng hóa sụt giảm nghiêm trọng.

Đáng chú ý, các mặt hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ hứng chịu tác động kép từ dịch Covid-19 do nguồn nguyên liệu sản xuất vừa mới được cải thiện từ đầu tháng 3, nhưng nay lại gặp khó khăn ở thị trường đầu ra, đặc biệt EU và Mỹ là hai thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Theo đánh giá của PGS.TS. Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách Công Thương (Bộ Công Thương), sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới hoạt động kinh tế toàn cầu rất lớn. Theo đánh giá, quý II sẽ là thời điểm cực kỳ khó khăn với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, bởi các thị trường lớn đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng và các yếu tố cung-cầu, hệ thống phân phối đều bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch Covid-19.

Ngoài ra, khó khăn phải kể tới còn là câu chuyện đứt gãy nguyên phụ liệu đầu vào, khi nguyên phụ liệu cho nhiều ngành của Việt Nam như dệt may, da giày… chủ yếu nhập khẩu từ một số thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc… Khi các thị trường này bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì nguồn nguyên liệu đầu vào cũng không được cung cấp ổn định như trước. Một số cơ sở sản xuất hết tháng 3 hoặc đến hết tháng 4 đã hết nguyên liệu dự trữ.

Một trong những vấn đề đáng lo ngại nữa là làm thế nào để các cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử… giữ được công nhân trong giai đoạn khó khăn hiện nay để khi dịch Covid-19 qua đi, DN có sẵn lực lực lượng lao động làm việc.

Kỳ vọng tích cực

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu trong Quý I được đánh giá là khá “bết bát”, tuy nhiên Bộ Công Thương đánh giá, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam cũng có những kỳ vọng tích cực trong thời gian tới. Nhất là khi dịch Covid-19 cơ bản đã được khống chế tại Trung Quốc, hoạt động xuất nhập khẩu không còn bị hạn chế sẽ là cơ hội cho Việt Nam trong việc xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc.

Bên cạnh đó, các ưu đãi của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được kỳ vọng sẽ có những tác động thúc đẩy sản xuất trong nước.

Các DN dệt may nỗ lực tìm kiếm nguyên phụ liệu sản xuất, đơn hàng xuất khẩu và đảm bảo đời sống cho người lao động.

PGS.TS. Phạm Tất Thắng cho rằng, ở một tầm nhìn dài hơi hơn khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát tốt hơn, xuất khẩu của Việt Nam cũng có những yếu tố thuận lợi. Đặc biệt, những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như lúa gạo, rau quả tươi… thế giới vẫn cần, thậm chí chỉ cần dịch Covid-19 bớt đi thì nhu cầu sẽ nhiều hơn.

“Nếu Việt Nam chế biến được các mặt hàng như rau quả, thủy sản… thành sản phẩm đông lạnh, đóng hộp thì sẽ càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thế giới sau mùa dịch bệnh. Đặc biệt, với mặt hàng cá tra, cá basa…, Việt Nam có khá nhiều lợi thế. Nếu thời gian tới, Việt Nam được Liên minh châu Âu (EC) gỡ “thẻ vàng” với hải sản xuất khẩu sẽ là yếu tố tốt giúp thúc đẩy xuất khẩu”, PGS.TS. Phạm Tất Thắng cho biết.

Cũng theo PGS.TS. Phạm Tất Thắng, nếu EU khống chế được dịch Covid-19 trong quý II để bắt đầu quý III, quý IV khôi phục lại hoạt động sản xuất thì EVFTA sẽ là tuyến đường, cánh cửa rộng để đưa hàng Việt Nam sang thị trường EU.

Đánh giá về cơ hội tăng trưởng xuất khẩu cho Việt Nam trước khả năng dịch Covid-19 được khống chế và Hiệp định EVFTA sớm được Quốc hội phê chuẩn để có hiệu lực, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) cho rằng, với EVFTA, cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa của các DN Việt rất rõ. Song, trước mắt các DN cần đổi mới tổ chức mô hình sản xuất để hàng hóa nông sản của Việt Nam có thể tận dụng được các ưu đãi từ EU.

“Đặc biệt, trong bối cảnh nền sản xuất nông nghiệp của nước nhà còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa thành chuỗi liên kết thì việc tổ chức lại, đổi mới mô hình sản xuất là rất quan trọng tạo nên cơ cấu hàng hóa chất lượng phù hợp với thị trường EU sẽ là ưu thế lớn để tăng trưởng xuất khẩu”, ông Tuấn nêu quan điểm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên